Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Bảo đảm thông tin liên lạc mùa mưa lũ

Thông tin chỉ đạo, điều hành  
Bảo đảm thông tin liên lạc mùa mưa lũ
Do ảnh hưởng của cơn bão số 3 và hoàn lưu bão đã xảy ra một số sự cố thông tin liên lạc trên địa bàn. Các đơn vị cung cấp dịch vụ bưu chính, viễn thông trên địa bàn tỉnh đang nỗ lực khắc phục sự cố, triển khai những phương án tối ưu nhằm bảo đảm thông tin liên lạc thông suốt, hỗ trợ tích cực cho công tác chỉ đạo, điều hành của các cấp ủy, chính quyền các cấp trong công tác phòng, chống thiên tai.
Bảo đảm thông tin liên lạc mùa mưa lũ
Nhân viên VNPT Hà Nam kiểm tra, bảo dưỡng cơ sở hạ tầng mạng lưới, kê kích trang thiết bị để ứng phó với cơn bão số 3.

Ngay khi có thông tin về cơn bão số 3, thực hiện công điện, văn bản chỉ đạo của Trung ương, Sở Thông tin và Truyền thông đã có văn bản chỉ đạo các doanh nghiệp bưu chính, viễn thông trên địa bàn tỉnh triển khai thực hiện các phương án bảo đảm thông tin liên lạc ứng phó khẩn cấp với bão số 3, phục vụ công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN).

Cùng với công tác bảo dưỡng cơ sở hạ tầng mạng lưới, bổ sung hoàn thiện trang thiết bị, các doanh nghiệp bưu chính, viễn thông đã xây dựng phương án phòng, chống thiên tai ở từng địa bàn quản lý nhằm bảo đảm hệ thống thông tin hoạt động tốt nhất, không bị gián đoạn. Trung tá Nguyễn Xuân Cường, Giám đốc Chi nhánh Viettel tỉnh Hà Nam cho biết: Rút kinh nghiệm năm 2017, đơn vị đã chủ động gia cố các tuyến cáp, nhà trạm, cột phát sóng (đặc biệt là khu vực ven sông); chuẩn bị các phương tiện phục vụ như máy nổ, máy hàn, máy đo; triển khai phương án bảo đảm thông tin liên lạc thông suốt trong mọi tình huống phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của cấp ủy, chính quyền các cấp tại địa phương khi cơn bão số 3 đổ bộ.

Bảo đảm thông tin liên lạc mùa mưa lũ
Nhân viên VNPT Hà Nam theo dõi, kiểm tra thiết bị trong khu vực bị ngập sâu.

Đối với Chi nhánh VNPT Hà Nam, ông Trịnh Quang Tuấn, Phó Giám đốc VNPT Hà Nam cho biết: Trước mỗi mùa mưa bão, công tác rà soát, củng cố hạ tầng, nhà trạm, bảo đảm an toàn về người và hạ tầng mạng viễn thông, đặc biệt là trạm phát sóng và các tuyến cáp truyền luôn được chú trọng hàng đầu. VNPT Hà Nam tăng cường rà soát, kiểm tra các nhà trạm, phòng máy; ngầm hóa mạng ngoại vi; tiếp tục thực hiện rà soát, chỉnh trang, bó gọn mạng cáp treo trên các tuyến phố, tuyến đường dân sinh nhằm bảo đảm an toàn, mỹ quan. Đồng thời đơn vị chủ động triển khai phương án bơm nước, phát điện, kê kích phục vụ các thiết bị, cột phát sóng (BTS) để chủ động ứng phó khi bão về.

Theo Sở Thông tin và Truyền thông, sau bão số 3, dù không có thiệt hại về người nhưng các nhà mạng: Viettel, VNPT, Mobifone và Bưu điện tỉnh Hà Nam đều có những thiệt hại về tài sản. Cụ thể có 14 trạm BTS dừng hoạt động do nước dâng (Viettel 4 trạm, Mobifone 10 trạm), 44 trạm BTS phải kê kích (Viettel 18 trạm, VNPT 26 trạm) ; 7 tuyến cáp truyền dẫn bị đứt (Viettel 4 tuyến, VNPT 3 tuyến); một số địa điểm phục vụ của bưu điện trên địa bàn thị xã Duy Tiên, huyện Thanh Liêm bị hư hỏng và ngập nước.

Bảo đảm thông tin liên lạc mùa mưa lũ
 Nước dâng cao trên địa bàn xã Thanh Thủy, huyện Thanh Liêm gây khó khăn trong việc vận chuyển thư từ và hàng hóa.

Để khắc phục những thiệt hại, hiện các doanh nghiệp viễn thông tập trung sửa chữa mạng lưới, củng cố hạ tầng, nhà trạm để khắc phục những thiệt hại cũng như bảo đảm an toàn thông tin liên lạc trong mùa mưa bão. Trung tá Nguyễn Xuân Cường, Giám đốc Viettel Chi nhánh tỉnh Hà Nam nhấn mạnh: Viettel Hà Nam đã huy động 100% cán bộ, nhân viên tập trung khắc phục sự cố sau mưa bão để nhanh chóng nối lại những tuyến dây bị đứt để bảo đảm thông tin liên lạc cho các thuê bao; kiểm tra, chạy máy phát, máy bơm đối với những trạm bị ngập do nước dâng và hỗ trợ những số thuê bao băng rộng cố định bị ảnh hưởng. Với quan điểm chỉ đạo “Chủ động phòng tránh – Đối phó kịp thời – Khắc phục khẩn trương – An toàn hiệu quả”, đến ngày 14/9, Viettel Hà Nam đã khắc phục được 90% những thiệt hại do mưa bão gây ra.

Đối với Chi nhánh VNPT Hà Nam, đơn vị đã tăng cường kiểm tra, rà soát, bảo dưỡng các trạm BTS; trực tiếp xử lý các thuê bao bị ảnh hưởng, khôi phục lại các thuê bao, thiết bị bị hỏng. Tuy nhiên, trên địa bàn tỉnh nước lũ trên sông Đáy và sông Châu Giang dâng cao, một số thuê bao ở khu vực đê, ven sông vẫn bị ảnh hưởng do ngập sâu và di dời, cán bộ và nhân viên VNPT sẽ tiếp tục thống kê và tiếp cận khắc phục khi điều kiện cho phép.

Bảo đảm thông tin liên lạc mùa mưa lũ
Nhân viên Bưu điện xã Thanh Thủy (Thanh Liêm) sử dụng phao kéo dây để giao thư từ và hàng hóa.

 Đặc biệt, đối với địa bàn huyện Thanh Liêm, nơi có 5 xã, thị trấn bị ảnh hưởng nặng: Thanh Nghị,  Thanh Hải, Thanh Tân, Thanh Thủy và thị trấn Kiện Khê, nhiều hộ dân bị ngập sâu gây khó khăn trong các hoạt động.  Chị Cao Thị Hiền, nhân viên Bưu điện xã Thanh Thủy cho biết: Do ngập lụt sâu, công tác vận chuyển thư từ rất khó khăn. Chúng tôi phải di chuyển bằng thuyền, phao đối với những điểm ngập sâu. Tuy vậy, chúng tôi vẫn cố gắng để hoàn thành công việc, vận chuyển thư từ và hàng hóa tới chính quyền, bà con trong xóm kịp thời, nhanh chóng và an toàn.

Hiện các doanh nghiệp bưu chính, viễn thông trên địa bàn tỉnh đã và đang nỗ lực kiểm tra, khắc phục sự cố do ảnh hưởng của mưa bão nhằm bảo đảm thông tin liên lạc thông suốt trong mọi tình huống, phục vụ tốt công tác lãnh, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương và nhu cầu thông tin liên lạc của nhân dân...

Theo baohanam.com.vn

https://baohanam.com.vn/kinh-te/thuong-mai-dich-vu/bao-dam-thong-tin-lien-lacamua-mua-lu-135520.html

Theo baohanam.com.vn
Tin liên quan