Với việc số hóa dữ liệu và khai thác, sử dụng dữ liệu số hóa, chuyển đổi số tạo ra giá trị mới, đó có thể là quy trình mới, mô hình mới… trong hoạt động quản lý của nhà nước và của các tổ chức khác. Xã hội vận động không ngừng, cách mạng 4.0 đặt ra yêu cầu tích hợp công nghệ, khai thác dữ liệu lớn ở dạng số hóa để cơ quan chính quyền thực hiện nhiệm vụ quản trị, phát triển xã hội một cách tốt nhất. Do đó, chuyển đổi số là xu hướng khách quan và mỗi cơ quan nhà nước, mỗi tổ chức, người dân không thích nghi tất yếu sẽ bị tụt hậu, bị bỏ lại phía sau. Từ đó, chuyển đổi số trở thành yêu cầu khách quan, được xác định gồm ba cấu phần chính, bao gồm: “chuyển đổi số trong hoạt động của cơ quan nhà nước nhằm phát triển chính phủ số; chuyển đổi số trong hoạt động của doanh nghiệp nhằm phát triển kinh tế số; chuyển đổi số trong hoạt động của người dân nhằm phát triển xã hội số".
Khi chính phủ số, kinh tế số, xã hội số được hình thành và vận hành đồng bộ, việc quản trị và phát triển xã hội sẽ thuận lợi, tiết kiệm nguồn lực mà vẫn bảo đảm hiệu lực. Sự tương tác giữa cơ quan nhà nước và người dân sẽ được thực hiện nhiều hơn, dễ dàng hơn thông qua hình thức trực tuyến. Chuyển đổi số lúc đó khẳng được vai trò, có ý nghĩa thực sự to lớn và là xu hướng phát triển tất yếu.
Nhận thức được vai trò của chuyển đổi số, UBND tỉnh Hà Nam đã chỉ đạo chuyển đổi số đồng bộ trên cả 03 trụ cột: Chính quyền số, kinh tế số và xã hội số.
Về phát triển chính quyền số
Hệ thống quản lý văn bản và điều hành liên thông 4 cấp chính quyền. 100% các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện, UBND cấp xã thường xuyên ứng dụng phần mềm vào công tác chỉ đạo, điều hành và gửi, nhận văn bản điện tử liên thông giữa các cơ quan trong tỉnh, liên thông với các bộ, ngành trung ương qua trục liên thông văn bản quốc gia. Trên 90% văn bản được ký số phát hành trên môi trường mạng (trừ văn bản mật). Hệ thống thư điện tử của tỉnh đảm bảo cung cấp hộp thư điện tử cho cán bộ, công chức từ cấp tỉnh đến cấp xã. Tỷ lệ cán bộ, công chức từ cấp huyện trở lên thường xuyên sử dụng hệ thống thư điện tử trong công việc là 95%. Duy trì hoạt động Hệ thống thông tin báo cáo tỉnh Hà Nam kết nối với Hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ; Phần mềm lập hồ sơ lưu trữ điện tử cho các cơ quan hành chính nhà nước trên địa bàn tỉnh; Hệ thống quản lý hoạt động khoáng sản và cơ sở dữ liệu khoáng sản trên địa bàn tỉnh; Cổng Thông tin Du lịch và ứng dụng du lịch thông minh tỉnh Hà Nam; Cơ sở dữ liệu quy hoạch, đô thị liên thông trên địa bàn tỉnh; Hệ thống quản lý công dân nhập ngũ nghĩa vụ quân sự tỉnh Hà Nam.
Đang triển khai Hệ thống Quản lý, vận hành, lưu trữ, bảo trì Hệ thống cơ sở dữ liệu đất đai tỉnh Hà Nam; Phần mềm quản lý thư viện điện tử tại các trường trung học phổ thông, trung học cơ sở trên toàn tỉnh; Hệ thống giám sát xe vận chuyển rác và khối lượng xử lý rác thải sinh hoạt trên địa bàn tỉnh; Hệ thống chuẩn hóa xác thực tập trung (SSO) tỉnh Hà Nam; Hệ thống ứng dụng (App) công dân số tỉnh Hà Nam; Hệ thống thông tin nguồn tỉnh Hà Nam; Hệ thống thông tin quản lý các trang thông tin điện tử, mạng xã hội và giám sát nội dung các website, blog, fanpage, tài khoản mạng xã hội trên địa bàn tỉnh Hà Nam; Hệ thống chấm điểm, đánh giá Bộ chỉ số chuyển đổi số của các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố.
Trung tâm điều hành thông minh (IOC) tỉnh Hà Nam đã tích hợp, kết nối 13 hệ thống thông tin của các sở, ngành. Một số chỉ tiêu cơ bản về kinh tế - xã hội được các sở ngành cung cấp số liệu và cập nhật vào hệ thống. Hà Nam là tỉnh đầu tiên hoàn thành kết nối Trung tâm điều hành thông minh (IOC) tỉnh với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư (đã hiển thị đầy đủ thông tin về dữ liệu dân cư tỉnh Hà Nam từ tháng 11/2023 đến nay). Các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh đang khai thác dữ liệu dân cư phục vụ hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ.
Trung tâm Điều hành đô thị thông minh thành phố Phủ Lý thu thập, phân tích, chuẩn hóa dữ liệu về camera an ninh, camera giao thông trên địa bàn; hệ thống phản ánh kiến nghị (App công dân thành phố Phủ Lý)... phục vụ sự chỉ đạo, điều hành của thành phố.
Cổng Thông tin điện tử tỉnh Hà Nam đã được cập nhật khá đầy đủ thông tin. Cập nhật nhiều văn bản quy phạm pháp luật, văn bản chỉ đạo điều hành của UBND tỉnh; cung cấp thông tin hữu ích phục vụ người dân và doanh nghiệp; trả lời kịp thời câu hỏi thắc mắc của người dân và doanh nghiệp; trung bình hằng tháng cập nhật 85 tin, bài. Nhiều chuyên mục trên cổng đã được thiết kế, tạo lập và cập nhật thông tin. Cổng thành phần của các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố đã tạo đủ các mục thông tin chủ yếu theo quy định. Hầu hết các cơ quan đã cập nhật đầy đủ thông tin vào các mục. Trung bình hằng tháng có 35 tin, bài được cập nhật trên mỗi cổng thành phần.
Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính tỉnh Hà Nam cung cấp tất cả các dịch vụ công đủ điều kiện lên trực tuyến toàn trình; cập nhật đầy đủ các thủ tục hành chính của tỉnh; công khai toàn bộ quy trình giải quyết, kết quả giải quyết. Hệ thống cung cấp tổng số 1.806 bộ thủ tục hành chính. Trong đó: 1.310 dịch vụ trực tuyến toàn trình; 421 dịch vụ công trực tuyến một phần và 75 dịch vụ công khác. Năm 2024: Tỷ lệ nộp hồ sơ trực tuyến đạt 84,6%; tỷ lệ hồ sơ giải quyết đúng và trước hạn đạt 99,1%; tỷ lệ hồ sơ thành toán trực tuyến đạt 77,6%. Hà Nam đứng đầu cả nước về tỷ lệ hồ sơ trực tuyến toàn trình (Hà Nam đạt 69%; trung bình cả nước đạt khoảng 19%). Hà Nam là tỉnh thứ 08 hoàn thành kết nối và được phê duyệt triển khai chính thức liên thông điện tử 02 nhóm thủ tục hành chính (Đăng ký khai sinh, đăng ký thường trú, cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ em dưới 6 tuổi; đăng ký khai tử, xóa đăng ký thường trú, giải quyết mai táng phí, tử tuất).
Về phát triển kinh tế số
Tỉnh Hà Nam đã quan tâm thu hút đầu tư trong phát triển công nghiệp công nghệ cao tại các khu công nghiệp. Hiện có trên 140 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghệ thông tin, điện tử viễn thông trên địa bàn tỉnh.
Triển khai 02 sàn thương mại điện tử chính (Buudien.vn của Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam; santhuongmaihanam.vn của Sở Công Thương). Theo Hệ thống theo dõi của Bộ Thông tin và Truyền thông (tmdt.mic.gov.vn), tính đến nay, Hà Nam có số giao dịch trên sàn: 15.362 giao dịch; số tài khoản hoạt động trên sàn: 92.811 tài khoản; số hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn: 69.747 hộ; số hộ sản xuất nông nghiệp được đào tạo kỹ năng số: 89.650 hộ; số sản phẩm được đưa lên sàn: 3.313 sản phẩm.
Theo công bố của Tổng cục Thống kê cuối tháng 12/2023, tỷ trọng kinh tế số trong GRDP của Hà Nam đạt 13,25%%, xếp thứ 9/63 tỉnh, thành phố.
Về phát triển xã hội số
Tỷ lệ người dân từ 15 tuổi trở lên có tài khoản thanh toán điện tử đạt gần 90%. Số lượng dân số ở độ tuổi trưởng thành có chữ ký số hoặc chữ ký điện tử cá nhân khoảng 130.000 chữ ký số (đạt khoảng 17% dân số trưởng thành trên địa bàn tỉnh, trung bình cả nước đạt khoảng 14%).
Số điểm phục vụ của mạng bưu chính công cộng có kết nối Internet băng rộng cố định: 125 điểm.
Các doanh nghiệp viễn thông ngày càng mở rộng cung cấp các dịch vụ mới: Thanh toán điện tử; triển khai giải pháp công nghệ thông tin; chất lượng dịch vụ điện thoại và tốc độ Internet luôn được đảm bảo phù hợp các chỉ tiêu đã công bố của doanh nghiệp theo quy định và duy trì ổn định, đáp ứng tốt nhu cầu thông tin liên lạc, truy cập Internet và các dịch vụ có liên quan của các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh. Thực hiện lộ trình tắt sóng 2G, các doanh nghiệp viễn thông đã ban hành các chính sách ưu đãi, khuyến mại và hỗ trợ điện thoại thông minh cho người dân chuyển đổi lên thuê bao 4G. Năm 2024, doanh nghiệp viễn thông đã tặng trên 9.000 điện thoại 4G cho khách hàng; hỗ trợ giảm giá điện thoại, ưu đãi tặng gói data, phút gọi... cho trên 13.000 khách hàng khi mua điện thoại 4G.
Các cơ sở y tế, bệnh viện, cơ sở giáo dục, trường học đã thúc đẩy triển khai thanh toán viện phí, học phí không dùng tiền mặt. Ngành giáo dục và đào tạo đang triển khai hệ thống cơ sở dữ liệu ngành. Triển khai ký số học bạ điện tử, sổ điểm điện tử toàn ngành giáo dục ở các cấp học. Ngành du lịch triển khai ứng dụng du lịch thông minh. Ngành lao động - thương binh và xã hội tích cực triển khai các biện pháp phát triển người hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp thất nghiệp... qua tài khoản ATM, các phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt.
Tổ công nghệ số cộng đồng đã tổ chức hướng dẫn người dân cài đặt, sử dụng dịch vụ số phục vụ cho nhu cầu thiết yếu như thanh toán số; hướng dẫn đăng ký cài đặt và sử dụng các tài khoản thanh toán điện tử, mô hình chợ 4.0; sử dụng các ứng dụng chuyển đổi số; tham gia sàn thương mại điện tử.../.
LH