Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Đẩy mạnh công nghiệp hóa, phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với xây dựng thương hiệu sản phẩm; nâng c...

Tin theo lĩnh vực Nông, lâm nghiệp và thủy lợi  
Đẩy mạnh công nghiệp hóa, phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với xây dựng thương hiệu sản phẩm; nâng cao hiệu quả liên kết chuỗi trong sản xuất nông nghiệp
Thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Hà Nam lần thứ XIX, Tỉnh ủy Hà Nam đã ban hành Nghị quyết số 05-NQ/TU, ngày 08/4/2016 về việc đẩy mạnh công nghiệp hóa nông nghiệp, tạo đột phá phát triển nhanh, bền vững nông nghiệp, nông thôn tỉnh Hà Nam giai đoạn 2016 - 2025, định hướng đến năm 2035. Để triển khai các Nghị quyết, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã tham mưu với Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh ban hành nhiều cơ chế chính sách nhằm đẩy mạnh công nghiệp hóa trong sản xuất nông nghiệp, phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với xây dựng thương hiệu sản phẩm và nâng cao hiệu quả liên kết chuỗi trong sản xuất.

Cùng với các cơ chế chính sách phù hợp và sự lãnh đạo quyết liệt của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, sự sát sao của ngành, các địa phương và nỗ lực, quyết tâm của các doanh nghiệp, hợp tác xã, bà con nông dân toàn tỉnh, lĩnh vực nông nghiệp đã cơ bản hoàn thành và hoàn thành vượt mức các nhiệm vụ đề ra, tốc độ tăng trưởng ngành nông nghiệp bình quân giai đoạn 2016 - 2020 ước đạt 1,02%; cơ cấu nội bộ ngành chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng ngành chăn nuôi - thủy sản và dịch vụ, giảm dần tỷ trọng trồng trọt - lâm nghiệp. Tỷ lệ cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp đạt kết quả tích cực đặc biệt là trong sản xuất lúa, ở khâu làm đất đạt 100%, khâu thu hoạch đạt 85%, khâu gieo trồng đạt 40% diện tích; khâu bảo quản chế biến đạt 35%. Giá trị sản xuất/đơn vị diện tích bình quân lĩnh vực trồng trọt và nuôi trồng thủy sản năm 2020 ước đạt 120 triệu đồng/ha, tăng 23,9 triệu đồng so với năm 2015. Trong quá trình thực hiện công nghiệp hóa nông nghiệp, lĩnh vực trồng trọt có nhiều tiến bộ khoa học, công nghệ mới được áp dụng vào sản xuất như: máy gặt đập liên hợp, máy cấy, gieo thẳng lúa bằng công cụ sạ hàng, công nghệ phun thuốc bảo vệ thực vật, phân bón lá bằng thiết bị bay không người lái... đã góp phần nâng cao năng suất lúa so với phương pháp cấy lúa truyền thống từ 10 - 12%, nâng cao năng suất lao động, đưa năng suất lúa của tỉnh thuộc nhóm các tỉnh có năng suất lúa cao trong cả nước. Nhiều mô hình sản xuất có giá trị kinh tế cao đã được hình thành và phát triển, thu hút được các doanh nghiệp lớn, có khả năng ứng dụng khoa học công nghệ đầu tư vào các khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của tỉnh như khu nông nghiệp công nghệ cao xã Xuân Khê - Nhân Bình với diện tích 180 ha, xã Nhân Khang diện tích 21,6 ha. Giá trị sản xuất trên 01 ha canh tác năm 2020 trong các khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao sản xuất ngoài trời đạt từ 1,2-1,4 tỷ đồng/ha/năm, trong khu trong nhà kính đạt từ 3-4 tỷ đồng/ha/năm. Đối với lĩnh vực chăn nuôi và thủy sản, có sự chuyển dịch tích cực, phát triển theo hướng đẩy mạnh công nghiệp hóa trong chăn nuôi, hình thức sản xuất chuyển dịch theo hướng chăn nuôi trang trại, công nghiệp, đến năm 2020 toàn tỉnh có 891 trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm tăng 129 trang trại so với năm 2015. Tỷ trọng chăn nuôi trang trại, công nghiệp chiếm khoảng 50% tổng đàn. Hầu hết các trang trại được đầu tư đồng bộ, hiện đại, khép kín về chuồng trại, thiết bị, vệ sinh thú y... đặc biệt các công nghệ mới đã được ứng dụng trong sản xuất như công nghệ ấp trứng giống gia cầm bằng máy ấp công nghiệp, công nghệ nuôi cá sông trong ao, công nghệ vi sinh trong xử lý môi trường... đã góp phần quan trọng trong việc nâng cao năng suất vật nuôi, giúp tốc độ tăng trưởng bình quân luôn giữ ở mức cao, ngành chăn nuôi đạt 2,7%, thủy sản đạt 3,7%. Chăn nuôi, thủy sản đã vươn lên chiếm 54% cơ cấu nội ngành góp phần duy trì mức tăng trưởng chung của ngành nông nghiệp.

Đi đôi với việc phát triển sản xuất, việc xây dựng và phát triển thương hiệu hàng hóa cho một số sản phẩm nông nghiệp đã được triển khai. Toàn tỉnh đã xây dựng được nhiều thương hiệu hàng hóa như: Chuối ngự Đại Hoàng, cá kho Nhân Hậu, gà móng Tiên Phong, bánh đa nem làng Chều, miến Bích Trì, Rượu Vọc, Nấm đông trùng hạ thảo Minh Đức, lụa Nha Xá, trống Đọi Tam và sữa Hanamilk, Sữa Mục Đồng... vượt mục tiêu Nghị quyết đề ra. Các mô hình sản xuất theo chuỗi liên kết bước đầu hình thành và phát triển, mang lại hiệu quả cao như chuỗi chăn nuôi Bò sữa, chuỗi chăn nuôi gia cầm, chuỗi dưa chuột xuất khẩu... Giá trị thu được của các mô hình liên kết cao hơn từ 10 - 20% so với sản xuất truyền thống và có tính ổn định cao, đảm bảo tiêu thụ sản phẩm ổn định cho người nông dân. Hiện nay, nhiều sản phẩm đã được tiêu thụ trong các siêu thị lớn như VinMart, VinMart+, BigC, AEON. Nhiều Hợp tác xã kiểu mới đã được thành lập và phát triển đạt hiệu quả cao trong sản xuất, kinh doanh và hoạt động đều khắp trên các lĩnh vực như: sản xuất rau củ quả, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản cung cấp sản phẩm chất lượng, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm cho thị trường.

456897.jpg
Mô hình nhà kính công nghệ cao của Công ty VinEco Hà Nam

Bên cạnh những kết quả đạt được, trong quá trình chỉ đạo thực hiện đẩy mạnh công nghiệp hóa, phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với xây dựng thương hiệu sản phẩm vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như: Tốc độ tăng trưởng bình quân, giá trị sản xuất/đơn vị diện tích bình quân lĩnh vực trồng trọt và nuôi trồng thủy sản còn thấp; tỷ lệ cơ giới hóa trong một số khâu, một số lĩnh vực sản xuất chưa cao; các doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất tại các khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và các doanh nghiệp bảo quản chế biến nông sản chưa nhiều, chưa tương xứng với tiềm năng của tỉnh...

Để tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với xây dựng thương hiệu sản phẩm; nâng cao hiệu quả liên kết chuỗi trong sản xuất nông nghiệp ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề ra một số giải pháp:

Một là, làm tốt công tác quản lý quy hoạch, rà soát điều chỉnh quy hoạch theo hướng sử dụng lợi thế cạnh tranh của từng địa phương, tạo các vùng hàng hóa quy mô lớn, đảm bảo môi trường.

Hai là, nghiên cứu, ứng dụng rộng rãi các quy trình, kỹ thuật tiên tiến, đẩy mạnh đưa cơ giới hoá vào sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi và thuỷ sản. Ứng dụng quy trình cơ giới hoá đồng bộ (từ khâu làm đất, gieo trồng, chăm sóc, thu hoạch, chế biến); quy trình thâm canh lúa, ngô, rau củ quả từ giống, đầu tư thâm canh; ứng dụng công nghệ cao vào phát triển vùng sản xuất tập trung các sản phẩm có lợi thế của tỉnh gắn với sản xuất chế biến an toàn theo chuỗi giá trị, quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (VietGAP).

Ba là, khuyến khích các thành phần kinh tế khác trong nông nghiệp phát triển. Phát triển các loại hình kinh tế hợp tác, hoạt động sản xuất gắn với cung ứng dịch vụ nông nghiệp tổng hợp theo chuỗi giá trị sản phẩm, từ cung cấp dịch vụ đầu vào đến chế biến và phát triển thị trường, hỗ trợ tín dụng nội bộ cho các thành viên. Khuyến khích kinh tế tư nhân trong nước, các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào sản xuất kinh doanh nông nghiệp. Đây là lực lượng quan trọng có khả năng tạo nhiều việc làm, thu hút lao động, tăng năng lực chế biến, tiêu thụ nông sản, dịch vụ kỹ thuật... cho phát triển kinh tế - xã hội.

Bốn là, đổi mới phát triển kinh tế hợp tác và hợp tác xã. Khuyến khích hỗ trợ và tạo điều kiện phát triển kinh tế hợp tác trên cơ sở liên kết, liên minh giữa các hộ, các trang trại bằng nhiều hình thức, nhiều cấp độ để nâng cao hiệu quả kinh tế. Đổi mới và phát triển hệ thống quản lý và hệ thống tổ chức sản xuất, kinh doanh trong nông nghiệp; tăng cường sự liên kết, tham gia của các tổ chức xã hội (Hội Nông dân, hiệp hội ngành hàng…). Thực hiện chuyển đổi hợp tác xã  theo luật mới, phát triển loại hình hợp tác xã làm dịch vụ sản xuất; làm tốt dịch vụ đầu vào, đầu ra cho nông dân; tổ chức thực hiện tốt kế hoạch sản xuất, dịch vụ về thuỷ lợi, bảo vệ thực vật, thú y... hướng dẫn nông dân ứng dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, liên kết với các doanh nghiệp, các thành phần kinh tế để cung ứng vật tư và thu mua, chế biến, tiêu thụ nông sản cho nông dân.

Năm là, tiếp tục làm tốt công tác chuyển đổi diện tích lúa kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả, vùng nuôi trồng thủy sản mang lại gia trị gia tăng trên đơn vị diện tích lớn hơn theo Kế hoạch số 1876/KH-UBND ngày 26/8/2019 của UBND tỉnh về chuyển đổi cơ cấu cây trồng và nuôi trồng thuỷ sản trên đất trồng lúa tỉnh Hà Nam giai đoạn 2019-2020, định hướng đến năm 2025.

Sáu là, nâng cao năng lực và trình độ cho đội ngũ cán bộ quản lý, điều hành, gắn với đào tạo cán bộ chuyên môn như: khuyến nông, bảo vệ thực vật... để có thể tiếp cận và chuyển giao tiến bộ kỹ thuật cho nông dân. Hàng năm có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn cho người nông dân theo từng vùng, từng địa bàn, từng lĩnh vực sản xuất thông qua chương trình khuyến nông, khuyến lâm, tập huấn; trang bị cho người dân kiến thức liên kết, hợp tác trong sản xuất và đào tạo kỹ thuật./.