Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được vẫn còn một số hạn chế: Một số cấp ủy, chính quyền chưa thực sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập. Sự phối hợp giữa Hội Khuyến học với các cấp, các ngành, cơ quan, đơn vị trong tỉnh có lúc, có việc chưa chặt chẽ, thường xuyên; một bộ phận cán bộ, đảng viên chưa chủ động tự học để nâng cao trình độ đáp ứng yêu cầu thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; hoạt động của trung tâm học tập cộng đồng xã, phường, thị trấn còn nhiều khó khăn; chưa phát huy tốt vai trò, trách nhiệm của cán bộ Hội ở một số cơ sở.
Để thực hiện có hiệu quả Kết luận số 49-KL/TW, ngày 10/5/2014 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 11-CT/TW của Bộ Chính trị khóa X về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập (Kết luận 49-KLTW), Tỉnh uỷ Hà Nam đã ban hành Thông tri số 03-TT/TU về việc tăng cường sự lãnh đạo của các cấp uỷ Đảng đối với công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2021-2030.
Theo đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, mặt trận tổ quốc và các đoàn thể: Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp uỷ đảng, chính quyền các cơ quan, địa phương, đơn vị, nhất là người đứng đầu trong việc duy trì và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập. Quy định rõ trách nhiệm của các cấp uỷ, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên trong thực hiện Kết luận số 49-KL/TW và Chỉ thị 11-CT/TW gắn với việc đánh giá kết quả công tác hàng năm. Phấn đấu mỗi tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên và gia đình cán bộ, đảng viên trở thành đơn vị học tập, công dân học tập và gia đình học tập, làm nòng cốt trong việc xây dựng các mô hình học tập trong Nhân dân. Đưa các nội dung về khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, lồng ghép vào các cuộc vận động và phong trào thi đua yêu nước của địa phương, cơ quan, đơn vị.
Đổi mới công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các ngành, các cấp, cán bộ, đảng viên và Nhân dân trong thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập. Xác định xây dựng xã hội học tập không chỉ là xây dựng các hoạt động giáo dục nhằm phát động mọi lực lượng tham gia làm giáo dục, mà quan trọng nhất là lấy học tập suốt đời làm cốt lõi để mọi người cùng được học tập. Kịp thời biểu dương, khen thưởng các gương sáng trong học tập, trong lập thân, lập nghiệp, các tổ chức, cá nhân có nhiều đóng góp cho công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập, phong trào thi đua “khuyến học, khuyến tài, học tập suốt đời".
Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh lãnh đạo, chỉ đạo UBND tỉnh xây dựng Kế hoạch triển khai thực hiện Kết luận 49-KL/TW, Quyết định 489/QĐ-TTg ngày 18/4/2020 và Chỉ thị 14/CT-TTg ngày 25/5/2021 của Thủ tướng Chính phủ về công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập và Thông tri của Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Kiện toàn Ban Chỉ đạo xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2021 - 2030 ở các cấp, địa phương theo hướng thiết thực, hiệu quả. Xây dựng, triển khai Đề án “Đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng giai đoạn 2021-2030". Chỉ đạo việc gắn kết và liên thông giữa giáo dục chính quy với giáo dục thường xuyên; giữa giáo dục nhà trường với giáo dục gia đình và giáo dục xã hội; rà soát, bổ sung cơ chế, chính sách, đẩy mạnh xã hội hoá về công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập trên địa bàn tỉnh. Từng bước tổ chức xây dựng Mô hình “Đơn vị học tập" ở cấp huyện, thị xã, thành phố và cơ quan, đơn vị; Mô hình “Tỉnh học tập", “Công dân học tập" theo bộ tiêu chí của Trung ương quy định.
Thực hiện tốt việc xây dựng xã hội học tập trên địa bàn giai đoạn 2021 - 2030. Tập trung đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quá trình dạy và học, hỗ trợ cho người học có thể học từ xa, tự học, tạo điều kiện thuận lợi cho người học có thể học suốt đời; liên kết giữa các mô hình đào tạo trong tỉnh (chính quy với giáo dục thường xuyên, giáo dục văn hoá với giáo dục nghề); chỉ đạo và triển khai thực hiện tốt các giải pháp để duy trì nâng cao chất lượng công tác phổ cập giáo dục và xoá mù chữ trên địa bàn tỉnh; nghiên cứu đổi mới hiệu quả hoạt động của mô hình Trung tâm học tập cộng đồng xã, phường, thị trấn.
Cùng với đó, đổi mới, đa dạng hoá, nâng cao chất lượng các loại hình giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn. Đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng nghề nghiệp cho công nhân, người lao động trong các lĩnh vực nhằm đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Xây dựng mô hình đào tạo, đào tạo lại nghề cho người lao động, đào tạo nghề gắn với thị trường lao động, ngành nghề truyền thống, sản xuất, kinh doanh, đào tạo nghề ở nông thôn; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động dạy và học, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của xã hội và phù hợp với tình hình dịch bệnh Covid-19.
Tiếp tục củng cố, xây dựng tổ chức Hội khuyến học các cấp vững mạnh, phát triển tổ chức hội và hội viên. Tập trung phát triển tổ chức hội khuyến học ở các cộng đồng dân cư, cơ quan, doanh nghiệp, trường học, bệnh viện và trong lực lượng vũ trang; nâng cao chất lượng hoạt động của hội, phát huy tốt vai trò nòng cốt trong việc liên kết, phối hợp thúc đẩy phong trào thi đua khuyến học, khuyến tài, học tập suốt đời sối nổi, rộng khắp trong toàn tỉnh. Thực hiện hiệu quả Đề án “Xây dựng mô hình công dân học tập giai đoạn 2021- 2030". Tiếp tục đa dạng hóa các hình thức xây dựng và quản lý, sử dụng có hiệu quả Quỹ khuyến học, khuyến tài.
Mặt trận Tổ quốc và tổ chức chính trị - xã hội các cấp đẩy mạnh tuyên truyền, vận động cán bộ, đoàn viên, hội viên và nhân dân tích cực tham gia các hoạt động khuyến học, khuyến tài, học tập suốt đời, xây dựng xã hội học tập trên địa bàn tỉnh. Chủ động thực hiện chức năng giám sát, phản biện xã hội theo quy định; gắn công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập với việc triển khai thực hiện các cuộc vận động, phong trào thi đua và thực hiện các nhiệm vụ chính trị được giao.
Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chỉ đạo, định hướng, tuyên truyền về công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập trên địa bàn tỉnh; nắm tình hình tư tưởng, dư luận xã hội, nhất là tư tưởng của cán bộ, đảng viên và nhân dân trong quá trình triển khai, thực hiện. Đồng thời chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan hướng dẫn, đôn đốc, theo dõi, kiểm tra, giám sát; định kỳ tham mưu sơ kết, tổng kết việc triển khai thực hiện Thông tri; tổng hợp báo cáo Ban Thường vụ Tỉnh ủy và Trung ương theo quy định./.