Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Đẩy mạnh thực hiện các chính sách giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh

Tin theo lĩnh vực Giảm nghèo bền vững  
Đẩy mạnh thực hiện các chính sách giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh
Dịch bệnh Covid -19 đang diễn biến hết sức phức tạp, tốc độ lây nhiễm nhanh khiến nhiều địa phương phải kiểm soát chặt chẽ, hạn chế đi lại, hạn chế xuất nhập cảnh, hạn chế tụ tập đông người. Do đó gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc phát triển kinh tế của cả nước nói chung và tỉnh Hà Nam nói riêng.

Hà Nam hiện nay có hơn 60% lao động trong nền kinh tế sống ở khu vực nông thôn, chủ yếu làm việc trong lĩnh vực phi chính thức. Đặc thù việc làm của đối tượng lao động này không ổn định, không có giao kết hợp đồng lao động, không hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội, đối mặt với rủi ro và nguy cơ thất nghiệp cao, thu nhập bấp bênh. Trong số này có người nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo.

Để giúp các hộ nghèo, cận nghèo vượt qua khó khăn, Hà Nam đã tập trung tổ chức, xây dựng các mô hình sinh kế giảm nghèo; hỗ trợ tạo việc làm, tăng thu nhập cho hộ nghèo, người nghèo thông qua các chính sách tín dụng ưu đãi, dạy nghề, khuyến nông, khuyến công. Các mô này tập trung phát triển sản xuất cây trồng vật nuôi có lợi thế, ứng dụng tiến bộ mới, cơ giới hoá vào sản xuất.

Trong giai đoạn 2016 - 2020, toàn tỉnh triển khai được 14 mô hình với tổng kinh phí hỗ trợ 2,7 tỷ đồng. Ngoài ra, tất cả các hộ nghèo đều được tạo điều kiện học nghề miễn phí. Nếu trong giai đoạn 2016 - 2020, toàn tỉnh có trên 13.000 lao động nông thôn được hỗ trợ đào tạo nghề thì trong giai đoạn 2021-2025, số lao động nông thôn sẽ được đào tạo nghề nông nghiệp chỉ 5.800 người với nguồn kinh phí hỗ trợ dạy nghề dự kiến 75 tỷ đồng. Ngoài ra, tỉnh cũng dự toán dành 7,5 tỷ đồng thực hiện thí điểm các mô hình dạy nghề cho lao động nông thôn; 3 tỷ đồng dành cho các hoạt động tuyên truyền, tư vấn học nghề và việc làm đối với lao động…

Cùng với đó, để giúp các hộ nghèo, cận nghèo vượt qua khó khăn, Hà Nam luôn xác định việc thực hiện các chương trình tín dụng ưu đãi trên địa bàn là nhiệm vụ chính trị quan trọng. Từ đó trực tiếp chỉ đạo Ngân hàng Chính sách xã hội có những ưu đãi giúp hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn ưu đãi thuận lợi, đầu tư khôi phục, phát triển sản xuất giúp người lao động ổn định, nâng cao cuộc sống.

Trong 9 tháng đầu năm 2021, tuy dịch bệnh Covid-19 bùng phát mạnh gây khó khăn, tổn thất đến sản xuất, cuộc sống người dân, nhưng dòng vốn ưu đãi vẫn không ngừng chảy, Ngân hàng Chính sách Xã hội đã hỗ trợ 14.000 lượt hộ ở cả 06 huyện, thị xã, thành phố được vay hơn 620 tỷ đồng, kịp thời đầu tư thâm canh ruộng vườn, phát triển chăn nuôi, mở mang ngành nghề…

Dẫu biết rằng con đường phía trước còn nhiều khó khăn, nhưng với sự chung sức đồng lòng của Đảng bộ và nhân dân trong tỉnh, tin rằng thời gian tới khi dịch bệnh được đẩy lùi, đời sống của các hộ nghèo, cận nghèo sẽ từng bước được cải thiện, người dân sẽ có cuộc sống ấm no, hạnh phúc./.