Chùa được xây dựng trên đỉnh núi Đọi, trong khuôn viên 2 ha vườn
rừng. Theo sử liệu thành văn và các truyền thuyết có liên quan, chùa Đọi Sơn
vốn là một am nhỏ tồn tại từ thế kỷ X-XI. Thời kỳ này, chùa gắn với tên tuổi
của vị sư Đàm Cứu Chỉ, ông chính là người thay kiến trúc tranh tre, nứa lá của
thời trước để xây dựng chùa bằng gạch ngói là vật liệu bền vững hơn.
Đến thế kỷ XII, vua Lý Nhân Tông trên đường kinh lý qua đây thấy
cảnh sắc còn đó mà chùa đã bị đổ nát nên đã cho xây dựng lại chùa và dựng tháp
Sùng Thiện Diên Linh. Công trình bắt đầu xây dựng năm 1118 đến năm 1121 hoàn
thành. Từ đó, chùa Đọi Sơn trở thành đại danh lam kiêm hành cung, một trong
những trung tâm Phật giáo quan trọng thời Lý với ý nghĩa trấn giữ phía Nam kinh
thành Thăng Long.
Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Thứ trưởng Bộ VH, TT&DL
Đặng Thị Bích Liên trao Bằng xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt chùa Đọi Sơn cho
lãnh đạo địa phương và nhà chùa. Ảnh: Thế
Trang
Chùa Đọi Sơn đứng vững hơn 300 năm. Đầu thế kỷ XV, khi giặc Minh
xâm lược nước ta, chùa và tháp bị phá hủy hoàn toàn. Đến các triều hậu Lê, nhà
Mạc, nhà Nguyễn, chùa Đọi Sơn đã được xây dựng và tu tạo liên tục, dần dần được
khôi phục với 125 gian, được xây theo kiểu nội công ngoại quốc gồm có tòa bái
đường, thiên hương và thượng điện, hai dãy hành lang hai bên thờ thập bát La
hán.
Trong kháng chiến chống Pháp, một lần nữa ngôi chùa cổ kính này
lại bị tàn phá. Sau ngày hòa bình lập lại ở miền Bắc, chính quyền cùng nhân dân
địa phương đã tích cực tiến hành trùng tu lại ngôi chùa. Lần sửa chữa lớn vào
năm 1958 đã hoàn tất những công trình chính tại đây. Đầu những năm 2000, được
sự quan tâm của Bộ Văn hóa Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch)
và UBND tỉnh Hà Nam, chùa tiếp tục tu bổ, tôn tạo xây dựng mới một số công
trình để bảo đảm phục vụ việc bảo vệ và phát huy giá trị di tích.
Trải qua bao biến cố thăng trầm của lịch sử, ngôi chùa vẫn giữ
được nét cổ kính, linh thiêng, mang đậm phong cách kiến trúc, mỹ thuật thời Lý.
Đây là ngôi chùa có lịch sử lâu đời, phản ánh một thời kỳ hưng thịnh của Phật
giáo trong lịch sử dân tộc và là niềm tự hào của người dân nơi đây. Một trong
số những hiện vật có giá trị lịch sử văn hóa nổi bật được lưu giữ tại chùa Đọi
Sơn hiện nay chính là tấm bia Sùng Thiện Diên Linh. Tấm bia với nghệ thuật chạm
khắc độc đáo chứa đựng nhiều thông tin quý hiếm cho việc nghiên cứu lịch sử,
văn hóa thời Lý.
Đặc biệt, tấm bia Sùng Thiện Diên Linh còn là tấm bia duy nhất
cung cấp những thông tin quý hiếm về Hội đèn Quảng Chiếu ở kinh thành Thăng
Long, nghệ thuật múa rối nước, nghi lễ mật giáo, việc tu sửa chùa Diên Hựu
(chùa Một Cột), quá trình xây dựng tháp Sùng Thiện Diên Linh... Chùa Đọi Sơn
cũng là một trong số ít những ngôi chùa hiện nay còn lưu giữ được nhiều hiện
vật mỹ thuật thời Lý có giá trị như: Tượng Đà Bảo Như Lai, tượng Kim Cương,
tượng đầu người mình chim (kinari) - tác phẩm thể hiện sự giao thoa văn hóa
giữa hai nền kiến trúc nghệ thuật Chămpa và Đại Việt thời Lý.
Cùng với các hạng mục kiến trúc và hệ thống hiện vật, đồ thờ tự,
chùa Đọi Sơn còn lưu giữ kho tàng di sản Hán Nôm phong phú, đa dạng và rất có
giá trị. Đây là nguồn tư liệu quý giá đã đúc kết tinh hoa văn hoá ở nhiều triều
đại, từ tri thức dân gian đến tri thức bác học, bao gồm: Các tập kinh, kệ; văn
tế, văn khấn, văn cúng, văn chầu, văn bia; hoành phi, câu đối, bài châm, thẻ
bài, thơ, phú... là tài sản hết sức độc đáo có giá trị vô giá mà ít nơi
có được.
Tượng đầu người mình chim (thời lý) ở chùa Đọi Sơn.
Với chiều dài lịch sử cùng nhiều biến cố, chùa còn mang đậm giá
trị khảo cổ học. Trong hố khai quật nằm giữa hậu cung của chùa và nhà hậu đã
tìm thấy nền móng, các vật liệu kiến trúc cùng nhiều hiện vật thời Lý như tiêu
bản trang trí, đồ gốm, đồ sành, kim khí… Thông qua các hiện vật khai quật được,
chúng ta đã có thêm những hiểu biết mới về cây tháp Sùng Thiện Diên Linh; về
trình độ sáng tạo và tư duy thẩm mỹ cao của các nghệ nhân thời Lý, nhất là về
nghệ thuật kiến trúc Phật giáo. Di tích lịch sử chùa Đọi Sơn thể hiện sự sáng
tạo về khoa học xây dựng công trình, sản xuất vật liệu xây dựng cũng như kỹ
thuật khai thác, tận dụng điều kiện tự nhiên của các thế hệ cha ông ở các triều
đại phong kiến với kỹ thuật xây dựng khéo léo các vật liệu gỗ, đá, gạch tạo nên
những công trình kiến trúc có giá trị nghệ thuật cao.
Chùa Đọi Sơn dưới thời Lý đã từng là trung tâm Phật giáo của trấn
Sơn Nam xưa. Qua tư liệu hiện vật của chùa phản ánh triết lý, thuyết lý duyên
khởi của Phật giáo, tình hình Phật giáo Đại Việt thời Lý và các vị Phật được
tôn thờ. Hằng năm, tại chùa diễn ra lễ hội Phật giáo có ảnh hưởng lan tỏa trong
một vùng rộng lớn và sức hấp dẫn đối với nhân dân, du khách. Các lễ hội được tổ
chức còn là dịp để tưởng nhớ và tôn vinh vua Lý Nhân Tông cùng Linh Nhân Hoàng
Thái hậu, những người có công lớn trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước, cũng
là người có công xây dựng và mở chùa.
Bia Sùng Thiện Diên Linh nằm trong khuôn viên chùa Long Đọi Sơn. Ảnh: T.T
Sau nhiều lần trùng tu, tôn tạo, hiện nay chùa có 17 đơn nguyên
kiến trúc lớn nhỏ trong khuôn viên với diện tích khoảng 2 ha. Từ dưới chân núi,
qua 373 bậc thang bằng đá xẻ, đá phiến, có bóng cây che mát, du khách sẽ lên
chùa Đọi Sơn. Công trình chính chùa Đọi Sơn hiện nay được xây dựng theo kiểu
chữ "đinh" bao gồm bảy gian tiền đường và ba gian thượng điện.
Quần thể di tích chùa Đọi Sơn là một trong số những thắng cảnh nổi
tiếng của tỉnh Hà Nam và trấn Sơn Nam xưa. Ngôi chùa cổ kính linh thiêng tọa lạc
trên đỉnh núi Đọi đột khởi trên đồng bằng trù phú. Đứng trên đỉnh núi Đọi nhìn
xuống, trông xa phong cảnh tựa như bức tranh thủy mạc. Đến đây du khách không
chỉ được thả mình vào một không gian linh thiêng mà còn được chiêm ngưỡng cảnh
núi non kỳ vĩ. Cũng chính bởi cảnh đẹp nên thơ ấy mà núi Đọi và chùa Đọi Sơn đã
trở thành nguồn cảm hứng cho biết bao thi nhân, mặc khách. Và cũng chính bởi
nguồn cảm hứng ấy mà nhiều bài thơ hay đã ra đời. Nhà thơ Nguyễn Khuyến khi đã
cáo quan về quê, chống gậy leo lên thăm lại núi Đọi, đứng trên đỉnh núi đã bâng
khuâng:
"Chùa xưa ở lẫn cùng cây đá
Sư cụ nằm chung với khói mây…"
Sự kết hợp hài hòa các yếu tố: Hình sông, thế núi, sắc nước, màu
trời đã tạo một cảnh quan thiên nhiên sinh động, đầy giá trị thẩm mỹ và nhân
văn. Di tích này từ bao đời nay đã đón nhiều khách thập phương, các tăng ni,
phật tử đến tham quan vãn cảnh. Hằng năm, tại chùa Đọi Sơn thường diễn ra nhiều
sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng đặc sắc. Tiêu biểu nhất phải kể đến đó là: Lễ hội
chùa Đọi Sơn, Lễ hội Tịch điền Đọi Sơn đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
ghi danh vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Các lễ hội được tổ chức nhằm tưởng niệm Thần, Phật, Bồ tát, bày tỏ
lòng tôn kính của nhân dân đối với những người đã có công lao lớn trong việc
xây dựng quê hương, đất nước, xây dựng và phát triển chùa. Lễ hội vừa mang tính
chất tôn giáo, lại vừa mang tính chất tưởng niệm, biểu hiện cho sức sống mãnh
liệt của văn hóa cội nguồn. Đây vừa là nơi thể hiện đạo lý "Uống nước nhớ
nguồn" của dân tộc ta, vừa là môi trường giáo dục truyền thống lịch sử,
văn hóa cho các thế hệ trẻ, góp phần hun đúc lòng tự hào, tình yêu quê hương,
đất nước của người dân trấn Sơn Nam xưa.
Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Hà Nam đến năm 2020, tầm
nhìn 2030 đã định hướng cụm du lịch huyện Duy Tiên với hạt nhân là điểm du lịch
núi, chùa Đọi Sơn và toàn bộ khu vực bao quanh là một trọng điểm cần ưu tiên
đầu tư phát triển thành điểm du lịch quan trọng của tỉnh. Năm 2016, Sở Văn hóa,
Thể thao và Du lịch đã phối hợp với Công ty cổ phần Quy hoạch và Kiến trúc Việt
Nam tiến hành khảo sát, quy hoạch phân khu chức năng điểm du lịch Lễ hội Tịch
điền Đọi Sơn, Di tích chùa Đọi Sơn và làng nghề trống Đọi Tam, với mục tiêu
khai thác bảo tồn, phát huy các giá trị của di sản và cảnh quan thiên nhiên
nhằm tuyên truyền, giáo dục truyền thống lịch sử, văn hóa, cách mạng cho các
thế hệ, đồng thời đáp ứng nhu cầu tham quan, tìm hiểu, vui chơi, giải trí của
nhân dân địa phương, du khách trong và ngoài nước.
Với những giá trị lịch sử, văn hóa tiêu biểu trên, ngày
23/12/2017, di tích chùa Đọi Sơn, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam đã được Thủ tướng
Chính phủ ký quyết định xếp hạng là Di tích quốc gia đặc biệt.
Để tiếp tục bảo tồn và phát huy giá trị di tích đặc biệt này, đồng
chí Nguyễn Xuân Đông, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh cho biết: Đảng bộ,
chính quyền và nhân dân tỉnh Hà Nam, huyện Duy Tiên, xã Đọi Sơn sẽ đẩy mạnh các
hoạt động xã hội hóa, huy động các nguồn lực để tu bổ, tôn tạo di tích, cải tạo
và mở rộng cảnh quan... Tập trung đầu tư quy hoạch không gian di tích gắn với
các quy hoạch vùng để phát huy tốt hơn nữa những giá trị lịch sử, văn hóa của
di tích quốc gia đặc biệt; xây dựng các sản phẩm du lịch, các tuyến liên kết
các điểm du lịch trong vùng để nơi đây trở thành điểm đến hấp dẫn, thu hút du
khách thập phương, góp phần vào sự phát triển chung của tỉnh và đất nước.