Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Đình đá Nguyễn Trung và tục giao hiếu độc đáo

Lịch sử - Văn hóa  
Đình đá Nguyễn Trung và tục giao hiếu độc đáo
Di tích Lịch sử văn hóa quốc gia đình Nguyễn Trung (xã Liêm Phong, huyện Thanh Liêm) nằm bình yên giữa cánh đồng lộng gió, tháng 9 về ngập tràn hương lúa mới. Tiếp chúng tôi trong ngôi đình cổ kính, với kiến trúc đá độc đáo, ông Nguyễn Hữu Đích, Trưởng ban các cụ bô lão quản lý đình cho biết: Đình đá Nguyễn Trung thờ Tướng quân Đinh Lôi, đây là vị tướng tài ba thời Lý Bí.

Theo bản sưu tầm, ghi chép được lồng cẩn thận trong khung kính treo trong đình làng, Tướng quân Đinh Lôi là người xã Nguyễn Trung, châu Lý Nhân (nay thuộc xã Liêm Phong, Thanh Liêm). Cha ông là Đinh Phượng, một nông dân nghèo phiêu bạt Châu Ái (Thanh Hóa ngày nay) tới miền quê này làm nghề chài lưới để sinh sống. 

Theo truyền thuyết, thấy con sinh ra có dáng hình kỳ lạ, mặt sắt đen sạm, tiếng thét như sấm nên Đinh Phượng đặt tên con là Đinh Lôi. Đinh Lôi mồ côi cha mẹ từ năm hơn 10 tuổi, sống rất tự lập. Nhân dân quanh vùng mến phục vì ông có đức tính ngay thẳng lại hay thương người và có nhiều mưu trí dũng cảm. 

Nghe tin Lý Bí phất cờ khởi nghĩa, Đinh Lôi vận động nhân dân quanh vùng hưởng ứng. Sẵn có lòng căm ghét với chính quyền đô hộ nên trai tráng quanh châu Lý Nhân ngày đó tham gia rất đông, quân số lên đến hàng nghìn người. Các bậc hào trưởng cũng bỏ tiền, bỏ của quyên góp thóc gạo ủng hộ nghĩa quân. Đinh Lôi ngày đêm cho quân sỹ luyện tập võ nghệ, mua sắm thêm khí giới rồi đem quân đến với Lý Bí, được Lý Bí phong tướng trực tiếp chỉ huy cánh quân đó. 

Năm 541, Thứ sử nhà Lương ở Giao Châu là Tiêu Tư bị nghĩa quân của Lý Bí đánh phải bỏ chạy về nước. Lý Bí giải phóng được Long Biên (tức Hà Nội ngày nay) giành lại độc lập cho dân tộc. Tướng quân Đinh Lôi được Lý Bí cử ra chấn giữ miền đông bắc nước ta (tức miền Quảng Ninh, Hải Phòng ngày nay). Đầu năm 543, nhà Lương xâm lược nước ta lần thứ 2. 

Chủ động đánh giặc, Lí Bí mưu trí cho quân tấn công tận sào huyệt của kẻ địch. Trong trận chiến này, tướng quân Đinh Lôi lập được nhiều chiến công. Năm 544, Lý Bí lên ngôi Hoàng đế (tức Lý Nam Đế) lập ra nước Vạn Xuân, phong thưởng cho các tướng sỹ, trong đó có tướng quân Đinh Lôi. Năm 545, Trần Bá Tiên đem quân xâm lược nước ta một lần nữa, lần này Đinh Lôi lại đem quân theo Lý Nam 

Đế kháng chiến chống quân xâm lược nhà Lương. Khi Lý Nam Đế bị bệnh mất ở Đông Khuất Lão (nay thuộc tỉnh Vĩnh Phúc), tướng quân Đinh Lôi theo Triệu Quang Phục (người thay thế Lý Nam Đế chỉ huy chiến đấu) tiếp tục cuộc kháng chiến đến khi giành thắng lợi hoàn toàn.

dinh_da_nguyen_trung-08_10_38_905.jpg

Cổng đình đá Nguyễn Trung, xã Liêm Phong (Thanh Liêm) hoàn thành năm 2015.

Cùng chúng tôi đi tham quan một vòng quanh ngôi đình đá, ông Nguyễn Hữu Đích cho biết thêm: Các cụ kể lại rằng, xưa kia đình Nguyễn Trung được làm giống các ngôi đình ở các làng quê vùng Bắc Bộ. Cột đình, các vỉ kèo… được làm bằng gỗ, mái lợp ngói... Cách đây khoảng hơn 100 năm, các cụ cao niên trong làng họp bàn và quyết định thay các cột gỗ, vỉ kèo... trong đình bằng đá cho bền vững với thời gian. 

Để làm đình đá, các cụ phải mua đá nguyên khối từ Thanh Hóa chở bằng bè về đình (trước kia, vùng này trũng lắm, người dân đi lại chủ yếu bằng thuyền) dựng cột, chạm khắc tứ linh (long, ly, quy, phượng). Hiện đình còn 16 cột đá to, mỗi cột nặng hàng chục tấn, được chạm khắc tinh xảo cùng với các vỉ kèo cũng được làm bằng đá hết sức kỳ công và độc đáo. 

Năm 2001, đình Nguyễn Trung được Bộ Văn hóa Thông tin công nhận "Di tích kiến trúc nghệ thuật". Năm 2015, thôn Nguyễn Trung hoàn thành xây dựng cổng đình bằng đá, chạm khắc tứ quý (tùng, cúc, trúc, mai) tổng trị giá khoảng 100 triệu đồng. 

Ngoài kiến trúc đá nghệ thuật độc đáo, ngày hội đình đá Nguyễn Trung được mở vào ngày mùng 10 tháng Giêng hằng năm (ngày sinh của tướng quân Đinh Lôi) gắn với tục giao hiếu - là nét đẹp văn hóa truyền thống hết sức đặc sắc được nhân dân lưu giữ, bảo tồn, phát huy hàng trăm năm nay.

cot_vi_keo-08_10_38_812.jpg

Cột, vỉ kèo bằng đá trong đình được trạm khắc tinh xảo.

Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, từ xa xưa thôn Nguyễn Trung kết giao hiếu với thôn Hòa Ngãi, xã Thanh Hà (Thanh Liêm). Hòa Ngãi là quê ngoại của tướng quân Đinh Lôi, cũng thờ tướng quân Đinh Lôi. Kết nghĩa, giao hảo, người dân hai thôn luôn đoàn kết, yêu thương, sẵn sàng giúp đỡ lẫn nhau. Để tỏ lòng tôn trọng, người dân cả hai thôn gọi nhau là bác, xưng cháu.

Trước kia, vào ngày hội làng năm thì dân Hòa Ngãi rước kiệu Thánh vào đình Nguyễn Trung, năm thì dân Nguyễn Trung rước kiệu Thánh tới đình Hòa Ngãi để tế lễ. Để bảo đảm trang nghiêm, thành kính, người dân trải chiếu trên đường rước kiệu. Khoảng cách từ Nguyễn Trung tới Hòa Ngãi khoảng 7 cây số, nhưng do đi bộ, đi đến đâu có đình, chùa đều vào lễ vì vậy có năm vừa đi, vừa về mất tới cả tuần.

Thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội, những năm qua, người dân không tổ chức lễ rước giữa hai thôn. Theo quy định, 5 năm một lần hai làng tổ chức ngày hội lớn, có liên hoan, đi về trong ngày. Vào ngày hội làng, năm dân Nguyễn Trung mang lễ đến dự lễ rước, lễ tế Thánh của Hòa Ngãi. Lần tổ chức sau, Hòa Ngãi lại mang lễ đến dự lễ rước, lễ tế Thánh tại Nguyễn Trung. 

Ngày hội làng, cách đón khách của hai thôn cũng rất đặc biệt, chân thành nhưng rất trọng thị. Vào ngày hội, từ sớm, người dân xếp thành hai hàng bên đường từ đầu làng vào tới đình để đón "Bác". Sau khi tham gia các nghi lễ, trong buổi liên hoan thân mật mọi người cùng trò chuyện, hỏi thăm nhau chuyện gia đình, chuyện làng xóm, động viên nhau nỗ lực vượt khó xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc; xây dựng làng quê văn minh, giàu mạnh.

Tháng 9 về, trong hương lúa thơm ngọt ngào, nơi đình đá Nguyễn Trung cổ kính, linh thiêng thấp thoáng bóng người dân lên đình lễ Thánh cầu bình an, cầu mưa thuận gió hòa cho mùa màng tươi tốt. Ông Nguyễn Hữu Đích bộc bạch: Bao đời nay, đình đá Nguyễn Trung vừa là niềm tự hào, vừa là nơi sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng của người dân trong xã. Những năm qua, cùng với việc chung tay gìn giữ, bảo tồn kiến trúc nghệ thuật, giá trị lịch sử, văn hóa của ngôi đình, người dân Nguyễn Trung còn chung sức gìn giữ, bảo tồn, phát huy tục giao hiếu với thôn Hòa Ngãi. Đây là tục đẹp truyền thống, thể hiện sự đoàn kết, tương trợ, giúp đỡ nhau được người dân hai thôn tiếp nối từ ngày xưa đến ngày nay và mãi mãi về sau.

Theo Báo Hà Nam điện tử