Toàn cảnh buổi làm việc
Tiếp và làm việc với đoàn công tác có đồng chí Nguyễn Đức Vượng - Tỉnh ủy viên - Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo một số sở, ngành, địa phương.
Theo báo cáo UBND tỉnh Hà Nam về tình hình thực hiện việc liên thông 02 nhóm TTHC, kể từ khi triển khai quy trình đến nay, việc liên thông 02 nhóm thủ tục được thực hiện nghiêm túc, hiệu quả, đồng bộ và thống nhất trên địa bàn toàn tỉnh tại 109/109 xã, phường, thị trấn. Kết quả cụ thể, đối với nhóm thủ tục đăng ký khai sinh, đăng ký thường trú, cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ em dưới 6 tuổi: Đăng ký khai sinh: đã tiếp nhận và giải quyết là 17.393 hồ sơ liên thông/17.435 hồ sơ đăng ký mới (đạt 99,7%), cấp 10.584 bản kết quả điện tử Giấy khai sinh; đăng ký thường trú: tiếp nhận 17.265 hồ sơ, đã giải quyết 16.140, từ chối trả lại bổ sung 1.048, đang giải quyết 77; cấp thẻ bảo hiểm y tế: tiếp nhận và giải quyết 17.089 hồ sơ. Đối với nhóm thủ tục đăng ký khai tử, xóa đăng ký thường trú, trợ cấp mai táng phí: Đăng ký khai tử: Tổng số hồ sơ tiếp nhận và giải quyết là 6.031 hồ sơ liên thông/6.650 hồ sơ đăng ký mới (đạt 90,6 %), cấp 5.710 bản kết quả điện tử Trích lục khai tử; xóa đăng ký thường trú: tiếp nhận 5.838 hồ sơ, đã giải quyết 4.741, từ chối trả lại bổ sung 1.59, đang giải quyết 38; trợ cấp mai táng phí: Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tiếp nhận 3.201 hồ sơ, đã giải quyết 1.393, giải quyết 335 hồ sơ, từ chối 1.473 hồ sơ; Bảo hiểm xã hội tỉnh tiếp nhận và giải quyết 804 hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp mai táng phí, 04 hồ sơ thôi hưởng trợ cấp tuất hàng tháng đối với người từ đủ 80 tuổi trở lên đang hưởng trợ cấp tuất hàng tháng chết.
Để thực hiện hiệu quả việc liên thông 02 nhóm TTHC, thời gian qua, tỉnh Hà Nam đã chú trọng hoàn thiện các điều kiện về hạ tầng kỹ thuật đảm bảo cho 02 nhóm TTHC liên thông vận hành ổn định. Theo đó, tỉnh đã triển khai thiết kế, xây dựng và tích hợp các biểu mẫu điện tử (eform) theo mẫu đơn cho các dịch vụ công trực tuyến. Thực hiện kết nối với Hệ thống đăng ký thông tin Quản lý hộ tịch, Hệ thống quản lý Lý lịch tư pháp của Bộ Tư pháp, Cơ sở dữ liệu Bảo hiểm xã hội, Hệ thống đăng ký, giải quyết chính sách trợ giúp xã hội trực tuyến. Tích hợp chữ ký số (USB Token, Sim PKI, Smart CA) và hướng dẫn các cơ quan, tổ chức, cá nhân sử dụng chữ ký số trong quá trình giải quyết, sử dụng các dịch vụ công trực tuyến. Chỉnh sửa, nâng cấp để hiển thị đủ và khai thác được 20 trường thông tin đã được chia sẻ từ cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư…
Về hạ tầng kết nối, đến nay Hà Nam đã hoàn thành việc kết nối Mạng truyền số liệu cấp II cho 138 cơ quan, đơn vị (các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện và UBND cấp xã) để triển khai các dịch vụ, các nền tảng số phục vụ việc quản lý, điều hành chung của tỉnh để đảm bảo an toàn thông tin...
Bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình thực hiện 02 nhóm thủ tục liên thông trên địa bàn tỉnh Hà Nam vẫn còn một số khó khăn, vướng mắc như: Hạ tầng kỹ thuật, chất lượng đường truyền, chất lượng các phần mềm nghiệp vụ đã được nâng cấp tương đối ổn định nhưng vẫn chưa thực sự đáp ứng được yêu cầu để hoàn thiện việc giải quyết TTHC cho công dân. Phần mềm Dịch vụ công liên thông đôi lúc không ổn định; thời gian đồng bộ hồ sơ sang các phần mềm chuyên ngành còn chậm.
Về quy trình liên thông đối với nhóm thủ tục khai sinh: Khi đăng ký thường trú lần đầu, phiếu DC01 đồng bộ về thiếu các trường thông tin: Quê quán; tình trạng hôn nhân; tôn giáo; số định danh của bố, mẹ… nên công an địa phương phải đi thu thập phiếu DC01 rất mất thời gian.
Về quy trình liên thông đối với nhóm thủ tục khai tử: Người dân phải đến cơ quan Công an kiểm tra người chết có phải chủ hộ hay không? Trường hợp người chết là chủ hộ thì rất mất thời gian vì phải thay đổi chủ hộ xong công dân mới khai tử qua liên thông được, gây bức xúc cho người dân, đặc biệt là trong trường hợp cần đi hoả táng ngay.
Tại các điểm hỗ trợ người dân thực hiện dịch vụ công trực tuyến đã được trang bị thêm máy tính có kết nối mạng Internet nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân; vẫn còn tình trạng phải dùng chung máy in, máy scan với bộ phận khác, hoặc sử dụng máy tính quá cũ, cấu hình thấp, đường truyền không ổn định, nên vận hành còn trục trặc. Hệ thống dịch vụ công liên thông vẫn còn tình trạng lỗi, công dân không đăng nhập được, cán bộ không nhận được hồ sơ do công dân nộp thành công để thực hiện…
Trên cơ sở những vướng mắc, khó khăn trong quá trình thực hiện, tỉnh Hà Nam đề nghị các bộ, ngành đầu tư, xây dựng, nâng cấp hạ tầng kỹ thuật nhằm đảm bảo đường truyền giải quyết 02 nhóm TTHC liên thông được thông suốt, đáp ứng yêu cầu thực hiện dịch vụ công trực tuyến. Cùng với đó, nghiên cứu bổ sung, đồng bộ các trường thông tin cần thiết để phục vụ cho việc thực hiện liên thông đạt hiệu quả cao nhất, tiết kiệm được thời gian cho cán bộ và người dân khi thực hiện thủ tục.
Đồng chí Đỗ Thái Hà - Phó Cục trưởng Cục Kiểm soát TTHC - Văn phòng Chính phủ trao đổi một số nội dung tại buổi làm việc
Tại buổi làm việc, các thành viên đoàn công tác, lãnh đạo các sở, ngành, địa phương đã trực tiếp trao đổi, hướng dẫn tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc để các cơ quan thực hiện tốt hơn nữa 02 nhóm TTHC trên địa bàn trong thời gian tới. Đồng thời, giúp cơ quan nhà nước nâng cao hiệu quả quản lý, chất lượng phục vụ, đảm bảo quyền lợi cho người tham gia và thụ hưởng chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế; đẩy mạnh thực hiện TTHC trên môi trường điện tử, xây dựng chính quyền điện tử, cải thiện chất lượng dịch vụ công, giảm tiêu cực, phiền hà, thời gian, chi phí của người dân, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội trên địa bàn.
Những thông tin, kết quả thu thập được thông qua buổi khảo sát, nắm bắt thực tiễn việc thực hiện liên thông 02 nhóm TTHC tại Hà Nam sẽ là căn cứ quan trọng để Đoàn công tác tiếp thu, nghiên cứu hoàn thiện dự thảo Nghị định của Chính phủ về quy định việc thực hiện liên thông điện tử 02 nhóm TTHC đăng ký khai sinh, đăng ký thường trú, cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ dưới 06 tuổi; đăng ký khai tử, xóa đăng ký thường trú, giải quyết mai táng phí, tử tuất trong thời gian tới.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam Nguyễn Đức Vượng phát biểu tại buổi làm việc
Thay mặt lãnh đạo UBND tỉnh Hà Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Vượng trân trọng cảm ơn đoàn công tác đã đến khảo sát, nắm bắt tình hình thực hiện liên thông 02 nhóm TTHC trên địa bàn tỉnh thời gian qua. Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị các sở, ngành liên quan, các địa phương nghiêm túc tiếp thu ý kiến góp ý của đoàn công tác; rà soát lại các nội dung báo cáo, nhất là những khó khăn, vướng mắc từ cơ sở trong quá trình thực hiện và những kiến nghị, đề xuất, giải pháp để nâng cao hiệu quả việc thực hiện liên thông 02 nhóm TTHC trong thời gian tới. Đồng thời, mong muốn các bộ, ngành Trung ương, đặc biệt là Cục Kiểm soát TTHC, Văn phòng Chính phủ sẽ tiếp tục hỗ trợ tỉnh trong thực hiện cải cách TTHC để đạt hiệu quả cao hơn trong thời gian tới.
Đoàn công tác đến khảo sát trực tiếp tại UBND phường Hai Bà Trưng, thành phố Phủ Lý
Trước đó, Đoàn công tác đã đến khảo sát trực tiếp và làm việc tại các đơn vị: Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội thị xã Duy Tiên, Bảo hiểm xã hội thị xã Duy Tiên và UBND phường Hai Bà Trưng (thành phố Phủ Lý)./.
LH