Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Nam tiếp xúc cử tri trước Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV

Tin tức - Sự kiện Tin tổng hợp  
Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Nam tiếp xúc cử tri trước Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV
LTS: Do tình hình dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp trên địa bàn tỉnh, Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh tổ chức tiếp xúc cử tri trước Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV qua hệ thống thông tin đại chúng của tỉnh. Thay mặt Đoàn ĐBQH tỉnh, đồng chí Phạm Hùng Thắng, TUV, Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh báo cáo nội dung tiếp xúc cử tri trước Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV. Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Nam tiếp nhận ý kiến, kiến nghị của cử tri thông qua Ban Thường trực Ủy ban MTTQ các cấp và Thường trực HĐND cấp huyện, cấp xã; qua số điện thoại di động: 0912537909, 0915666356; Email: doandaibieuqhhanam@gmail.com. Báo Hà Nam điện tử trân trọng giới thiệu với cử tri và nhân dân trong tỉnh.

doan-dbqh-tinh-ha-nam-tiep-.jpg

Đồng chí Trương Quốc Huy, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh phát biểu kết luận hội nghị triển khai chương trình công tác của Đoàn ĐBQH tỉnh, ngày 13/9/2021.  Ảnh: Trần Thảo

Kính thưa cử tri và nhân dân trong tỉnh!

Thực hiện Luật Tổ chức Quốc hội; Nghị quyết liên tịch của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam về việc tiếp xúc cử tri của Đại biểu Quốc hội; Quy chế hoạt động của Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Nam khóa XV; Văn bản số 153 ngày 20/9/2021 của Tổng thư ký Quốc hội hướng dẫn về việc tiếp xúc cử tri trước Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV. Do tình hình dịch bệnh Covid -19 đang diễn biến phức tạp trên địa bàn tỉnh, Đoàn ĐBQH tỉnh tổ chức tiếp xúc cử tri trước Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV qua hệ thống thông tin đại chúng. Đoàn ĐBQH tỉnh xin được gửi lời kính chúc sức khỏe đến toàn thể cử tri và nhân dân trong tỉnh.

Về nội dung tiếp xúc cử tri trước Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh xin được báo cáo với cử tri và nhân dân trong tỉnh 03 vấn đề:

(1). Báo cáo dự kiến nội dung, chương trình Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV;

(2). Báo cáo khái quát kết quả hoạt động của Đoàn ĐBQH tỉnh từ đầu nhiệm kỳ đến nay và nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới;

(3). Báo cáo kết quả giải quyết một số ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân; việc thu thập, tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri trước Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV.

I- Về dự kiến nội dung, chương trình Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV

1- Kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XV sẽ khai mạc vào ngày 20/10/2021 và dự kiến bế mạc vào ngày 13/11/2021. Kỳ họp tiến hành theo 02 đợt:

- Đợt 1, Quốc hội họp trực tuyến từ ngày 20/10 đến ngày 03/11/2021.

- Đợt 2, Quốc hội họp tập trung tại Nhà Quốc hội từ ngày 08/11 đến ngày 13/11/2021.

2- Tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua các nội dung sau:

2.1. Về công tác lập pháp

a) Quốc hội thảo luận thông qua 02 dự án Luật, 03 dự thảo Nghị quyết, gồm:

1. Luật sửa đổi, bổ sung Phụ lục - Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia của Luật Thống kê.

2. Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự.

3. Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An.

4. Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế;

5. Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Thanh Hóa.

b) Xem xét, cho ý kiến 05 dự án luật, gồm:

1.  Luật Cảnh sát cơ động;

2. Luật Điện ảnh (sửa đổi);

3. Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi);

4. Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi);

5. Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ.

2.2. Về các vấn đề kinh tế-xã hội, ngân sách nhà nước, giám sát và các vấn đề quan trọng khác

- Quốc hội xem xét các báo cáo: đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2021; quyết định kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2022.

- Xem xét các báo cáo công tác của Chánh án Toà án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; các báo cáo của Chính phủ về: công tác phòng, chống tham nhũng; công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; công tác thi hành án năm 2021 (trong đó có nội dung về công tác quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam).

- Tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội.

- Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân gửi đến Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV; Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo về kết quả giám sát việc giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIV.

- Xem xét, quyết định quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030 và kế hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2025.

- Xem xét các Báo cáo về tình hình thực hiện chính sách, chế độ bảo hiểm xã hội, quản lý và sử dụng quỹ bảo hiểm xã hội; việc quản lý và sử dụng quỹ bảo hiểm y tế năm 2020 và việc thực hiện Nghị quyết số 68 của Quốc hội khoá XIII về đẩy mạnh thực hiện chính sách, pháp luật về bảo hiểm y tế, tiến tới bảo hiểm y tế toàn dân trong 02 năm 2019-2020.

- Xem xét, quyết định Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025.

- Xem xét Đề án bảo đảm an ninh nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa nước giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

- Xem xét thông qua Nghị quyết về xử lý tài chính cho Tập đoàn Dầu khí Việt Nam khi thanh toán khoản tiền bù giá trong bao tiêu sản phẩm của Dự án Lọc hóa dầu Nghi Sơn.

- Xem xét, thông qua Nghị quyết Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV.

2.3. Ngoài các nội dung trên, Quốc hội còn xem xét các báo cáo:

- Báo cáo công tác năm 2021 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội;

- Báo cáo về kết quả giám sát chuyên đề của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội;

- Các báo cáo của Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân năm 2021.

- Báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về kết quả tiếp công dân, xử lý đơn thư năm 2021 và giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân gửi Quốc hội năm 2021;

- Báo cáo của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao về việc thực hiện Nghị quyết số 67 của Quốc hội khoá XIII về việc tăng cường công tác triển khai thi hành luật, pháp lệnh, nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành;

- Báo cáo kết quả giám sát của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

- Báo cáo của Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao về kết quả thực hiện Nghị quyết số 134 của Quốc hội khoá XIV về tiếp tục thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề, chất vấn trong nhiệm kỳ khóa XIV và một số nghị quyết trong nhiệm kỳ khóa XIII.

- Các báo cáo của Chính phủ về: Tình hình thi hành Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội; tình hình nợ công năm 2021 và dự kiến năm 2022; hoạt động tương trợ tư pháp; việc thực hiện mục tiêu của Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới 06 tháng đầu năm 2021; công tác phòng, chống dịch Covid-19, trong đó có nội dung về việc áp dụng các biện pháp đặc biệt phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19 quy định tại Nghị quyết số 30 của Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV;

- Báo cáo của Kiểm toán Nhà nước về công tác năm 2021; Dự kiến kế hoạch kiểm toán năm 2022...

II. Về kết quả hoạt động của Đoàn ĐBQH tỉnh từ đầu nhiệm kỳ đến nay và một số nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới.

Kính thưa cử tri và nhân dân!

Sau Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV, Đoàn ĐBQH tỉnh đã tổ chức tiếp xúc cử tri, báo cáo kết quả kỳ họp thông qua các phương tiện thông tin đại chúng; đồng thời tiếp nhận đầy đủ ý kiến, kiến nghị của cử tri và chuyển đến các cơ quan có thẩm quyền để xem xét, giải quyết theo quy định. Xây dựng, ban hành Quy chế hoạt động; chương trình công tác của Đoàn đến hết năm 2021; chương trình giám sát; lịch tiếp công dân...; xây dựng các kế hoạch: tiếp xúc cử tri; kế hoạch tổ chức lấy ý kiến tham gia vào các dự án luật để chuẩn bị tốt các nội dung cho kỳ họp thứ 2.

Trong thời gian tới, Đoàn sẽ bám sát sự chỉ đạo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, Quy chế hoạt động của Đoàn, tập trung triển khai thực hiện có hiệu quả chương trình công tác đã đề ra, trọng tâm là:

(1) Triển khai thực hiện tốt việc thu thập ý kiến, kiến nghị của cử tri trước Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khoá XV; tổng hợp, phản ánh kịp thời, đầy đủ ý kiến, kiến nghị của cử tri gửi đến Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Chính phủ, các bộ, ngành trung ương và các cơ quan có thẩm quyền để xem xét, giải quyết và trả lời cử tri. Thường xuyên theo dõi, đôn đốc các cơ quan chức năng giải quyết, trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri.

(2) Triển khai thực hiện tốt việc lấy ý kiến của các cơ quan, đơn vị có liên quan đối với các dự án luật được Quốc hội dự kiến thông qua và cho ý kiến tại kỳ họp thứ 2; phối hợp với Thường trực HĐND, UBND, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh, các sở, ban, ngành để tham gia đóng góp ý kiến về các nội dung phát triển kinh tế - xã hội; những khó khăn, vướng mắc trong thực hiện các chính sách, pháp luật ở địa phương, từ đó kiến nghị đến Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành trung ương kịp thời sửa đổi.

(3) Các ĐBQH tỉnh tham gia đầy đủ, trách nhiệm các phiên họp tại Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khoá XV; tích cực nghiên cứu, thảo luận, tham gia các ý kiến phát biểu có chất lượng, góp phần vào thành công của kỳ họp.

(4) Tích cực tham gia các chương trình giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các Ủy ban của Quốc hội. Xây dựng và triển khai thực hiện hiệu quả kế hoạch giám sát của Đoàn ĐBQH tỉnh về việc thực hiện Nghị quyết số 42/NQ-CP, ngày 09/04/2020; Nghị quyết số 154/NQ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh Hà Nam.

(5) Thực hiện tốt công tác tiếp dân, tiếp nhận và xử lý đơn thư khiếu nại tố cáo của công dân kịp thời, đúng quy định.

III- Báo cáo kết quả giải quyết một số ý kiến, kiến nghị của cử tri và việc thu thập ý kiến, kiến nghị của cử tri trước Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV

Tại các cuộc tiếp xúc cử tri sau Kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIV và sau Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV cử tri trên địa bàn tỉnh đã có nhiều ý kiến, kiến nghị phản ánh với Đoàn ĐBQH tỉnh. Đoàn ĐBQH tỉnh đã tổng hợp, phân loại và gửi đến các cơ quan có thẩm quyền để xem xét, giải quyết. Trên cơ sở văn bản trả lời của các bộ, ngành trung ương, Đoàn báo cáo kết quả giải quyết một số nội dung, cụ thể như sau:

1. Cử tri đề nghị xem xét tăng chế độ trợ cấp đối với đối tượng bảo trợ xã hội theo Nghị định 136/2013/NĐ-CP ngày 21/10/2013 của Chính phủ: Hiện nay mức chuẩn đối với đối tượng trợ cấp hàng tháng là 270.000 đồng, quy định này thấp so với tốc độ phát triển kinh tế.

- Về nội dung này, Bộ LĐ-TBXH đã trình Chính phủ ban hành Nghị định số 20/2021/NĐ-CP ngày 15/3/2021 quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội (thay thế Nghị định số 136/2013/NĐ-CP của Chính phủ), đã nâng quy định mức chuẩn trợ cấp xã hội từ 270.000 đồng/người/tháng lên 360.000 đồng/người/tháng.

- UBND tỉnh Hà Nam đã dự kiến trình HĐND tỉnh tại kỳ họp trong năm 2021 để triển khai thực hiện Nghị định.

2. Cử tri đề nghị xem xét tăng mức trợ cấp cho các đối tượng người có công với cách mạng và thân nhân của người có công với cách mạng theo Nghị định 136/2013/NĐ-CP ngày 21/10/2013 của Chính phủ.

Về nội dung này Bộ LĐ-TBXH trả lời: Ngày 09/12/2020, tại phiên họp thứ 51, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIV đã thông qua Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng (sửa đổi), có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2021. Theo đó chế độ, chính sách ưu đãi đối với người có công với cách mạng và thân nhân của người có công với cách mạng tiếp tục được xây dựng trên nguyên tắc phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của đất nước, theo mức độ đóng góp, công lao cống hiến, hi sinh của đối tượng và cân đối trong mặt bằng chính sách nói chung.

3. Cử tri đề nghị xem xét quy định hỗ trợ cho các xã đạt và đang tiến hành xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, vì kinh phí xây dựng cơ sở hạ tầng của cấp xã hiện nay là không có, yêu cầu của các chỉ tiêu lại cao. Do đó địa phương không có nguồn để thực hiện.

Nội dung này Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trả lời:

Ngày 28/7/2021, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 25/2021/QH15 về phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 – 2025 để tiếp tục triển khai Chương trình gắn với thực hiện có hiệu quả cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn, quá trình đô thị hoá, đi vào chiều sâu, hiệu quả, bền vững; thực hiện xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu; Chính phủ, các bộ, ngành liên quan sẽ cụ thể các quy định, có cơ chế, chính sách để triển khai thực hiện.

4. Cử tri đề nghị: hạn chế, tiến tới cấm hẳn việc dùng hóa chất độc hại gây nguy hiểm cho con người, vật nuôi, cây trồng.

Về vấn đề này, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trả lời và đưa ra một số giải pháp thực hiện:

- Tập trung rà soát, hoàn thiện các quy định về quản lý thuốc bảo vệ thực vật (BVTV), nhằm siết chặt hơn nữa việc đăng ký, sản xuất, kinh doanh. Đánh giá, lựa chọn các loại thuốc sinh học, thuốc thế hệ mới an toàn, ít độc, có hiệu quả, không gây ảnh hưởng đến con người, vật nuôi và môi trường để đưa vào Danh mục thuốc BVTV được phép sử dụng tại Việt Nam.

- Các loại thuốc BVTV cấm sử dụng hoặc bị loại bỏ khỏi Danh mục thuốc BVTV được phép sử dụng tại Việt Nam đều không được phép sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh và sử dụng tại Việt Nam.

- Tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát việc buôn bán, sử dụng thuốc BVTV, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm;

- Trong thời gian tới, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ tiếp tục rà soát để loại bỏ các thuốc BVTV có bằng chứng khoa học về nguy cơ cao ảnh hưởng đến sức khỏe con người, vật nuôi và cây trồng.

5. Cử tri đề nghị có các giải pháp về công tác quản lý, điều hành trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, đặc biệt là vấn đề ô nhiễm sông Đáy và sông Nhuệ để bảo vệ sức khỏe của nhân dân.

Nội dung này Bộ Tài nguyên và Môi trường trả lời:

Trong thời gian tới, Bộ Tài nguyên và Môi trường, các bộ, ngành và địa phương có liên quan, tham mưu cơ chế mới trong tổ chức, điều phối các hoạt động bảo vệ môi trường, trong đó sẽ xác định rõ vai trò, trách nhiệm của các bộ quản lý ngành, địa phương có nguồn thải chính. Tập trung thực hiện một số giải pháp chính, như:

- UBND thành phố Hà Nội và UBND các tỉnh có liên quan trên lưu vực sông Nhuệ - Đáy: đẩy nhanh tiến độ đầu tư, xây dựng đưa vào vận hành các công trình xử lý nước thải đô thị, các khu, cụm công nghiệp và làng nghề trên địa bàn, bảo đảm nước thải phát sinh phải được xử lý đáp ứng yêu cầu về kỹ thuật, Quy chuẩn Việt Nam trước khi thải ra môi trường. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm soát, kiên quyết xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường, đặc biệt các hành vi xả thải vượt quy chuẩn kỹ thuật cho phép.

- Đối với các dòng sông, đoạn sông đang bị ô nhiễm trên hệ thống sông Nhuệ, sông Châu, UBND tỉnh Hà Nam và UBND TP Hà Nội phối hợp rà soát điều chỉnh lại kế hoạch lấy nước đổ ải phục vụ sản xuất nông nghiệp; tổ chức quan trắc; rà soát các nguồn xả nước thải trên địa bàn; chỉ đạo thực hiện nghiêm túc quy trình vận hành cống Thanh Liệt; vận hành trạm bơm Yên Sở để bơm nước thải ra sông Hồng; mở cống Liên Mạc để lấy nước sông Hồng bổ sung làm tăng lưu lượng nước sông Nhuệ và pha loãng nồng độ các chất ô nhiễm.

Kính thưa cử tri và nhân dân!

Do tình hình dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp trên địa bàn tỉnh nên Đoàn ĐBQH tỉnh không tổ chức được các cuộc tiếp xúc trực tiếp để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân ở các địa phương trong tỉnh. Đoàn ĐBQH tỉnh đã có văn bản đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh chỉ đạo, hướng dẫn Ủy ban Mặt trận Tổ quốc cấp dưới phối hợp với Thường trực HĐND, UBND cùng cấp và các cơ quan, đơn vị tổ chức lấy ý kiến, kiến nghị của cử tri bằng các hình thức phù hợp; cử tri cũng có thể phản ánh tâm tư, nguyện vọng, ý kiến, kiến nghị trực tiếp với Đoàn qua các số điện thoại di động: 09125379090915666356 hoặc qua địa chỉ hộp thư điện tử: doandaibieuqhhanam@gmail.com. Đoàn ĐBQH tỉnh sẽ tổng hợp, phân loại và gửi đến các cơ quan chức năng xem xét, giải quyết theo quy định.

Kính thưa cử tri và nhân dân!

Đoàn ĐBQH tỉnh báo cáo nội dung  tiếp xúc cử tri và nhân dân trong tỉnh trước Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khoá XV. Rất mong nhận được sự quan tâm, đóng góp ý kiến của cử tri và nhân dân trong tỉnh để hoạt động của Đoàn và đại biểu Quốc hội tỉnh ngày càng chất lượng, hiệu quả hơn.

Kính chúc toàn thể cử tri và nhân dân trong tỉnh sức khoẻ và hạnh phúc. Xin trân trọng cảm ơn!

https://baohanam.com.vn/chinh-tri/nguoi-dai-bieu-nhan-dan/doan-dbqh-tinh-ha-nam-tiep-xuc-cu-tri-truoc-ky-hop-thu-2-quoc-hoi-khoa-xv-53612.html​
Theo Báo Hà Nam điện tử