Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Đôi điều về hình ảnh con lợn trong văn hóa dân gian

Tin theo lĩnh vực Văn hóa, xã hội  
Đôi điều về hình ảnh con lợn trong văn hóa dân gian
Trong âm lịch, Hợi ở vị trí cuối cùng của vòng 12 con giáp, trước Hợi là Dậu, Tuất. Hợi/Lợn cũng xếp cuối của lục súc: Trâu, Chó, Ngựa, Dê, Gà, Lợn - 6 con vật gắn bó với con người, được chăn nuôi từ lâu đời. Tuy vị trí ở cuối cùng, song con lợn, hình ảnh của nó đã được văn hóa dân gian thâu thái, thể hiện trong tín ngưỡng, thành ngữ, ca dao, mỹ thuật dân gian, không hề kém so với các con giáp khác.

Người Việt và các dân tộc thiểu số từ bao đời đã chăn nuôi lợn, ít vài ba con, nhiều hàng chục con. Nuôi lợn để lấy phân bón cung cấp cho nền nông nghiệp hữu cơ có lịch sử hàng nghìn năm. Thịt lợn và nội tạng của lợn là nguồn thực phẩm hàng đầu trong bữa ăn thường nhật và cỗ bàn với thực đơn đa dạng, phong phú. Nhiều gia đình thời trước dùng con heo đất để đựng tiền tiết kiệm. Phong tục "đụng lợn" để lấy thịt ăn tết tồn tại ở nhiều làng quê. Xóm thì hai nhà chung một con lợn, mỗi nhà "nửa góc", hoặc bốn nhà một con, chia thành "bốn góc" lợn. Cảnh đụng lợn ngày áp Tết, 29 hoặc 30 tháng Chạp thật vui với tiếng lợn kêu eng éc, tiếng dao thớt lách cách, tiếng cười nói hể hả, rộn rã trong nhà, ngoài ngõ.

          Theo quan niệm âm dương của người xưa, lợn biểu trưng cho tính âm, cho sự phồn thực, nhàn nhã và sung túc. Thủ lợn luộc là phẩm vật mang tính thiêng dùng trong lễ cúng và các lễ nghi quan trọng nhằm biểu lộ sự thành kính đối với tổ tiên, thần thánh. Đối với thuật phong thủy, con heo mạ vàng được dùng trong mừng thọ hay dịp lễ lớn, hàm ý mang tới sự may mắn, giàu có. Người ta cũng bày con heo mạ vàng ở phòng khách, nếu đặt một cặp ở đầu giường ngủ của vợ chồng mới cưới thì sẽ sớm có tin vui.

          Thành ngữ, ca dao người Việt cũng nhắc đến con lợn trên nhiều phương diện. Biểu tượng Tết Nguyên đán cổ truyền hẳn nhiều người khó quên:

          Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ

Câu nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh

          Thịt mỡ nói ở đây là loại thịt ba chỉ (vừa có nạc vừa có mỡ) của con lợn. Còn bánh chưng thì bao giờ cũng có nhân làm bằng đậu xanh và thịt lợn ba chỉ. Thực đơn cỗ tết không thể thiếu các món được chế biến từ thịt lợn, đứng hàng đầu là giò (giò lụa, giò mỡ, giò bì), nem (nem chua lá ổi, nem cuốn), ninh, mọc, thịt lợn nấu đông. Kinh nghiệm ẩm thực dân gian còn biểu hiện qua các câu thành ngữ ca dao: Đầu gà, má lợn; Lợn rọ, chó thui; Ruột heo hơn phèo trâu; Trông mặt mà bắt hình dong/Con lợn có béo cỗ lòng mới ngon; Con gà cục tác lá chanh/Con lợn ủn ỉn mua hành cho tôi,... đều liên quan đến thú ẩm thực liên quan đến con lợn.

          Mượn hình ảnh con lợn, người nông dân xưa đã phản ánh quan hệ hôn nhân, tình yêu nam nữ dưới chế độ phong kiến. Trong bài ca dao "xin áo" anh chàng hứa trả công cho cô gái bắt được áo bằng chính lễ vật cưới xin: Đến lúc có chồng anh lại giúp cho/Giúp em một thúng xôi vò/Một con lợn béo, một vò rượu tăm. Còn bài ca dao dưới đây nói về người con gái 18 tuổi, tới lúc bà mẹ thách cưới:

          Mẹ ơi! Năm nay con mười tám tuổi rồi

          Chồng con chưa có, mẹ thời tính sao?

          Con chim khách nó mách có hai bà mối

          Mẹ ngồi thách cưới:

          Tiền chẵn năm quan

          Cau chẵn năm ngàn

          Lợn béo năm con

          Áo quần năm đôi

          Trong tư duy dân gian, số 5 là con số biểu thị cho sự tròn đầy, toàn vẹn, sinh sôi. Đồ sính lễ trong đám cưới xưa, con lợn béo rất được coi trọng, nên chàng rể mới thổ lộ rằng: Bao giờ gạo gánh đến nhà/Lợn kêu ý éc mới là vợ anh.

          Theo lễ giáo phong kiến việc dựng vợ, gả chồng phải tuân thủ "cha mẹ đặt đâu, con ngồi đấy" nên mới có tình trạng nhiều đôi nam nữ thực sự yêu nhau mà không lấy được nhau: Yêu nhau chẳng lấy được nhau/Con lợn bỏ đói, buồng cau bỏ già. Không hiếm các bậc cha mẹ vì ham sính lễ nên ép gả con gái: Mẹ em tham thúng xôi vò/Tham con lợn béo, tham tiền Cảnh Hưng/ Em đã bảo mẹ rằng đừng/Mẹ hấm, mẹ hứ, mẹ bưng ngay vào. Có những làng đặt ra tục lệ, nếu trai làng khác lấy gái làng thì phải nộp tiền, hoặc đồ vật gọi là "cheo". Đây là lời than thở của chàng trai mắc vào cảnh ấy: Nuôi heo thì phải vớt bèo/Lấy vợ thì phải nộp cheo cho làng. Tình trạng chồng chung vợ chạ gây nên cảnh dở khóc, dở cười: Hai vợ nằm chèo queo/Ba vợ ra chuồng heo mà nằm. Hay sự đổ vỡ tình cảm vợ chồng: Còn duyên anh cưới ba heo/Hết duyên anh đánh ba hèo đuổi đi. Nguyên do tại đâu chưa rõ, nhưng với xã hội "trọng nam khinh nữ" thì lỗi đổ lên đầu người vợ.

          Mượn hình ảnh con lợn người xưa phê phán những thói hư tật xấu trong xã hội. Kẻ hay khoe mẽ: Lợn cưới, áo mới. Thói hợm hĩnh rởm không tự biết: Lợn chê chó có bọ, Người nhanh nhẩu đoảng, làm việc gì cũng hỏng: Lợn lành chữa thành lợn què. Chỉ biết trách người mà không xem lại mình: Lợn không cào, chó nào sủa. làm ăn không biết tính toán lo xa: Lợn trong chuồng thả ra mà đuổi v.v...

          Trong hội họa dân gian Việt Nam, con lợn được thể hiện qua các bức tranh dân gian Đông Hồ (xã Song Hồ, Thuận Thành, Bắc Ninh) được tạo hình rất đẹp, với ba bức tranh đặc sắc, các con lợn đều mang vòng xoáy âm dương. Bức tranh "lợn đàn" là biểu tượng của sự sung túc, no đủ, phồn thực. Lợn mẹ màu trắng, mắt lim dim, mõm tũm tĩm, Năm lợn con nô đùa bên mẹ, con xanh, con đỏ, con hồng, con tím, con vàng. Tranh "Lợn ăn lá dáy" hàm nghĩa sự hòa hợp với thiên nhiên. Còn bức "Lợn độc" thì ngụ ý nhất khoảnh anh hùng. Thời trước nhiều chợ quê ở vùng đồng bằng sông Hồng những phiên chợ áp Tết bày bán nhiều tranh Đông Hồ. Người dân mua tranh về dán lên tường, vách đón mừng năm mới, cầu mong may mắn, hạnh phúc, an lành...

          Đôi điều về hình ảnh con lợn trong văn hóa dân gian Việt Nam, nhân năm Kỷ Hợi, Tết đến, Xuân về./.