Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Giải pháp thực hiện chuyển đổi số trong 3 trụ cột chính: Chính quyền số, kinh tế số và xã hội số

Tin theo lĩnh vực Chuyển đổi số  
Giải pháp thực hiện chuyển đổi số trong 3 trụ cột chính: Chính quyền số, kinh tế số và xã hội số
Chuyển đổi số là xu hướng phát triển tất yếu, mang lại nhiều cơ hội, đồng thời đặt ra nhiều thách thức, tác động mạnh mẽ đến tất cả các cấp, các ngành, lĩnh vực, đời sống kinh tế, xã hội, an ninh, quốc phòng, làm thay đổi căn bản, toàn diện hoạt động chỉ đạo, điều hành, quản lý của cấp ủy, chính quyền các cấp, hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, phương thức sống, làm việc của người dân...

Ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03/6/2020 phê duyệt “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030", UBND tỉnh ban hành Kế hoạch chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh Hà Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Ngày 25/4/2022, Tỉnh ủy Hà Nam đã ban hành Nghị quyết số 24-NQ/TU về Chuyển đổi số tỉnh Hà Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.  

Ngay sau khi Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết số 24-NQ/TU, UBND tỉnh đã chỉ đạo, xây dựng, ban hành Quyết định số 1516/QĐ-UBND ngày 09/8/2022 phê duyệt Đề án Chuyển đổi số tỉnh Hà Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương tiến hành rà soát cơ chế, chính sách thúc đẩy quá trình chuyển đổi số, góp phần đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số tại tỉnh Hà Nam.

Đây là các văn bản quan trọng mở đường, định hướng để cả hệ thống chính trị chung sức thực hiện chuyển đổi số với 3 trụ cột chính: Phát triển chính quyền số, kinh tế số và xã hội số. Với mục tiêu chung là: Ứng dụng công nghệ thông tin nhằm đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động quản lý, điều hành của bộ máy chính quyền; hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp; phương thức sống, làm việc của người dân trên môi trường số.

UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện, các đơn vị xây dựng kế hoạch, với mục tiêu, nhiệm vụ, lộ trình cụ thể để triển khai thực hiện như: Đẩy mạnh việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến; tổ chức các hội nghị, tập huấn cho các doanh nghiệp của tỉnh về chuyển đổi số; triển khai hỗ trợ chuyển đổi số cho một số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh; tổ chức tập huấn kỹ năng số cho người dân…

Với sự chỉ đạo quyết liệt, sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị, Hà Nam đang triển khai rất hiệu quả hệ thống phần mềm Quản lý văn bản và Điều hành tại 100% các cơ quan nhà nước từ cấp tỉnh đến cấp xã, phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành; gửi, nhận văn bản điện tử liên thông giữa các cơ quan trong tỉnh, liên thông với các bộ, ngành trung ương qua trục liên thông văn bản quốc gia. Tỷ lệ xử lý văn bản, hồ sơ công việc từ cấp huyện trở lên đạt 99%.

Cổng Dịch vụ công và Hệ thống thông tin một cửa điện tử của tỉnh đồng bộ, hiện đại, phục vụ người dân, doanh nghiệp ngày càng tốt hơn. Tổng số hồ sơ được tiếp nhận và cập nhật vào hệ thống: Năm 2022 (tính đến 16/12/2022) là 241.791 bộ; giải quyết đúng và trước hạn đạt 99,9%; có 163.396 bộ hồ sơ trực tuyến, đạt 67,6%. Một số chỉ tiêu đạt và vượt so với Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 08/01/2022: Tỷ lệ cung cấp dịch vụ công trực tuyến lên Cổng Dịch vụ công quốc gia đạt 72% (Nghị quyết số 01: 70%); Tỷ lệ thanh toán trực tuyến đạt 32,6% (Nghị quyết số 01: 30%); Tỷ lệ thủ tục hành chính có yêu cầu nghĩa vụ tài chính được thanh toán trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công quốc gia đạt 100% (Nghị quyết số 01: 60%). Tính điểm xếp hạng Cổng Dịch vụ công và Hệ thống thông tin một cửa điện tử của tỉnh theo Bộ Chỉ số phục vụ người dân, doanh nghiệp trong thực hiện thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công: Hà Nam đang xếp thứ nhất trong 63 tỉnh, thành phố.

Cổng Dịch vụ công và Hệ thống thông tin Một của điện tử tỉnh Hà Nam đã được kết nối, khai thác chính thức cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; hiện tại đang triển khai để kết nối, liên thông với hệ thống Phần mềm Dịch vụ công liên thông để phục vụ tra cứu  02 dịch vụ công liên thông theo Đề án số 06.

Hệ thống hội nghị truyền hình trực tuyến với 116 điểm cầu tại các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện và cấp xã của tỉnh, góp phần triển khai nhiệm vụ nhanh chóng, tiết kiệm, nâng cao hiệu quả hoạt động của cơ quan nhà nước.

Mạng truyền số liệu chuyên dùng được kết nối cho 138 cơ quan, đơn vị (các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện và UBND cấp xã) để triển khai các dịch vụ, các nền tảng số phục vụ việc quản lý, điều hành chung của tỉnh để đảm bảo an toàn thông tin.

Đã cấp gần 2.000 chứng thư số cho cơ quan, lãnh đạo cơ quan, lãnh đạo các phòng, ban, đơn vị trực thuộc, lãnh đạo UBND các xã phường, thị trấn, kế toán, cán bộ, công chức, viên chức Bộ phận một cửa của các cơ quan, đơn vị... Các cơ quan đã sử dụng chữ ký số của cơ quan; chữ ký số của cá nhân để ký số trên văn bản điện tử.

Trung tâm điều hành thông minh tỉnh Hà Nam đã tích hợp, kết nối các hệ thống thông tin hiện có của các sở, ngành. Các chỉ số cơ bản về kinh tế - xã hội được các ngành cung cấp số liệu và cập nhật vào hệ thống định kỳ.

Hạ tầng viễn thông được triển khai đồng bộ, hiện đại, cơ bản đáp ứng yêu cầu; hạ tầng công nghệ thông tin đã được đầu tư cơ bản.

Số lượng doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận, tham gia chương trình hỗ trợ chuyển đổi số cho doanh nghiệp nhỏ và vừa ước tính là 2.700 doanh nghiệp. Khoảng 2.800 doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh sử dụng nền tảng số. Tỷ lệ doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh nộp thuế điện tử 98,5%. Tỷ lệ doanh nghiệp sử dụng hóa đơn điện tử 100%. Có trên 40 hộ/cơ sở sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh tham gia sàn thương mại điện tử với hơn 240 sản phẩm được giới thiệu quảng bá, truy xuất nguồn gốc.

Hoạt động của người dân trên môi trường mạng đã ghi nhận sự tăng trưởng cả về số lượng người sử dụng và thời lượng sử dụng. Số lượng tài khoản giao dịch của cá nhân và tổ chức mở tại các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh Hà Nam trên 800.000 tài khoản. Số lượng dân số ở độ tuổi trưởng thành có chữ ký số hoặc chữ ký điện tử cá nhân khoảng 1.840 chữ ký. Tỷ lệ người dân biết kỹ năng về công nghệ thông tin và truyền thông ước tính là 47,3%.

Toàn tỉnh đã thành lập 100% Tổ công nghệ số cộng đồng cấp xã, cấp thôn (109 Tổ công nghệ số cộng đồng cấp xã với 555 thành viên, 686 Tổ công nghệ số cộng đồng cấp thôn với 3.430 thành viên). Tổ công nghệ số cộng đồng các cấp đã tổ chức hướng dẫn người dân cài đặt, sử dụng dịch vụ số phục vụ cho nhu cầu thiết yếu.

Có thể nói, ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng Chính quyền điện tử hướng tới xây dựng Chính quyền số trên địa bàn tỉnh đã có bước đột phá quan trọng. Lãnh đạo, cán bộ các cấp từ cấp tỉnh đến cấp xã đã thay đổi nhận thức, thay đổi phương thức, lề lối, thói quen làm việc từ hành chính, giấy tờ sang chỉ đạo, điều hành, xử lý công việc hoàn toàn trên môi trường điện tử. Ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ người dân, doanh nghiệp được đẩy mạnh. Cổng dịch vụ công, hệ thống một của điện tử cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã đã công khai, minh bạch trong giải quyết thủ tục hành chính của các cơ quan nhà nước. Công tác thông tin, tuyên truyền về chuyển đổi số được quan tâm, đẩy mạnh…

Tuy nhiên, quá trình chuyển đổi số của tỉnh còn bộc lộ một số khó khăn, hạn chế: Một số lãnh đạo, cán bộ công chức các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp chưa nhận thức đầy đủ về ý nghĩa, tầm quan trọng, tính cấp bách của chuyển đổi số; chuyển đổi số trong các ngành, lĩnh vực còn chậm, đặc biệt đối với các ngành, lĩnh vực tỉnh Hà Nam có lợi thế như nông nghiệp, du lịch, y tế, giáo dục, thương mại, tài nguyên môi trường, giao thông vận tải...  Phần lớn các doanh nghiệp chưa quan tâm, tích cực, chủ động tiếp cận, ứng dụng công nghệ số, các nền tảng số phục vụ chuyển đổi số. Phát triển kinh tế số của tỉnh còn mang tính tự phát, quy mô nhỏ, giá trị thấp. Thiếu nguồn nhân lực nội bộ để ứng dụng công nghệ thông tin trong chuyển đổi số; nguồn kinh phí dành cho ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số còn hạn chế. Chuyển đổi số đặt ra nhiều thách thức cả về kinh tế và xã hội. Công tác đấu tranh, phòng chống tội phạm trên không gian mạng, bảo đảm an toàn thông tin, an ninh mạng còn khó khăn, thách thức...

Để chuyển đổi số thành công, trước hết cần phải có sự vào cuộc và hành động đồng bộ, quyết liệt của cả hệ thống chính trị, của các cấp, các ngành. Trước mắt, cần tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, cán bộ, đảng viên, cộng đồng doanh nghiệp và người dân về tính cấp thiết của chuyển đổi số; người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp chịu trách nhiệm trực tiếp về kết quả chuyển đổi số trong cơ quan, đơn vị, tổ chức, lĩnh vực, địa bàn phụ trách. Sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật nhằm điều chỉnh các mối quan hệ mới phát sinh trong quá trình chuyển đổi số; xây dựng cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển các doanh nghiệp công nghệ số, khuyến khích đổi mới, sáng tạo; thu hút các doanh nghiệp công nghệ số đầu tư vào tỉnh. Tập trung đào tạo, bồi dưỡng, thu hút nguồn nhân lực công nghệ thông tin chất lượng sẵn sàng tham gia vào quá trình chuyển đổi số.

Tiếp tục hoàn thiện hệ thống hạ tầng thông tin theo nguyên tắc bảo đảm an toàn thông tin, an ninh mạng. Phát triển hạ tầng băng rộng, ưu tiên phát triển tại các khu kinh tế trọng điểm, khu công nghiệp, khu công nghệ cao, các khu du lịch…; phát triển hạ tầng mạng 4G, 5G; phổ cập thuê bao cáp quang tại các hộ gia đình. Thu hút, kêu gọi các doanh nghiệp triển khai thí điểm, thử nghiệm các công nghệ và mô hình mới phục vụ chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh; Triển khai các nền tảng số trong một số lĩnh vực như thương mại điện tử, nông nghiệp, du lịch, y tế, giáo dục, giao thông, xây dựng, tài nguyên và môi trường, ngân hàng số…; Phát triển hạ tầng kết nối mạng Internet vạn vật (IoT) trong các lĩnh vực phục vụ nhu cầu quản lý, điều hành, sản xuất, kinh doanh.

Xây dựng trung tâm điều hành đô thị thông minh, phát triển các dịch vụ thành phố thông minh; hoàn thiện mạng truyền số liệu chuyên dùng, các hệ thống phần mềm dùng chung, số hóa dữ liệu, xây dựng các cơ sở dữ liệu chuyên ngành… Tạo lập dữ liệu mở phục vụ người dân, doanh nghiệp dễ dàng khai thác truy cập, sử dụng, góp phần công khai, minh bạch, phòng, chống tham nhũng, thúc đẩy phát triển các dịch vụ số.

Trên cơ sở kết quả triển khai chuyển đổi số trong từng giai đoạn với sự phát triển của các nền tảng chuyển đổi số mà các doanh nghiệp Việt Nam đang xây dựng, Sở Thông tin và Truyền thông sẽ tham mưu kịp thời cho UBND tỉnh về lộ trình cụ thể để đạt được các mục tiêu đã đề ra trong Đề án Chuyển đổi số tỉnh Hà Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đã được phê duyệt./.

L.H​