Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Hà Nam có thêm 2 di sản được công nhận di sản phi vật thể quốc gia

Tin theo lĩnh vực Văn hoá, thể thao và du lịch  
Hà Nam có thêm 2 di sản được công nhận di sản phi vật thể quốc gia
Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vừa ký ban hành Quyết định số 446/QĐ-BVHTTDL về việc công bố Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, đợt 26, trong đó có 2 di sản văn hóa phi vật thể của Hà Nam: Lễ hội Chùa Bà Đanh (Xã Ngọc Sơn, huyện Kim Bảng) và Hát Dậm Quyển Sơn (Xã Thi Sơn, huyện Kim Bảng).

17 di sản văn hóa phi vật thể được công nhận đợt này thuộc năm loại hình: Nghệ thuật trình diễn dân gian, Nghề thủ công truyền thống, Lễ hội truyền thống, Tập quán xã hội và tín ngưỡng, Tri thức dân gian. Hai di sản văn hóa phi vật thể quốc gia của Hà Nam thuộc loại hình Lễ hội truyền thống và Nghệ thuật trình diễn dân gian.

Nguồn gốc nghệ thuật trình diễn dân gian Hát Dậm gắn liền với sự hình thành và phát triển của lễ hội đền Trúc, thôn Quyển Sơn, xã Thi Sơn, huyện Kim Bảng. Hát Dậm là một tục lệ, là nghi lễ hát thờ trong lễ hội. Dựa vào nguồn sử liệu và nghiên cứu hồi cổ, Hát Dậm Quyển Sơn được hình thành vào thời Lý với nhiều câu chuyện, truyền thuyết và nhiều dị bản.

7-22_49_20_664.jpg

Hát Dậm là loại hình nghệ thuật nguyên hợp gồm các thành tố lời ca, vũ diệu và âm nhạc

Hát Dậm Quyển Sơn được người dân địa phương bảo lưu tương đối nguyên vẹn với những nghi lễ và các làn điệu múa hát. Với ý thức giữ gìn văn hóa truyền thống, Hát Dậm Quyển Sơn được coi là “bảo tàng sống" mà cộng đồng người dân làng Quyển Sơn nói riêng, Thi Sơn nói chung xưa kia đã sáng tạo và trao truyền cho đến ngày nay.

Lễ hội chùa Bà Đanh gắn liền với tín ngưỡng thờ mẫu, thờ thần – Đức Thánh Bà– Pháp Phong, được tổ chức từ 15 đến17 tháng 2 âm lịch . Lễ hội được hình thành và tồn tại trên nền tảng của sự cộng mệnh, cộng cảm, cộng đồng. Lễ hội là nơi lưu giữ, cung cấp những dữ liệu lịch sử về vùng  chiêm trũng của tỉnh Hà Nam - Kim Bảng. Người dân ở đây bảo lưu tương đối nguyên vẹn những nghi lễ mang tính cổ xưa: Quang phấn tượng, cáo Yết, rước kiệu thánh, tục làm kỳ lân và những trò chơi dân gian khác. Vì thế, lễ hội là một kho tàng tri thức dân gian, cung cấp những kinh nghiệm sống, những giá trị nhân văn sâu sắc và giáo dục thế hệ trẻ hiểu biết về cội nguồn dân tộc.

2__1_-22_49_20_399.jpg

Chùa Bà Đanh - công trình Nghệ thuật kiến trúc, điêu khắc và cảnh quan thiên nhiên độc đáo thể hiện quan niệm thẩm mỹ, mỹ thuật của cư dân bản địa trong việc hiện thực hóa đời sống tâm linh.

Theo ông Lê Xuân Huy, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du Lịch: “Lễ hội Chùa Bà Đanh là một sinh hoạt văn hóa có sức thu hút một số lượng lớn quần chúng nhân dân tham gia không chỉ ở Ngọc Sơn mà rộng hơn là cả vùng châu thổ sông Hồng. Lễ hội vừa mang đặc trưng của lễ hội nông nghiệp, lại vừa mang đặc trưng của lễ hội lịch sử, có giá trị thỏa mãn nhu cầu tâm linh của đại đa số cư dân của vùng đất chiêm trũng. Thông qua hệ thống các nghi thức, nghi lễ, dân chúng có điều kiện bày tỏ lòng biết ơn đối với thánh thần có công bảo trợ người dân địa phương làm ăn, mùa màng tươi tốt. Đồng thời, gửi gắm những ước mơ, khẩn nguyện về hạnh phúc, an sinh và “nạp năng lượng thiêng" vào cuộc sống tinh thần của mình." Đến nay, Hà Nam có tất cả 6 di sản được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia./.

Theo Báo Hà Nam điện tử