Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Hà Nam quan tâm phát triển đàn gia súc ăn cỏ

Tin theo lĩnh vực Nông, lâm nghiệp và thủy lợi  
Hà Nam quan tâm phát triển đàn gia súc ăn cỏ
Phát triển đàn gia súc ăn cỏ được kỳ vọng sẽ góp phần hoàn thành mục tiêu tăng trưởng của ngành nông nghiệp của tỉnh. Ở Hà Nam, tiềm năng về phát triển đàn gia súc còn nhiều. Cơ chế hỗ trợ cho chăn nuôi bò sữa, bò thịt, bò sinh sản đã có, nhưng để tăng quy mô tổng đàn gia súc không thể làm trong ngày một ngày hai.

Theo đánh giá của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), những tháng đầu năm 2019, tình hình chăn nuôi trâu, bò trên địa bàn tỉnh phát triển chậm. Tổng đàn trâu, bò đạt trên 34.490 con, tăng 2% so với cùng kỳ (tháng 5/2018) và đạt 83% so với kế hoạch. Sản lượng thịt trâu, bò hơi xuất chuồng cũng chỉ đạt 46,3% kế hoạch. Xét về tỷ trọng trong cơ cấu chăn nuôi, sản lượng thịt trâu bò chỉ chiếm khoảng 2,5% trong tổng sản lượng thịt hơi xuất chuồng, về giá trị sản xuất, chiếm khoảng 4,1%. Con số này được cho là khá khiêm tốn. Nhìn ở một vài khía cạnh có thể thấy, dịch bệnh trên đàn trâu, bò thường ít xảy ra, chủ yếu là bệnh lở mồm long móng, không phức tạp. Trên thị trường, giá thịt trâu, bò trong những năm gần đây ít biến động, bảo đảm cho người chăn nuôi có lãi. Nguồn thức ăn thô xanh dành cho chăn nuôi trâu, bò tuy không dồi dào, nhưng vẫn có thể trồng thay thế cỏ tự nhiên.

Thực hiện Đề án phát triển chăn nuôi bò sinh sản, bò thịt, năm 2019, mục tiêu đạt mức 32.000 con, trong đó, tổng đàn trong khu quy hoạch khoảng 3.600 con. Nhưng tính trong 6 tháng đầu năm 2019, ước tổng đàn bò chỉ có khoảng 27.000 con, chưa đạt kế hoạch. Lũy kế số bò thịt chất lượng cao kể từ khi thực hiện đề án cho đến nay là 2.968/7.500 con. Về hạ tầng, trên địa bàn tỉnh có 20 khu chăn nuôi bò sinh sản, bò thịt tập trung, nhưng hiện mới triển khai thực hiện được 3/20 khu, với số lượng 313 con. 

Đối với bò sữa, đã có hẳn một đề án chung hướng tới sự phát triển một cách bài bản. Cơ chế của tỉnh tập trung vào hỗ trợ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng vùng chăn nuôi bò sữa tập trung, phòng, chống dịch bệnh, tập huấn kỹ thuật cho các hộ chăn nuôi…  Các địa phương quan tâm quy hoạch dành đất xây dựng vùng chăn nuôi bò sữa tập trung, vùng trồng cỏ, ngô làm thức ăn cho bò sữa. Có thể nói, bò sữa đang được tạo nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển. Nhưng việc tăng tổng đàn bò sữa luôn không hoàn thành mục tiêu đề ra. Tính đến thời điểm cuối tháng 5/2019, chưa có địa phương nào phát triển thêm được trại chăn nuôi bò sữa mới. Đàn bò chỉ tăng thêm được 156 con, phụ thuộc chủ yếu vào tăng đàn tự nhiên (số lượng bê con được sinh ra). Ước đến hết tháng 6, tổng đàn bò sữa có khoảng 3.380, tăng 8,7% so với cùng kỳ, đạt 56,3% kế hoạch.

Đàn dê đang được quan tâm để xây dựng thương hiệu “Dê núi Hà Nam", nhưng thực tế, việc nhân rộng quy mô tổng đàn dê không được như mong đợi. Đàn dê tăng chậm về số lượng và chất lượng chưa được cải thiện tốt. Hiện, tổng đàn dê ở các địa phương trong tỉnh có khoảng 10.000 con, sản lượng thịt hơi xuất chuồng ước đạt 84,5 tấn. Dê được nuôi chủ yếu trong nông  hộ, quy mô nhỏ.

bo_thit-08_47_41_344.jpg

Trại nuôi bò thịt của hộ anh Phạm Văn Thành, xã Nhân Đạo (Lý Nhân). Ảnh: Mạnh Hùng

Trao đổi với chúng tôi về những vấn đề có liên quan đến phát triển đàn gia súc ăn cỏ, ông Đỗ Mạnh Hà, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y (Sở NN&PTNT) cho rằng: Phát triển đàn gia súc vừa là nhiệm vụ, vừa là giải pháp để bù đắp vào phần thiếu hụt giá trị do bệnh dịch tả lợn châu Phi gây ra. Tiềm năng về phát triển đàn gia súc ăn cỏ ở tỉnh ta còn nhiều, nhất là đối với đàn bò thịt, bò sinh sản. Nhiều nông dân đang sở hữu những giống bò chất lượng tốt. Nguồn lao động tuổi trung niên ở nông thôn có thể đáp ứng được yêu cầu chăn nuôi bò thịt, bò sinh sản. Đối với bò sữa, việc phát triển nhanh tổng đàn trong thời điểm này là rất khó. Vì bò sữa đòi hỏi đầu tư nguồn tài chính khá lớn, nhân lực có trình độ kỹ thuật và chuyên môn cao. Tập trung vào mũi nhọn nào trong đàn gia súc ăn cỏ để thúc đẩy khả năng tăng trưởng cho ngành chăn nuôi?

Ông Đỗ Mạnh Hà cho rằng, mũi nhọn có thể khai thác là đàn bò thịt, bò sinh sản. Bò sữa và đàn dê vẫn có thể khuyến khích phát triển bằng cơ chế, chính sách và các giải pháp cụ thể. Về phương thức, nên hướng tới phát triển chăn nuôi tập trung, hạn chế chăn nuôi quy mô nhỏ để kiểm soát tốt và phòng ngừa dịch bệnh, giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Trước mắt, trong năm 2019, phấn đấu hoàn thành mục tiêu tăng tổng đàn trâu lên 3.500 con, đàn bò 38.000 con. Về giải pháp, hoàn thiện các hạng mục xây dựng hạ tầng 7 khu quy hoạch chăn nuôi bò sữa, thu hút các hộ đầu tư vào chăn nuôi bò sữa trong khu quy hoạch đã được phê duyệt. Hoàn thành phê duyệt quy hoạch các khu chăn nuôi bò sinh sản, bò thịt, hạ tầng 6 khu. Năm 2020, tiếp tục xây dựng hạ tầng 11 khu chăn nuôi bò sinh sản, bò thịt tập trung còn lại, đạt quy mô mỗi trại nuôi từ 10-20 con/hộ, tổng đàn từ 100-200 con/khu.

Để đạt được mục tiêu đề ra, việc cải tạo chất lượng đàn bò sinh sản, bò thịt phải được quan tâm đồng thời với đầu tư chuẩn bị hạ tầng chăn nuôi, nhằm nâng tỷ lệ đàn bò lai các giống chuyên thịt lên trên 20% tổng đàn, phương thức kết hợp nuôi nhốt và chăn thả. Tiếp tục duy trì và tăng quy mô đàn dê bằng việc áp dụng và thực thi có hiệu quả cơ chế, chính sách hỗ trợ của trung ương và của tỉnh; tăng cường áp dụng khoa học kỹ thuật nâng cao chất lượng, năng suất, giá trị đàn dê, hướng tới xây dựng thành công thương hiệu “Dê núi Hà Nam".

Chủ trương, định hướng và kế hoạch phát triển đàn gia súc ăn cỏ đã được thống nhất và triển khai thực hiện. Qua tìm hiểu thực tiễn, chúng tôi thấy, người chăn nuôi đang gặp khó khăn, nhất là vốn đầu tư, tập trung ruộng đất để trồng cây làm thức ăn xanh, cải tạo chất lượng đàn trâu bò và đàn dê… Vì vậy, các cấp, ngành cần tập trung tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho người dân yên tâm đầu tư phát triển chăn nuôi./.

Theo baohanam.com.vn