Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Hà Nam tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh

Thông tin tuyên truyền, phổ biến Phòng chống dịch nCoV  
Hà Nam tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh
Thời gian gần đây, trên địa bàn tỉnh đã ghi nhận xu hướng tăng số ca mắc COVID-19. Để tăng cường hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch góp phần chăm sóc sức khỏe Nhân dân trong dịp Lễ, Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán 2022; thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, ngày 25/12/2021, UBND tỉnh đã ban hành Công văn số 3605/UBND-KGVX đề nghị:

Các sở, ban, ngành, cơ quan cấp tỉnh, UBND các  huyện, thị xã, thành phố theo chức năng, nhiệm vụ tiếp tục quán triệt, tuyên truyền, đôn đốc thực hiện nghiêm, kịp thời các văn bản chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ (Thông báo số 347/TB-VPCP ngày 22/12/2021; Công điện số 1792/CĐ-TTg và Công điện số 9406/CĐ-VPCP ngày 23/12/2021), các văn bản chỉ đạo của tỉnh (Số 09-CT/TU ngày 20/12/2021, số 3542/UBND-KGVX  ngày 17/12/2021) và các văn bản có liên quan; không tổ chức các hoạt động tập trung đông người, nhất là các dịp Lễ, Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán; phân công lực lượng ứng trực, giải quyết các nhiệm vụ liên quan phòng, chống dịch kịp thời, hiệu quả.

Công an tỉnh, Sở Y tế, Sở Công Thương, Sở Nội vụ và các sở, ngành liên  quan, UBND các huyện, thị xã, thành phố chủ động tăng cường kiểm tra, hướng  dẫn, chấn chỉnh, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm thuộc lĩnh vực, địa bàn quản lý.

Sở Y tế chủ trì, phối  hợp UBND các huyện, thị xã, thành phố: Xây dựng và  chủ động triển khai phương án thí điểm điều trị F0 thể nhẹ và không triệu chứng tại cơ sở, tại nhà; tăng cường tập huấn cho lực lượng y tế cơ sở, y tế tư nhân về chăm sóc và điều trị F0 tại cơ sở, tại nhà và cách ly F1 tại nhà; xây dựng kế hoạch huy động y tế tư nhân, sinh viên ngành y, cán bộ y tế nghỉ hưu tham gia công tác phòng, chống dịch khi số ca mắc tăng cao; rà soát, bổ sung cơ số thuốc điều trị COVID-19, trang thiết bị vật tư y tế dự phòng các tình huống dịch phức tạp hơn; phối hợp chặt chẽ với đơn vị liên quan rà soát, có giải pháp cụ thể bảo đảm nguồn cung oxy phục vụ điều trị trong các tình huống.

Chỉ đạo, hướng dẫn tăng cường giám sát các trường hợp có triệu chứng nghi ngờ (sốt, ho, đau họng, mất vị giác, khứu giác...); đẩy mạnh giám sát sức khỏe cộng đồng thông qua tổ COVID-19; hướng dẫn, thực hiện xét nghiệm định kì, xét nghiệm tầm soát, đánh giá nguy cơ đối với các nhóm đối tượng, địa bàn có nguy cơ cao (cơ sở y tế, cơ sở sản xuất kinh doanh, khu công nghiệp, bến xe, chợ, siêu  thị...) bảo đảm khoa học, hiệu quả, đúng hướng dẫn của BộY tế; tổ chức tiêm vắc xin mũi tăng cường bảo đảm an toàn cao, khoa học, nhanh chóng, sớm nhất có thể, đặc biệt là người già, người có bệnh nền, người lao động trong các khu công nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh có số lao động lớn, tiểu thương các chợ....

Các cơ quan báo chí tuyên truyền trên địa bàn đẩy mạnh tuyên truyền, thường xuyên, liên tục, kịp thời về tác dụng, kế hoạch và tiến độ triển khai tiêm mũi tăng cường trên địa bàn tỉnh; nguy cơ bùng phát dịch bệnh và yêu cầu thực hiện nghiêm 5K.

 UBND các huyện, thị xã, thành phố chủ động thực hiện, tích cực phối hợp với ngành Y tế và các cơ quan liên quan triển khai các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 linh hoạt, hiệu quả, phù hợp diễn biến dịch bệnh trên địa bàn. Chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh về tiến độ tiêm vắc xin tại địa phương.

UBND tỉnh yêu cầu Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố nghiêm túc triển khai thực hiện./​