Để tránh bùng phát dịch bệnh trong và sau mưa lũ, đảm bảo sớm khôi phục sản xuất, ổn định cuộc sống của người dân, UBND tỉnh yêu cầu:
1. Các Sở, ngành, địa phương, đơn vị theo chức năng nhiệm vụ thực hiện nghiêm túc, đầy đủ, hiệu quả các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, UBND tỉnh; Kịp thời tổ chức vệ sinh các khu vực bị ảnh hưởng do mưa lũ gây ra.
2. UBND các huyện, thị xã, thành phố:
- Tổ chức phân công cán bộ thường trực, thường xuyên cập nhật thông tin về tình hình mưa, lũ, đặc biệt là các bản tin dự báo của Trung tâm Khí tượng thủy văn; theo dõi chặt chẽ tình hình ô nhiễm môi trường tại khu vực có mưa, lũ, ngập lụt; phòng, chống các hành vi lợi dụng mưa, lũ lụt xả chất thải bẩn gây ô nhiễm ra ngoài môi trường và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo thẩm quyền; phối hợp xử lý kịp thời sự cố ô nhiễm môi trường xảy ra (nếu có); tổng hợp báo cáo kịp thời về tình hình ứng phó và khắc phục hậu quả do mưa, lũ; giám sát các hoạt động khai thác, sử dụng, bảo vệ tài nguyên nước; phòng, chống và khắc phục hậu quả do ngập lụt gây ra trên lưu vực sông; chủ động trong công tác tổ chức ứng phó, khắc phục sự cố ô nhiễm nguồn nước.
- Hướng dẫn nhân dân khu vực bị ảnh hưởng do mưa, lũ vệ sinh nhà cửa, khơi thông cống rãnh, vệ sinh đường phố, thôn, xóm... thu gom bùn đất, xác động vật... đưa đi xử lý; chỉ đạo các đơn vị liên quan tiến hành tiêu độc, khử trùng các giếng nước sinh hoạt và bể nước cấp; tiến hành phun thuốc khử khuẩn, diệt côn trùng tại các trường học, chợ... khu vực bị ngập, lụt; cấp phát thuốc khử khuẩn và hướng dẫn các hộ dân thực hiện vệ sinh tiêu độc, khử trùng; san gạt thu gom đất đá bị sạt lở trên các tuyến đường giao thông.
- Chỉ đạo tổ chức thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải; kiểm tra công trình thu gom và kho lưu trữ chất thải, kịp thời phát hiện, xử lý ô nhiễm môi trường, không để chảy tràn chất thải gây ô nhiễm môi trường vào nguồn nước; xử lý kịp thời các vấn đề môi trường phát sinh trên địa bàn theo thẩm quyền, bảo đảm không để ô nhiễm môi trường ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân.
3. Giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Sở Y tế và các đơn vị liên quan hướng dẫn UBND các huyện, thị xã, thành phố cụ thể về việc xử lý, khắc phục hậu quả ô nhiễm môi trường do mưa, lũ gây ra (trong đó lưu ý việc hướng dẫn thực hiện các quy định của Luật Bảo vệ môi trường, các quy định có liên quan và văn bản số 6219/BTNMT-KSONMT ngày 13/9/2024 của Bộ Tài nguyên và Môi trường); đồng thời, theo dõi, nắm bắt tình hình, báo cáo UBND tỉnh.
4. Ban Quản lý các Khu công nghiệp:
- Tăng cường kiểm tra, rà soát các khu vực lưu giữ chất thải của các cơ sở sản xuất, kinh doanh trong các khu công nghiệp có nguy cơ xảy ra sự cố chất thải. Rà soát, nắm chắc tình hình, xây dựng phương án ứng phó tại chỗ, có biện pháp quản lý nhằm giảm thiểu nguy cơ xảy ra sự cố môi trường.
- Theo dõi, đôn đốc các đơn vị quản lý hạ tầng các khu công nghiệp duy trì vận hành liên tục hệ thống xử lý tập trung đảm bảo yêu cầu về bảo vệ môi trường và có phương án ứng phó sự cố môi trường đảm bảo an toàn môi trường theo quy định, không để gián đoạn sản xuất của các doanh nghiệp trong khu công nghiệp.
5. Các đơn vị dịch vụ vệ sinh môi trường:
- Các đơn vị thu gom, bốc xúc, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt: Bố trí nhân lực, phương tiện để tăng cường bốc xúc, vận chuyển toàn bộ chất thải rắn sinh hoạt của các địa phương về nhà máy xử lý đảm bảo không để ùn ứ gây ô nhiễm môi trường.
- Các nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt:
+ Khẩn trương khắc phục các ảnh hưởng sau bão; duy trì hoạt động thường xuyên của các lò đốt.
+ Tiếp nhận toàn bộ lượng chất thải rắn sinh hoạt của các địa phương chuyển về, lưu giữ, xử lý đảm bảo yêu cầu.
+ Tăng cường công tác đảm bảo vệ sinh môi trường công nghiệp, hạn chế tối đa nước rỉ rác thoát ra hệ thống thoát nước mưa, phun chế phẩm để giảm phát tán mùi ra môi trường xung quanh./.