Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Hà Nam tập trung phát triển ngành nghề tiểu thủ công nghiệp, làng nghề ở nông thôn

Lịch sử - Văn hóa Làng nghề truyền thống  
Hà Nam tập trung phát triển ngành nghề tiểu thủ công nghiệp, làng nghề ở nông thôn
Trong những năm qua, Hà Nam luôn xác định phát triển tiểu thủ công nghiệp (TTCN), làng nghề trên địa bàn nông thôn là hướng đi tích cực để đẩy mạnh công nghiệp hóa nông thôn và góp phần hoàn thành các tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới.

Hà Nam là tỉnh có nhiều làng nghề truyền thống, làng nghề TTCN với ngành nghề sản xuất đa dạng được chia làm 06 nhóm chính: Thủ công mỹ nghệ, dệt may, chế biến lương thực, thực phẩm, chế biến gỗ, hàng sản xuất tre nứa dùng cho xây dựng, cơ khí. Với mỗi nhóm ngành nghề có hàng trăm mặt hàng tiểu thủ công nghiệp khác nhau, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân trong nước và góp phần xuất khẩu sang thị trường nước ngoài. Hiện tại, tỉnh đã công nhận 35 làng nghề truyền thống, 30 làng nghề TTCN, 111 làng có nghề TTCN. Trong đó có nhiều làng nghề truyền thống nổi tiếng như: Làng nghề thêu ren An Hòa, Hòa Ngãi, mây giang đan Ngọc Động, dệt Nha Xá, dệt Hòa Hậu, sừng Đô Hai, dũa Đại Phu, trống Đọi Tam, gốm Quyết Thành...

trong-doi-tam-sua.jpg

Các nghệ nhân của làng Trống Đọi Tam đang cần mẫn để tạo ra được những chiếc trống tốt nhất

Để bảo tồn, phát triển và gìn giữ nghề truyền thống, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Hà Nam đã ban hành nhiều cơ chế chính sách. Trong đó để vinh danh và khuyến khích các nghệ nhân, thợ giỏi của nghề thủ công mỹ nghệ, UBND tỉnh đã ban hành Quy chế Xét công nhận danh hiệu nghệ nhân, thợ giỏi ngành thủ công mỹ nghệ tỉnh Hà Nam (kèm theo Quyết định số 10/2010/QĐ-UBND ngày 12/4/2010). Đến nay, UBND tỉnh đã công nhận 20 nghệ nhân và 173 thợ giỏi các nghề thủ công mỹ nghệ như: Thêu ren, dệt, mộc, mây tre đan, trống, gốm, sừng... Việc bảo tồn và phát triển làng nghề truyền thống là cần thiết, đó là bảo tồn giá trị văn hóa phi vật thể, bảo tồn giá trị bản sắc địa phương. Một yêu cầu đặt ra đối với việc bảo tồn nghề truyền thống là việc tôn vinh các nghệ nhân, thợ giỏi của các làng nghề, bởi bản thân họ nắm giữ những giá trị văn hóa nghề của địa phương. Ngoài sự sáng tạo, nghệ nhân còn có sứ mệnh truyền nghề cho các thế hệ sau. Vì vậy, việc tôn vinh nghệ nhân, thợ giỏi không đơn thuần chỉ là đánh giá công lao mà hơn thế, đây là một hoạt động, một phương pháp, một nội dung để bảo tồn được các giá trị văn hóa của nghề truyền thống và làng nghề.

Bên cạnh việc bảo tồn, phát triển và gìn giữ nghề truyền thống, thời gian qua, hoạt động khuyến công cũng đã được tỉnh triển khai hiệu quả, góp phần lớn trong việc khuyến khích, hướng dẫn, hỗ trợ và tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân tham gia phát triển sản xuất công nghiệp nông thôn, góp phần giải quyết việc làm, tạo thu nhập cho người dân nông thôn. Do đó nhiều ngành nghề truyền thống đã từng bước thích nghi với sự phát triển kinh tế thị trường, phát huy tiềm năng, lợi thế của địa phương.

det-nha-xa.jpg

Hình ảnh công nhân đang làm việc tại  Xưởng dệt Lụa tơ tằm ở Làng dệt Nha Xá (Duy Tiên)

Cùng với đó, hoạt động khuyến công đã tăng cường hỗ trợ đào tạo nghề, truyền nghề, nhân cấy nghề, đáp ứng nhu cầu sử dụng lao động của các cơ sở công nghiệp nông thôn và làng nghề; ứng dụng máy móc thiết bị, tiến bộ khoa học kỹ thuật... vào sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ, chế biến nông sản thực phẩm. Tổng kinh phí do ngân sách nhà nước hỗ trợ hoạt động khuyến công là 20.657 triệu đồng, trong đó kinh phí khuyến công địa phương là 9.829 triệu đồng, kinh phí khuyến công quốc gia là 10.828 triệu đồng.

Việc phát triển các ngành nghề ở nông thôn bền vững sẽ tạo điều kiện chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp, cơ cấu lao động ở nông thôn theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Qua đó, tạo được nhiều công ăn việc làm, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo, giảm việc di dân từ nông thôn ra thành phố, thực hiện có hiệu quả chương trình xây dựng nông thôn mới, đồng thời bảo tồn, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc./.