Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Hà Nam: Thúc đẩy chuyển đổi số để người dân, doanh nghiệp tiếp cận, hưởng lợi từ dịch vụ công, tiện ích xã hội

Tin theo lĩnh vực Chuyển đổi số  
Hà Nam: Thúc đẩy chuyển đổi số để người dân, doanh nghiệp tiếp cận, hưởng lợi từ dịch vụ công, tiện ích xã hội
Với quan điểm lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm, chủ thể, động lực chuyển đổi số, thời gian qua, tỉnh Hà Nam đã tích cực triển khai chuyển đổi số ở cả 3 trụ cột: Chính quyền số, xã hội số và kinh tế số. Nhờ đó đã mang lại những kết quả quan trọng, giúp người dân trên địa bàn được tiếp cận và thụ hưởng những tiện ích từ chuyển đổi số một cách nhanh chóng, thuận tiện và hiệu quả hơn.

Chuyển đối số đi vào đời sống

Thường xuyên phải thăm khám định kỳ tại Bệnh viện Đa Khoa tỉnh do các bệnh về dạ dày, đại tràng mạn tính, trước kia bà Đoàn Thị Phúc (xã Liêm Chung,TP Phủ Lý) phải chuẩn bị và mang theo rất nhiều giấy tờ. Từ khi thực hiện khám chữa bệnh bảo hiểm y tế (BHYT) bằng CCCD gắn chíp điện tử và sử dụng ứng dụng VNeID phục vụ khám chữa bệnh, việc đăng ký khám chữa bệnh bằng thẻ CCCD gắn chíp đã trở nên thuận tiện, dễ dàng hơn rất nhiều. Thông qua việc sử dụng CCCD gắn chíp điện tử, thông tin về bệnh nhân sẽ được lưu trữ trực tuyến và được chia sẻ trên một nền tảng điện tử, giúp cho việc tìm kiếm và truy cập thông tin bệnh nhân nhanh chóng, đầy đủ, chính xác hơn. Từ đó, giảm thiểu thời gian chờ đợi của bệnh nhân, nâng cao hiệu quả chẩn đoán và điều trị của nhân viên y tế. Việc sử dụng CCCD giúp quản lý và lưu trữ thông tin bệnh nhân trở nên dễ dàng hơn, góp phần tiết kiệm chi phí cho bệnh viện...

Khám chữa bệnh BHYT bằng CCCD gắn chíp không chỉ mang lại nhiều tiện ích cho người dân mà còn tiết kiệm thời gian, giảm nhiều giấy tờ thủ tục hành chính cho nhân viên y tế.

Bà Phúc chia sẻ: Tôi thấy bệnh viện triển khai sử dụng CCCD thay cho BHYT giấy rất tiện ích cho người bệnh. Chúng tôi không phải mang nhiều giấy tờ như trước đây. Nhân viên của bệnh viện khi tiếp nhận, tra cứu thông tin bằng thẻ CCCD gắn chíp cũng nhanh hơn.

Là người làm nghề spa, chị Nguyễn Vân Anh (phường Thanh Châu, TP Phủ Lý) luôn bận rộn công việc, ngày giờ làm không cố định. Vì vậy, việc đi chợ, mua bán đồ dùng sinh hoạt hằng ngày, lương thực, thực phẩm, chị Vân Anh đều đặt qua online, thanh toán qua hệ thống ngân hàng. “Hiện các tiện ích số đã giúp cho chúng tôi mua bán nhanh chóng. Người dân rất thoải mái, tiện lợi, không cần cầm tiền mặt theo, chỉ cần một chiếc điện thoại thông minh có kết nối mạng là có thể giải quyết được các vấn đề”, chị Vân Anh chia sẻ.

Mua hàng online, thanh toán trực tuyến hiện nay trở thành thói quen phổ biến của nhiều người dân

Trước tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, sự bùng nổ của thương mại điện tử, chuyển đổi số đã tạo ra một cú hích mạnh mẽ cho hoạt động kinh doanh, trở thành cầu nối giúp kết nối nhà sản xuất với khách hàng, rút ngắn chuỗi cung ứng và tăng cường khả năng cạnh tranh. Bằng sự linh hoạt, nhạy bén trong nắm bắt thị trường, anh Nguyễn Bá Toàn, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Đặc Sản Việt Nam – Dasavina đã thành công trong việc quảng bá sản phẩm, phát triển thương hiệu cá kho truyền thống xã Hòa Hậu (Lý Nhân) thông qua nền tảng số. Trong đó, tận dụng tối đa tiện ích của mạng xã hội để giới thiệu, quảng bá sản phẩm với cách thức mua hàng thuận tiện và thanh toán dễ dàng. Nhờ đó, việc bán hàng online có đóng góp lớn vào doanh thu của cơ sở.

Còn đối với chị Lan Anh, chủ cửa hàng kinh doanh hoa quả ở chợ truyền hình TP Phủ Lý, nếu như trước kia thu nhập của chị chủ yếu là từ việc đi chợ, bán hàng trực tiếp tại quầy thì nay, các mặt hàng chị bán đều được thường xuyên cập nhật, chia sẻ và đăng tải trên các trang mạng xã hội cá nhân. Chị Lan Anh chia sẻ: "Chỉ cần quay video, livestream, chụp ảnh, đưa các sản phẩm lên trang facebook, zalo cá nhân của mình, khách hàng có thể dễ dàng tìm kiếm, tiếp cận và chốt đơn online. Vì thế, tôi bán được nhiều hàng hơn, thu nhập cũng cao hơn so hẳn với việc bán hàng theo kiểu truyền thống như trước. Nhiều hôm bận việc, không mở cửa hàng thì tôi vẫn có thể bán hàng cho khách, rất thuận tiện”.

Một thực tế hiện nay, các hình thức làm việc từ xa; đặt xe taxi qua ứng dụng trên điện thoại; thanh toán trực tuyến các dịch vụ thiết yếu như: điện, nước, cước internet, viện phí, học phí; mua sắm online; khám chữa bệnh từ xa, học trực tuyến… ngày càng phổ biến trong xã hội. Công cuộc chuyển đổi số đã và đang diễn ra một cách mạnh mẽ và toàn diện, tác động sâu sắc đến mọi khía cạnh của cuộc sống và từng bước thay đổi các hoạt động hằng ngày của người dân từ cách chúng ta làm việc, học tập, giải trí đến cách chúng ta tương tác với nhau và với thế giới xung quanh.

Chuyển đổi số đồng bộ, toàn diện trên cả 3 trụ cột

Xác định chuyển đổi số là xu thế tất yếu, động lực tạo đột phá cho sự phát triển, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, thời gian qua, tỉnh Hà Nam đã quyết liệt chỉ đạo, triển khai đồng bộ các giải pháp để thực hiện công cuộc chuyển đổi số. Cùng với việc hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách, tạo môi trường pháp lý thuận lợi cho chuyển đổi số trên địa bàn, Hà Nam tăng cường đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật và các nền tảng số, dữ liệu số, phát triển các ứng dụng, dịch vụ tiện ích số; bảo đảm an toàn, an ninh thông tin mạng. Đồng thời, đẩy mạnh chuyển đổi số trên cả 3 trụ cột: Chính quyền số, kinh tế số, xã hội số.

Đến nay, hạ tầng số, đặc biệt là hạ tầng viễn thông được phát triển rộng khắp trên địa bàn tỉnh, cung cấp đầy đủ các dịch vụ, tạo điều kiện dễ dàng người dân, doanh nghiệp tiếp cận, sử dụng dịch vụ với giá cước rẻ và chất lượng ngày càng tăng. 100% các xã, phường, thị trấn có hạ tầng mạng cáp quang băng rộng đến tận thôn, tổ dân phố; 100% khu vực dân cư được phủ sóng thông tin di động 3G, 4G. Mạng 5G cũng đã bước đầu triển khai tại một số khu vực trung tâm thành phố Phủ Lý và một số địa phương trong tỉnh. Dự kiến năm 2025, sẽ phủ sóng 5G phạm vi toàn tỉnh. Tỷ lệ thuê bao sử dụng điện thoại thông minh đạt trên 90% tổng số thuê bao di động (bình quân cả nước là 84,8%). 

Người dân thực hiện dịch vụ công trực tuyến tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả huyện Kim Bảng

Một trong những điểm nhấn ở Hà Nam là đẩy mạnh phát triển chính quyền số: Các hệ thống thông tin, nền tảng số, ứng dụng dùng chung quy mô cấp tỉnh được khai thác vận hành ổn định. Với sự chỉ đạo quyết liệt, sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị, Hà Nam đã và đang triển khai hiệu quả hệ thống quản lý hệ thống văn bản và điều hành đảm bảo liên thông được 4 cấp chính quyền từ cấp xã, đến cấp huyện, tỉnh, Trung ương, phần mềm đã được tích hợp chữ ký số. Hiện, 100% các sở, ban, ngành, UBND huyện, thị xã, thành phố, UBND các xã, phường, thị trấn đã ứng dụng phần mềm vào công tác chỉ đạo, điều hành; ký số trên văn bản điện tử và gửi, nhận văn bản điện tử liên thông giữa các cơ quan trong tỉnh, liên thông với các bộ, ngành trung ương qua trục liên thông văn bản quốc gia. Tỷ lệ cán bộ, công chức từ cấp huyện trở lên thường xuyên sử dụng hệ thống thư điện tử trong công việc là 95%. Đã triển khai hệ thống phòng họp không giấy tờ tại trụ sở UBND tỉnh và UBND các huyện, thị xã, thành phố; triển khai hệ thống báo cáo kinh tế xã hội tỉnh Hà Nam kết nối với Hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ; duy trì hiệu quả hoạt động hệ thống hội nghị trực tuyến từ cấp Trung ương, tỉnh, huyện tới cấp xã mang lại hiệu quả cao trong công tác chỉ đạo điều hành và tiết kiệm thời gian, chi phí.

Trung tâm điều hành đô thị thông minh thành phố Phủ Lý được đưa vào vận hành, khai thác sử dụng, từng bước đáp ứng yêu cầu.

Trung tâm tích hợp dữ liệu của tỉnh, Trung tâm Điều hành thông minh (IOC) tỉnh đã đưa vào vận hành, khai thác sử dụng, từng bước đáp ứng yêu cầu. Nhiều hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu chuyên ngành như: Quản lý cấp phép lái xe; Quản lý khám chữa bệnh và thanh toán bảo hiểm y tế; Quản lý hộ tịch; Quản lý các đối tượng người có công; Cổng thông tin Du lịch và ứng dụng du lịch thông minh tỉnh Hà Nam; Hệ thống giám sát xe vận chuyển rác và khối lượng xử lý rác thải sinh hoạt trên địa bàn tỉnh Hà Nam… từng bước được xây dựng, khai thác, giúp nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước và cung cấp dịch vụ tiện ích cho người dân.

Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính tỉnh Hà Nam cung cấp tất cả các dịch vụ công đủ điều kiện lên trực tuyến toàn trình; cập nhật đầy đủ các thủ tục hành chính của tỉnh; công khai toàn bộ quy trình giải quyết, kết quả giải quyết. Đến nay, hệ thống cung cấp tổng số 1.736 bộ thủ tục hành chính. Trong đó: 1.172 dịch vụ trực tuyến toàn trình; 489 dịch vụ công trực tuyến một phần và 75 dịch vụ công khác. Năm 2023: Tỷ lệ giải quyết đúng và trước hạn đạt 97,42%; Tỷ lệ hồ sơ trực tuyến đạt 85,7%; thanh toán trực tuyến đạt 68,18%. Riêng 8 tháng đầu năm 2024, tỷ lệ nộp hồ sơ trực tuyến đạt 84,2%; tỷ lệ hồ sơ thanh toán trực tuyến đạt 76,1%; tỷ lệ hồ sơ thủ tục hành chính số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính đạt 93,4%; tỷ lệ hồ sơ cấp kết quả điện tử đạt 79,3%. Hà Nam xếp thứ 18/63 tỉnh, thành phố (xếp loại tốt); trong đó đứng tốp đầu cả nước về tỷ lệ hồ sơ trực tuyến toàn trình: 66,61% (trung bình cả nước đạt 17%). 

Cùng với "trụ cột" chính quyền số, việc đẩy mạnh chuyển đổi số trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội đã và đang được các cấp, ngành, địa phương, đơn vị ở Hà Nam tích cực triển khai, bước đầu đã đạt được những những kết quả khá ấn tượng.

Trong lĩnh vực y tế, 100% cơ sở khám chữa bệnh BHYT trên địa bàn triển khai khám chữa bệnh bằng CCCD gắn chip điện tử. Lĩnh vực giáo dục đã triển khai hệ thống phần mềm quản lý trường học, 100% thông tin học sinh trên địa bàn tỉnh được cấp mã số trên cơ sở dữ liệu giáo dục đào tạo được xác thực định danh với dữ liệu dịch vụ. Tỷ lệ dân số trưởng thành có tài khoản định danh điện tử đạt trên 94%...

Hà Nam đặt mục tiêu đến năm 2030, nằm trong nhóm 25 tỉnh, thành phố có chỉ số cao về chuyển đổi số. Phát triển kinh tế số, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, phấn đấu tỷ trọng kinh tế số chiếm 25-30% GRDP

Về kinh tế số, đến nay trên địa bàn tỉnh có trên 140 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghệ thông tin, điện tử viễn thông (tập trung tại thành phố Phủ Lý và các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh). Hằng năm, có gần 2.700 doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận, tham gia chương trình hỗ trợ chuyển đổi số cho doanh nghiệp nhỏ và vừa. Khoảng 2.800 doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh sử dụng nền tảng số. Tỉnh cũng đã triển khai 2 sàn thương mại điện tử chính (buudien.vn của Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam, sàn thương mại điện tử Hà Nam của Sở Công Thương). Theo Hệ thống theo dõi của Bộ Thông tin và Truyền thông (tmdt.mic.gov.vn), tính đến nay, Hà Nam có số giao dịch trên sàn: 15.362 giao dịch; số tài khoản hoạt động trên sàn: 92.811 tài khoản; số hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn: 69.747 hộ; số hộ sản xuất nông nghiệp được đào tạo kỹ năng số: 89.650 hộ; số sản phẩm được đưa lên sàn: 3.313 sản phẩm. Bên cạnh đó, 100% doanh nghiệp đang hoạt động tham gia sử dụng dịch vụ khai thuế điện tử; 99% doanh nghiệp của tỉnh đã nộp thuế điện tử với ngân hàng; 100% doanh nghiệp sử dụng hóa đơn điện tử.

Những nỗ lực chuyển đổi số trên cả 3 trụ cột chính quyền số, kinh tế số và xã hội số đã làm thay đổi nhận thức, cách làm truyền thống của cả hệ thống chính trị, doanh nghiệp và người dân trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, công cuộc chuyển đổi số tại Hà Nam hiện nay cũng đang phải đối mặt với nhiều thách thức trong quá trình thực hiện, như hạ tầng số, các nền tảng số chưa hoàn thiện, chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra; việc kết nối chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan đơn vị chưa hiệu quả; nhân lực về chuyển đổi số còn hạn chế…

Nghị quyết số 24-NQ/TU ngày 25/4/2022 của Tỉnh ủy về chuyển đổi số tỉnh Hà Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 xác định mục tiêu: Đến năm 2025, Hà Nam nằm trong nhóm 30 tỉnh, thành phố có chỉ số cao về chuyển đổi số. Phát triển kinh tế số, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, phấn đấu tỷ trọng kinh tế số chiếm 15-20% GRDP; tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt tối thiểu 10%; tốc độ tăng năng suất lao động xã hội hằng năm đạt trên 10,7%. Phát triển chính quyền số, nâng cao hiệu quả, hiệu lực hoạt động; Phát triển xã hội số, thu hẹp khoảng cách số… Đến năm 2030, nằm trong nhóm 25 tỉnh, thành phố có chỉ số cao về chuyển đổi số. Phát triển kinh tế số, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, phấn đấu tỷ trọng kinh tế số chiếm 25-30% GRDP; tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt tối thiểu 20%...

Với quyết tâm đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng các nền tảng công nghệ số vào mọi hoạt động, mọi lĩnh vực nhằm giúp người dân, doanh nghiệp tiếp cận, hưởng lợi từ dịch vụ công, tiện ích xã hội nhanh chóng, hiệu quả, thuận tiện hơn, Hà Nam đang tập trung tháo gỡ những khó khăn, nỗ lực đảm bảo lộ trình đã đề ra, góp phần thúc đẩy thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển KT-XH của tỉnh.

Thu Thảo


Theo hanamtv.vn

https://hanamtv.vn/ha-nam-thuc-day-chuyen-doi-so-de-nguoi-dan-doanh-nghiep-tiep-can-huong-loi-tu-dich-vu-cong-tien-ich-37607.html