Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Hà Nam triển khai thực hiện hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách đối với người nghèo và các đối tượng chín...

Thông tin tuyên truyền, phổ biến  
Hà Nam triển khai thực hiện hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác
Thời gian qua, được sự quan tâm của cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, hoạt động tín dụng chính sách xã hội đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn tỉnh Hà Nam đã thực sự đi vào cuộc sống. Tín dụng chính sách tạo điều kiện và khuyến khích hộ nghèo, hộ cận nghèo phấn đấu tự vươn lên thoát nghèo bền vững; trợ giúp người nghèo bằng cách cho vay vốn, hướng dẫn cách thức làm ăn.

Kết quả triển khai thực hiện tín dụng chính sách theo Nghị định số 78/2002/NĐ-CP ngày 04/10/2002 của Chính phủ về tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn tỉnh Hà Nam được đánh giá là “điểm sáng", là một trong những “trụ cột" trong chính sách, giải pháp về giảm nghèo bền vững, giải quyết việc làm, xây dựng nông thôn mới, bảo đảm an sinh xã hội, ổn định tình hình chính trị và phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.

Qua 20 năm triển khai, chính sách tín dụng ưu đãi đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác theo Nghị định số 78/2002/NĐ-CP của Chính phủ đã phát huy hiệu quả. Nguồn vốn tín dụng chính sách đã và đang được đầu tư đến đúng đối tượng thụ hưởng, mang lại hiệu quả thiết thực cho các hộ nghèo và đối tượng chính sách được vay vốn ở tất cả các thôn, tổ dân phố trong toàn tỉnh.

Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Hà Nam đã giải ngân số tiền hơn 8.300 tỷ đồng cho hơn 417.000 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách được vay vốn. Từ nguồn vốn trên đã góp phần giúp cho hơn 75.000 hộ vượt qua ngưỡng nghèo; tạo việc làm cho hơn 31.0000 lao động, trong đó có hơn 1.100 lao động được vay vốn đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài; tạo điều kiện cho hơn 50.000 học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn đi học tại các trường đại học, cao đẳng và trung học chuyên nghiệp; góp phần xây dựng, cải tạo được gần 270.000 công trình nước sạch và công trình vệ sinh; hỗ trợ xây dựng, cải tạo gần 4.000 căn nhà cho hộ nghèo và đối tượng chính sách; hỗ trợ 49 lượt doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 vay vốn để trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất cho gần 5.350 lượt người lao động; giúp 1.570 lượt hộ gia đình vay vốn để mua máy vi tính, thiết bị đủ điều kiện học tập trực tuyến; 23 trường, cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học ngoài công lập được vay vốn mua sắm thiết bị, sửa chữa cơ sở vật chất…

 Từ 02 chương trình tín dụng nhận bàn giao với mục đích cho vay để đầu tư sản xuất kinh doanh, tạo công ăn việc làm, đến nay, chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Hà Nam đang thực hiện cho vay 12 chương trình tín dụng (tăng 10 chương trình tín dụng so với năm 2002) cho vay mở rộng sang cả lĩnh vực phục vụ đời sống, như: cho vay để trang trải chi phí, mua sắm thiết bị phục vụ học tập, xây dựng nhà ở, công trình nước sạch, vệ sinh môi trường.  

 Những kết quả nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội đem lại và những đóng góp quan trọng của Ngân hàng Chính sách xã hội trong thời gian qua đã được lãnh đạo tỉnh biểu dương và đánh giá cao. Trong điều kiện nguồn lực của tỉnh còn khó khăn thì nguồn vốn tín dụng xã hội là một trong những nguồn lực quan trọng đối với công tác giảm nghèo của tỉnh.  

Thời gian tới, cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp cần nêu cao hơn nữa vai trò lãnh đạo chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ chính sách tín dụng xã hội. Tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội, Nghị định 78/2002/NĐ-CP của Chính phủ và Chỉ thị số 06-CT/TU ngày 07/9/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Hà Nam về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội. Các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể phải xác định nguồn tín dụng chính sách xã hội là một kênh dẫn vốn, một nguồn lực quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Trong quá trình tổ chức thực hiện cần có sự phối kết hợp chặt chẽ giữa Ngân hàng Chính sách xã hội với các tổ chức chính trị - xã hội, các địa phương, bảo đảm nguồn vốn giải ngân đúng đối tượng và phát huy tốt hiệu quả. Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh cần bám sát vào chỉ đạo của Trung ương và nhiệm vụ, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, chủ động phối hợp các sở, ngành chức năng và các huyện, thị xã, thành phố triển khai thực hiện tốt các đề án hỗ trợ vốn tín dụng chính sách của tỉnh; chủ động tổ chức, huy động có hiệu quả các nguồn vốn từ các tổ chức, cá nhân gửi tiền vào Ngân hàng Chính sách xã hội để bổ sung nguồn vốn cho vay; phối hợp chặt chẽ với các ngành và hội đoàn thể liên quan triển khai có hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách trên địa bàn tỉnh; bảo đảm hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác có nhu cầu, đủ điều kiện đều được vay vốn tín dụng chính sách để phát triển kinh tế./.

TD​