Skip Ribbon Commands
Skip to main content

HĐND tỉnh Hà Nam tiếp tục phiên họp buổi chiều ngày làm việc thứ nhất

Tin tức - Sự kiện Tin tổng hợp  
HĐND tỉnh Hà Nam tiếp tục phiên họp buổi chiều ngày làm việc thứ nhất
Chiều ngày 05/12/2023, dưới sự chủ trì của đồng chí Lê Thị Thủy - Ủy viên Trung ương Đảng - Bí thư Tỉnh ủy - Chủ tịch HĐND tỉnh, kỳ họp thứ 16 HĐND tỉnh khóa XIX tiếp tục chương trình làm việc.

Dự phiên họp còn có các đồng chí: Đinh Thị Lụa - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; Trương Quốc Huy - Phó Bí thư Tỉnh ủy - Chủ tịch UBND tỉnh - Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; Đặng Thanh Sơn - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy -Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh; Bùi Văn Hoàng - Tỉnh ủy viên - Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy; phó Chủ tịch UBND tỉnh; Thường trực Ủy ban Mặt trận tổ quốc (MTTQ) tỉnh; đại biểu HĐND tỉnh khoá XIX…

 IMG_2718.jpg

Chủ tọa phiên họp

Trong phiên họp buổi chiều, HĐND tỉnh đã thực hiện quy trình miễn nhiệm Ủy viên UBND tỉnh nhiệm kỳ 2021 - 2026. Theo đó, 100% các đại biểu HĐND tỉnh có mặt đã nhất trí về việc miễn nhiệm chức danh Ủy viên UBND tỉnh nhiệm kỳ 2021 - 2026 đối với đồng chí Lường Văn Thắng - Nguyên Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy - Nguyên Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh.

IMG_2697.jpg 

​Bí thư Tỉnh ủy - Chủ tịch HĐND tỉnh Lê Thị Thủy phát biểu tại phiên họp

Phiên họp đã thực hiện quy trình lấy phiếu tín nhiệm đối với những người giữ chức vụ do HĐND tỉnh bầu nhiệm kỳ 2021-2026. Phát biểu chỉ đạo nội dung này, Bí thư Tỉnh ủy - Chủ tịch HĐND tỉnh Lê Thị Thủy nhấn mạnh: Việc lấy phiếu tín nhiệm đối với những người được HĐND tỉnh bầu là phương thức giám sát rất quan trọng, thể hiện sự ghi nhận, đánh giá của HĐND tỉnh đối với sự nỗ lực, cố gắng và kết quả công tác từ đầu nhiệm kỳ đến nay của người được lấy phiếu tín nhiệm. Bí thư Tỉnh ủy đề nghị, trên cơ sở báo cáo của người được lấy phiếu tín nhiệm đã được gửi tới từng đại biểu HĐND tỉnh và lắng nghe ý kiến của cử tri, cùng với thực tiễn theo dõi, giám sát của mình, mỗi đại biểu HĐND tỉnh phát huy cao tinh thần trách nhiệm, đánh giá công tâm, khách quan và chính xác trong phiếu tín nhiệm đối với từng chức danh do HĐND tỉnh bầu gồm: Chủ tịch HĐND, Phó Chủ tịch HĐND, Trưởng các Ban của HĐND tỉnh; Chủ tịch UBND, Phó Chủ tịch UBND và các Ủy viên UBND tỉnh.

z4945049441128_474f92ce36b9.jpg

Đại biểu biểu quyết thông qua Tờ trình về danh sách những người được lấy phiếu tín nhiệm tại kỳ họp

Việc lấy phiếu tín nhiệm được thực hiện theo đúng quy trình các bước: HĐND tỉnh thông qua Tờ trình về danh sách gồm 26 người được lấy phiếu tín nhiệm; đồng thời tiến hành thảo luận Tổ về việc lấy phiếu tín nhiệm. Theo đó, các đại biểu tập trung thảo luận về: Công tác lãnh đạo, chỉ đạo triển khai, chuẩn bị lấy phiếu tín nhiệm; việc thực hiện báo cáo của người được lấy phiếu tín nhiệm; đánh giá việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ cũng như phẩm chất, đạo đức, lối sống, việc chấp hành hiến pháp, pháp luật của người được HĐND tỉnh bầu... Sau thảo luận ở tổ, Thường trực HĐND tỉnh tổng hợp và Báo cáo kết quả thảo luận tổ về việc lấy phiếu tín nhiệm; bầu Ban kiểm phiếu, tiến hành lấy phiếu, kiểm phiếu tín nhiệm; thông qua Nghị quyết về xác nhận kết quả lấy phiếu tín nhiệm. Kết quả tổng hợp lấy phiếu tín nhiệm sẽ được báo cáo, trình HĐND tỉnh thông qua vào đầu giờ sáng ngày 06/12/2023.

IMG_2748.jpg 

 IMG_2738.jpg
IMG_2734.jpg

Đại biểu thảo luận tại các tổ

 Tiếp đó, HĐND tỉnh tiếp tục chia tổ thực hiện nội dung thảo luận tổ về các báo cáo, tờ trình, dự thảo nghị quyết trình tại kỳ họp. Theo đó, tại 03 tổ thảo luận, các đại biểu HĐND tỉnh đã tập trung cho ý kiến về các báo cáo, tờ trình, dự thảo nghị quyết trình kỳ họp gồm: Kết quả thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, thu chi ngân sách, quốc phòng - an ninh, cải cách hành chính, phòng chống tham nhũng, tiêu cực; công tác tiếp dân, giải quyết đơn thư khiếu nại tố cáo của công dân; công tác điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án năm 2023: Phân tích kỹ nguyên nhân kết quả đã đạt được (nguyên nhân khách quan, chủ quan).

Về các tồn tại, hạn chế, đề nghị các đại biểu thảo luận, phân tích kỹ, chỉ ra nguyên nhân nhất là nguyên nhân chủ quan, trong đó tập trung vào các tồn tại sau: Còn 03 chỉ tiêu không đạt kế hoạch đề ra (Tổng sản phẩm trong tỉnh - tốc độ tăng trưởng; GRDP bình quân đầu người; Thu cân đối ngân sách); tiến độ hoàn thiện Quy hoạch tỉnh và các quy hoạch, các dự án và công tác giải ngân vốn đầu tư công còn chậm; hoạt động sản xuất - kinh doanh của các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, số doanh nghiệp thành lập mới giảm, nhưng số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động hoặc thu hẹp sản xuất - kinh doanh tăng so với cùng kỳ; việc thực hiện một số cơ chế chính sách liên quan đến phát triển sản xuất nông nghiệp chưa kịp thời; hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về đất đai, môi trường còn hạn chế...

Đại biểu cũng thảo luận về phương hướng, mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh năm 2024; việc giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri, công tác tiếp dân, giải quyết đơn thư khiếu kiện của công dân; đánh giá kỹ tình hình triển khai thực hiện các cơ chế, chính sách do HĐND tỉnh đã ban hành, nhất là những cơ chế, chính sách chưa phát huy được hiệu quả, việc tổ chức thực hiện còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc (như các cơ chế trong lĩnh vực nông nghiệp,...); công tác cải cách hành chính nhất là cải cách thủ tục hành chính.

Đối với các tờ trình, dự thảo nghị quyết trình kỳ họp, các đại biểu tập trung làm rõ sự cần thiết ban hành nghị quyết; về nội dung từng dự thảo nghị quyết; sự phù hợp với quy định của pháp luật và điều kiện thực tế, khả năng cân đối nguồn lực của tỉnh. Cụ thể, về lĩnh vực kế hoạch - đầu tư: Các giải pháp khả thi để đảm bảo nguồn vốn đầu tư công năm 2024 từ nguồn thu tiền sử dụng đất (dự kiến 5.800 tỷ).

Về kế hoạch đầu tư công, phê duyệt chủ trương dự án đầu tư công, nhiều đại biểu làm rõ những nội dung: Bám sát Luật đầu tư công, sự cần thiết của dự án và khả năng cân đối nguồn vốn, bảo đảm đúng nguyên tắc và quy định việc bố trí vốn; việc kéo dài thời gian bố trí vốn đối với từng dự án đã bảo đảm quy định chưa? Đối với việc kéo dài thời gian bố trí vốn đối với các dự án có hiệu quả kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng đã đảm bảo chủ trương theo Thông báo số 392 ngày 26/7/2022 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh chưa?.

Về lĩnh vực tài chính - ngân sách, đại biểu tập trung thảo luận mục tiêu và giải pháp để đảm bảo nguồn thu ngân sách năm 2024.

Về lĩnh vực đất đai, đại biểu đã thảo luận, đánh giá tiến độ và hiệu quả thực hiện các dự án đã đưa vào danh mục HĐND tỉnh thông qua thời gian qua; Danh mục các dự án chuyển tiếp sang năm 2024 đã bảo đảm quy định chưa? Danh mục các dự án thu hồi, chuyển mục đích sử dụng đất năm 2024 đã bảo đảm các quy định của pháp luật chưa?

Về cơ chế, chính sách, đại biểu thảo luận về giá sản phẩm, dịch vụ công ích thủy lợi phí đã đảm bảo quy định của pháp luật, phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương chưa? Về việc quy định chức danh, mức phụ cấp, mức hỗ trợ với cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố theo Nghị định số 33/2023/NĐ-CP ngày 10/6/2023 của Chính phủ đã đảm bảo quy định, sát với thực tiễn, điều kiện ngân sách của tỉnh chưa?  Về việc tạm giao, giao biên chế, số lượng cán bộ công chức, người làm việc tại các đơn vị, các ngành năm 2024: Đã đảm bảo căn cứ, cơ sở và phù hợp điều kiện thực tế chưa?

Ngày 06/12/2023, kỳ họp thứ 16 HĐND tỉnh khóa XIX, nhiệm kỳ 2021 -2026 tiếp tục chương trình làm việc./.

Nga - Hậu