Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Hội nghị báo cáo kết quả chỉ số năng lực cạnh tranh năm 2021 và triển khai nhiệm vụ, giải pháp cải thiện chỉ số năng ...

Tin tức - Sự kiện Tin tổng hợp  
Hội nghị báo cáo kết quả chỉ số năng lực cạnh tranh năm 2021 và triển khai nhiệm vụ, giải pháp cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh năm 2022
Sáng ngày 24/8/2022, tại Nhà Văn hóa trung tâm tỉnh, Tỉnh ủy - HĐND - UBND tỉnh tổ chức hội nghị nghe báo cáo kết quả chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2021 và triển khai nhiệm vụ, giải pháp cải thiện PCI tỉnh Hà Nam năm 2022.

DSC_2661.jpg

Các đại biểu dự hội nghị

 Dự hội nghị có bà Lê Thị Thuỷ - Uỷ viên Trung ương Đảng - Bí thư Tỉnh uỷ - Chủ tịch HĐND tỉnh; ông Trương Quốc Huy - Phó Bí thư Tỉnh uỷ - Chủ tịch UBND tỉnh - Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; Tiến sỹ Đậu Anh Tuấn - Phó Tổng Thư ký Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI); Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ; Thường trực HĐND tỉnh; lãnh đạo UBND tỉnh; Uỷ viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh; lãnh đạo: Các sở, ban, ngành, huyện, thị xã, thành phố, các hội, Hiệp hội doanh nghiệp cùng đại diện của 100 doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh…

 DSC_2665.jpg
​Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Xuân Dưỡng trình bày báo cáo tại hội nghị

Năm 2021, kết quả xếp hạng chỉ số PCI tỉnh Hà Nam đạt 63,28 điểm, giảm 0,19 điểm so với năm 2020, xếp thứ 42/63 tỉnh, thành phố, giảm 12 bậc so với năm 2020, xếp thứ 9/11 tỉnh Đồng bằng sông Hồng và nằm trong nhóm điều hành trung bình của cả nước. Trong 10 chỉ số thành phần, có 03 chỉ số tăng điểm và tăng thứ hạng so với năm 2020 (Chỉ số Tiếp cận đất đai, Tính minh bạch, Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp); 01 chỉ số Cạnh tranh bình đẳng giảm điểm, tăng thứ hạng; 01 chỉ số Chi phí không chính thức tăng điểm, giảm thứ hạng; 01 chỉ số Chi phí thời gian giảm điểm nhưng vẫn giữ nguyên thứ hạng; 04 chỉ số giảm điểm, giảm thứ hạng (Chỉ số Gia nhập thị trường, Tính năng động và tiên phong của chính quyền, Đào tạo lao động, Thiết chế pháp lý và an ninh trật tự).

Năm 2022, Hà Nam tập trung duy trì và phát huy những chỉ số thành phần tăng điểm, cải thiện mạnh mẽ những thành phần giảm điểm và có thứ hạng thấp như: Chỉ số gia nhập thị trường, chi phí thời gian, chi phí không chính thức, cạnh tranh bình đẳng...; phấn đấu đưa chỉ số PCI của tỉnh tăng từ 8 - 12 bậc so với năm 2020.

 DSC_2672.jpg
​Tiến sỹ Đậu Anh Tuấn - Phó Tổng Thư ký Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam  phát biểu tại hội nghị

Phát biểu tại hội nghị, Tiến sỹ Đậu Anh Tuấn - Phó Tổng Thư ký Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đã đánh giá kết quả xếp hạng PCI của các địa phương trong cả nước năm 2021; phân tích các lợi thế, yếu tố tác động đến từng chỉ số thành phần trong chỉ số PCI; kinh nghiệm, cách làm hay của các địa phương đứng đầu bảng xếp hạng PCI; vai trò, tầm quan trọng của chỉ số PCI đối với sự phát triển kinh tế - xã hội; phân tích, đánh giá thứ hạng PCI của tỉnh Hà Nam năm 2021; trên cơ sở đó đề xuất một số giải pháp để giúp Hà Nam nâng cao chỉ số PCI trong năm 2022 và những năm tiếp theo. Trong đó, các nhóm giải pháp được khuyến nghị như: Nâng cao chất lượng giải quyết thủ tục hành chính trực tuyến; hạn chế tối đa tình trạng doanh nghiệp phải chi trả những chi phí không chính thức; tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp khi thực hiện thủ tục hành chính về cấp phép kinh doanh có điều kiện; tiếp tục giảm thiểu gánh nặng thanh tra, kiểm tra; nâng cao hiệu quả công tác đào tạo nghề, cải thiện chất lượng nguồn lao động, nhất là lao động có trình độ, kỹ thuật cao; tăng cường hiệu quả thực thi các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp trong khuôn khổ Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa…

Tham luận tại hội nghị, lãnh đạo các sở, ngành, Hiệp hội doanh nghiệp cũng đã phân tích, chỉ rõ những tồn tại, hạn chế trong thực hiện chỉ số PCI năm 2021, đề xuất các giải pháp thực hiện để đạt mục tiêu đề ra.

DSC_2689.jpg 

Chủ tịch UBND tỉnh Trương Quốc Huy phát biểu kết luận hội nghị

Phát biểu kết luận hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Trương Quốc Huy yêu cầu các sở, ban, ngành, địa phương, đơn vị tập trung thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp: Nâng cao vai trò trách nhiệm của người đứng đầu trong xử lý, ngăn chặn tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp trong giải quyết công việc. Người đứng đầu các cấp, các ngành phải năng động, tiên phong trong thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ, đồng hành cùng doanh nghiệp nhằm tạo môi trường kinh doanh thông thoáng, minh bạch để các nhà đầu tư và doanh nghiệp yên tâm đầu tư, phát triển sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh. Thường xuyên rà soát, nâng cao chất lượng đội ngũ công chức, viên chức làm việc tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh và tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của địa phương. Tích cực triển khai thực hiện chính quyền số để nâng cao chất lượng, hiệu quả phục vụ người dân và doanh nghiệp; thực hiện thủ tục cải cách hành chính trên môi trường điện tử nhằm tiết kiệm chi phí và giảm thiểu thời gian đi lại cho người dân và doanh nghiệp; sử dụng có hiệu quả các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 trên Cổng dịch vụ công và Hệ thống thông tin một cửa điện tử của tỉnh và Cổng dịch vụ công quốc gia. Đổi mới và nâng cao chất lượng nội dung đối thoại giữa chính quyền và doanh nghiệp; nâng cao hiệu quả phối hợp trong công tác giải quyết khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp; gắn trách nhiệm của người đứng đầu địa phương, cơ quan, đơn vị trong việc tổ chức đối thoại, xử lý, tháo gỡ kịp thời vướng mắc phát sinh của doanh nghiệp. Đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp; thực hiện có hiệu quả chương trình trợ giúp pháp lý, hỗ trợ doanh nghiệp bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp theo quy định của pháp luật; xây dựng môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, bình đẳng, minh bạch trong đó chú trọng việc công khai, minh bạch các quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành, lĩnh vực, nhất là quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng, định hướng thu hút đầu tư. Thường xuyên rà soát, đề xuất với cơ quan có thẩm quyền sửa đổi bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật chưa phù hợp; cụ thể hóa thành các cơ chế chính sách của tỉnh để phát huy các tiềm năng lợi thế, tạo môi trường hấp dẫn thúc đẩy thu hút đầu tư, xây dựng đồng bộ hạ tầng khu, cụm công nghiệp; hỗ trợ các thành phần kinh tế phát triển; tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong việc tiếp cận và áp dụng các chính sách ưu đãi đầu tư đảm bảo bình đẳng giữa các doanh nghiệp, nhất là các chính sách ưu đãi về thuế, đất đai.... Thực hiện tốt công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, tạo mọi điều kiện tốt nhất để nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án; khuyến khích Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh nghiên cứu, tìm hiểu các cơ chế, chính sách của Nhà nước và của tỉnh để tham gia đóng góp xây dựng cơ chế, chính sách phát triển doanh nghiệp theo quy định pháp luật và phù hợp điều kiện thực tế ở địa phương. Thực hiện nghiêm công tác thanh tra, kiểm tra không quá 01 lần trong năm đối với doanh nghiệp; tăng cường chỉ đạo công tác đảm bảo an ninh trật tự tại các khu, cụm công nghiệp để các doanh nghiệp yên tâm đầu tư vào hoạt động sản xuất kinh doanh tại tỉnh. Các Hội, Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành, địa phương trong việc tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước đến với doanh nghiệp; hướng dẫn cho doanh nghiệp khi tham gia đánh giá chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh phải nắm rõ nội dung được hỏi, phân công người có trách nhiệm, hiểu biết để trả lời đầy đủ, chính xác, kịp thời và khách quan, trung thực./.