Dự hội nghị có ông Phạm Sỹ Lợi - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ - Chủ tịch HĐND tỉnh; ông Nguyễn Xuân Đông - Phó Bí thư Tỉnh ủy - Chủ tịch UBND tỉnh; ông Trương Minh Hiến - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy - Phó Chủ tịch UBND tỉnh; ông Trương Quốc Huy - Tỉnh ủy viên - Phó Chủ tịch UBND tỉnh; ông Đậu Anh Tuấn - Trưởng Ban Pháp chế VCCI, Giám đốc Dự án PCI Việt Nam; lãnh đạo một số sở, ban, ngành; lãnh đạo các huyện, thành phố, ngân hàng, doanh nghiệp…
Báo cáo kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh năm 2017 và 6 tháng đầu năm 2018, tình hình cải thiện môi trường kinh doanh và giải quyết kiến nghị của DN trên địa bàn tỉnh Hà Nam nêu rõ: Cùng với tình hình kinh tế, xã hội cơ bản ổn định và phát triển, hoạt động sản xuất kinh doanh của DN vẫn được duy trì và có bước tăng trưởng. Năm 2017, Hà Nam có 626 DN thành lập mới, tăng 28% so với năm 2016. 6 tháng đầu năm 2018, Hà Nam có 294 DN thành lập mới, bằng 93% so với cùng kỳ năm 2017. Tổng vốn đăng ký 2.825 tỷ đồng. Công tác thu hút đầu tư được duy trì. Lũy kế đến ngày 20/6/2018, toàn tỉnh có 792 dự án đầu tư còn hiệu lực với tổng số vốn đăng ký trên 2.600 triệu USD và hơn 103.400 tỷ đồng. Năm 2017, Hà Nam thu hút được 105 dự án đầu tư, 6 tháng đầu năm 2018 thu hút được 54 dự án. Cũng trong năm 2017 và những tháng đầu năm 2018, Hà Nam có 73 dự án đã hoàn thành đầu tư xây dựng và đi vào hoạt động sản xuất kinh doanh, góp phần duy trì tốc độ tăng trưởng ngành công nghiệp. Chỉ số sản xuất công nghiệp của tỉnh tăng 12,9% trong năm 2017 và tăng 21,1% trong 6 tháng đầu năm 2018. Số DN kinh doanh có lãi là trên 1.300 DN, doanh thu bình quân đạt 32,5 tỷ đồng/DN. Năm 2017, các DN nộp ngân sách trên 4.900 tỷ đồng; 6 tháng đầu năm là trên 2.500 tỷ đồng. Cộng đồng DN đã tích cực hưởng ứng tham gia các hoạt động an sinh xã hội, tạo thêm hàng nghìn chỗ làm việc mới cho lao động địa phương.
Hội nghị cũng nghe đại diện Ban pháp chế VCCI phân tích, đánh giá chỉ số PCI của Hà Nam năm 2017 và khuyến nghị cải thiện, nâng cao PCI của tỉnh thời gian tới. Theo kết quả xếp hạng, chỉ số PCI năm 2017 tỉnh Hà Nam đạt 61,97 điểm, xếp thứ 53/63 tỉnh, thành phố trong cả nước và đứng thứ 7/11 tỉnh trong khu vực đồng bằng sông Hồng. Từ đó những khuyến nghị đưa ra để nâng cao chỉ số PCI của Hà Nam thời gian tới là: Quan tâm về chỉ số tiếp cận đất đai; chỉ số tính năng động của chính quyền tỉnh, cải cách mạnh mẽ hơn nữa thủ tục hành chính, nâng cao tính minh bạch, giảm chi phí không chính thức và tăng chỉ số cạnh tranh bình đẳng.
Cũng tại hội nghị, đại diện Hiệp hội DN tỉnh cũng báo cáo tổng hợp những khó khăn, vướng mắc và đề xuất, kiến nghị của DN với lãnh đạo tỉnh và các sở, ngành có liên quan tập trung vào đề nghị: Tỉnh cho phép DN thay đổi cách thức khai thác khoáng sản, sự cố cắt điện không thông báo, đầu mối cung cấp thông tin 2 chiều; hỗ trợ lãi suất vay, năng lực quản trị DN, quảng bá thị trường tiêu thụ, cần hỗ trợ năng lực quản trị DN; tỉnh chỉ đạo chỉ thanh tra 1 lần tại DN; xã hội hóa một số lĩnh vực từ tỉnh quản lý chuyển sang DN để nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ.
Tại buổi đối thoại, đại diện các DN đã đề xuất tỉnh hỗ trợ xây dựng khu nhà ở cho công nhân lao động tại khu công nghiệp (KCN) Châu Sơn. Nhiều ý kiến cũng bày tỏ mong muốn tỉnh hỗ trợ hạ tầng KCN như: Thoát nước, hạ tầng công trình phúc lợi để công nhân có chỗ ở ổn định yên tâm làm việc; xem xét chế độ bảo hiểm xã hội cho người lao động; bố trí và cử cán bộ có trình độ hướng dẫn DN trong các thủ tục đầu tư, tránh tình trạng gây phiền hà và kéo dài; có chính sách hỗ trợ đền bù giải phóng mặt bằng; vấn đề quy hoạch các điểm đấu nối giao thông để tạo thuận lợi cho DN trong hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa; tình trạng điện, giao thông, hỗ trợ đấu nối hạ tầng phục vụ các DN trong cụm CN; bố trí nguồn vốn trả nợ cho DN đã ứng ra thực hiện các dự án; tiếp tục cải cách hành chính; có chế độ hỗ trợ cụ thể cho các DN sản xuất kinh doanh; giải pháp nâng cao tác phong công nghiệp cho người lao động; chính sách thu hút nguồn lao động chất lượng; giá nước ngầm thay đổi liên tục trong 5 năm qua cộng với tiền cấp quyền khai thác nước tăng đã gây khó cho DN.
Tại hội nghị, lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo các sở, ngành, cơ quan, đơn vị đã trực tiếp giải đáp ý kiến, kiến nghị của đại diện các DN. Đồng thời đưa ra một số giải pháp khắc phục những khó khăn cho DN như: Phối hợp chặt chẽ giải quyết các thủ tục đầu tư; tiếp tục thực hiện tốt 10 cam kết của tỉnh; quan tâm cập nhật kịp thời những chính sách mới, văn bản luật có liên quan, nhất là chính sách liên quan đến các ngành.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ - Chủ tịch HĐND tỉnh Phạm Sỹ Lợi ghi nhận những ý kiến thẳng thắn, trách nhiệm của các DN. Đó cũng là những tồn tại, hạn chế cần được tỉnh nghiêm túc nhìn nhận để tháo gỡ vướng mắc, tạo niềm tin cho DN yên tâm sản xuất kinh doanh. Những nhóm vấn đề DN nêu cũng nằm trong những nỗ lực để cải thiện môi trường đầu tư của tỉnh. Quan điểm của tỉnh là phát triển luôn đi đôi với tiết kiệm đất đai và bảo vệ môi trường. Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ cũng giải đáp băn khoăn, thắc mắc của doanh nghiệp. Đồng thời nhấn mạnh phương châm của Hà Nam là quan tâm đến cả các DN nhỏ, kêu gọi DN đầu tư vào lĩnh vực hạ tầng các cụm CN, tỉnh sẽ có cơ chế hợp lý khuyến khích các DN vào đầu tư. Từng nhóm ý kiến đã được trực tiếp giải đáp cụ thể, sát với thực tế, làm rõ trách nhiệm của các cấp, các ngành và bản thân mỗi DN cùng đồng hành với tỉnh thực hiện trách nhiệm sản xuất, kinh doanh theo pháp luật, an sinh xã hội và bảo vệ môi trường, tạo sự phát triển bền vững của cộng đồng DN và của tỉnh.
Kết luận hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Xuân Đông yêu cầu các sở, ngành, các địa phương, đơn vị liên quan có sự phối hợp chặt chẽ, thực hiện trách nhiệm của mình tiếp thu ý kiến của các DN để kịp thời điều chỉnh, có giải pháp tháo gỡ khó khăn để các DN yên tâm đầu tư. Trong đó nhấn mạnh đến một số nội dung: Tiếp tục thực hiện hiệu quả các chương trình, kế hoạch của UBND tỉnh thực hiện Nghị quyết 35/NQ-CP, Nghị quyết 19-2018/NQ-CP của Chính phủ, Chỉ thị 06-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ; chương trình hành động nâng cao chỉ số PCI tỉnh Hà Nam giai đoạn 2016 - 2020; tiếp nhận giải quyết kịp thời, dứt điểm các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp trong phạm vi ngành, lĩnh vực địa bàn quản lý...; thường xuyên rà soát công khai minh bạch thông tin về cơ chế, chính sách, các quy hoạch của tỉnh đến các doanh nghiệp. Sở Kế hoạch và Đầu tư theo dõi, đôn đốc giải quyết kiến nghị của doanh nghiệp theo thẩm quyền của các sở, ngành, UBND huyện, thành phố; định kỳ tổng hợp báo cáo kết quả về UBND tỉnh.
Dưới đây là một số hình ảnh tại hội nghị:
Đại biểu dự hội nghị
Chủ tọa hội nghị
Doanh nghiệp phát biểu ý kiến tại hội nghị
Ông Phạm Sỹ Lợi - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ
- Chủ tịch HĐND tỉnh phát biểu chỉ đạo tại hội nghị
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Xuân Đông phát biểu kết luận hội nghị