Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Hội nghị giao ban Thường trực HĐND tỉnh với Thường trực HĐND các huyện, thị xã, thành phố lần thứ tư, nhiệm kỳ 2021 -...

Tin tức - Sự kiện Tin tổng hợp  
Hội nghị giao ban Thường trực HĐND tỉnh với Thường trực HĐND các huyện, thị xã, thành phố lần thứ tư, nhiệm kỳ 2021 - 2026
Sáng ngày 14/3/2023, Thường trực HĐND tỉnh giao ban lần thứ tư, nhiệm kỳ 2021 - 2026  với Thường trực HĐND các huyện, thị xã, thành phố.

IMG_0023.jpg

Các đại biểu dự hội nghị

Dự hội nghị có bà Lê Thị Thủy - Ủy viên Trung ương Đảng - Bí thư Tỉnh ủy - Chủ tịch HĐND tỉnh; Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy; Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; lãnh đạo Uỷ ban Mặt trận tổ quốc tỉnh; tổ trưởng tổ đại biểu HĐND tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành, các ban HĐND tỉnh; Chủ tịch, Phó Chủ tịch HĐND các huyện, thị xã, thành phố...

IMG_0037.jpg

Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Bùi Văn Hoàng trình bày báo cáo tại hội nghị

Tại hội nghị, các đại biểu đã được thông qua báo cáo đề dẫn chủ đề thảo luận “Kinh nghiệm và giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động giám sát chuyên đề của HĐND". Theo đó, thời gian qua, HĐND tỉnh, HĐND các huyện, thị xã, thành phố đã tích cực đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động, trong đó có việc triển khai hoạt động giám sát chuyên đề. Được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy các cấp, hoạt động giám sát chuyên đề của HĐND tỉnh, HĐND cấp huyện được tăng cường và triển khai thực hiện ngày càng hiệu quả, thực chất, với nhiều đổi mới trong phương thức tiến hành như lựa chọn nội dung, lĩnh vực giám sát, cách thức tổ chức, trong đó tăng cường khảo sát, kiến nghị, giám sát cụ thể và có giá trị đối với công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của cấp ủy, chính quyền địa phương. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, HĐND tỉnh, Thường trực, các ban của HĐND tỉnh, Thường trực, các ban của HĐND cấp huyện đã triển khai 84 cuộc giám sát chuyên đề, tập trung trên nhiều lĩnh vực như: Việc triển khai thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội; thực hiện một số cơ chế, chính sách do HĐND ban hành; công tác cải cách hành chính, quản lý biên chế, cán bộ công chức, sắp xếp tổ chức bộ máy; một số vấn đề cử tri và Nhân dân quan tâm (chất lượng nước sạch, tiến độ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất…); phối hợp triển khai các hoạt động giám sát chuyên đề theo đề nghị của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội với những nội dung chuyên sâu, phạm vi tác động rộng, cơ bản đã đáp ứng yêu cầu giám sát về tiến độ, chất lượng, hiệu quả. Thông qua hoạt động giám sát đã đánh giá tính khả thi, hiệu quả của các cơ chế, chính sách, cũng như kịp thời phát hiện những hạn chế, bất cập để đưa ra kiến nghị bổ sung, hoàn thiện, làm cơ sở cho việc quyết định các vấn đề quan trọng của địa phương. Kết quả hoạt động giám sát bước đầu đã làm chuyển biến cả về nhận thức và trách nhiệm của các cấp, các ngành, qua đó, UBND tỉnh, các sở, ngành, địa phương đã và đang tập trung rà soát tổng thể tình hình và các thông tin, số liệu có liên quan; tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện chính sách, pháp luật; đồng thời, ban hành kế hoạch, giải pháp để chấn chỉnh, khắc phục ngay các tồn tại, hạn chế theo kiến nghị của các đoàn giám sát.

IMG_0089.jpg

Bí thư Tỉnh ủy - Chủ tịch HĐND tỉnh Lê Thị Thủy phát biểu kết luận hội nghị

Phát biểu kết luận hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy - Chủ tịch HĐND tỉnh Lê Thị Thủy đề nghị: Trong thời gian tới, để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động giám sát chuyên đề của HĐND tỉnh và HĐND các huyện, thị xã, thành phố, các địa phương, đơn vị tiếp tục quán triệt, nghiên cứu, triển khai thực hiện nghiêm Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND, Nghị quyết số 594/NQ-UBTVQH15 ngày 12/9/2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về hướng dẫn hoạt động giám sát của HĐND, Thường trực HĐND, các Ban của HĐND, Tổ đại biểu HĐND và đại biểu HĐND. HĐND, Thường trực HĐND, các ban của HĐND, các tổ đại biểu HĐND tiếp tục phát huy vai trò, trách nhiệm, thực hiện tốt nhiệm vụ giám sát thường xuyên, giám sát chuyên đề nhằm bảo đảm việc tuân thủ Hiến pháp, pháp luật và thực hiện Nghị quyết của HĐND tỉnh. Trong đó, đối với hoạt động giám sát chuyên đề, xác định rõ mục đích giám sát; đánh giá thực trạng áp dụng, triển khai chính sách, quy định của pháp luật, Nghị quyết của HĐND tỉnh có liên quan nội dung giám sát tại địa phương. Trên cơ sở chỉ đạo, phân công của cấp ủy, ý kiến đề xuất của các ban HĐND, Ủy ban Mặt trận tổ quốc, Tổ đại biểu và đại biểu HĐND, kiến nghị của cử tri, phản ánh của báo chí… từ đó chọn những vấn đề “nóng", nổi cộm, bức xúc liên quan đến quyền lợi chính đáng của tổ chức, công dân, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh của địa phương được dư luận xã hội, Nhân dân và đại biểu HĐND tỉnh quan tâm. Lựa chọn, thành lập đoàn giám sát là những đại biểu có chuyên môn, kinh nghiệm, am hiểu sâu về lĩnh vực giám sát, có tâm huyết, trách nhiệm; nghiên cứu sâu về cơ chế chính sách, quy định của pháp luật liên quan đến nội dung giám sát trước khi xây dựng đề cương giám sát; đề cương đảm bảo trọng tâm và đầy đủ thông tin phục vụ cho nội dung giám sát, nhất là các số liệu để đánh giá, so sánh, kết luận vấn đề. Kết hợp chặt chẽ giữa việc nghe, nghiên cứu báo cáo, khảo sát thực tế, đối chiếu với quy định của pháp luật, nhận định, đánh giá và kết luận vấn đề; thường xuyên theo dõi, đôn đốc việc triển khai thực hiện các kết luận sau giám sát với tinh thần theo đến cùng các vấn đề, đảm bảo giải quyết triệt để, phát huy hiệu quả hoạt động giám sát. Tăng cường mối quan hệ phối hợp công tác giữa Thường trực HĐND, các ban của HĐND tỉnh với Thường trực HĐND, các ban của HĐND cấp huyện trong quá trình xây dựng chương trình giám sát, tránh trùng lặp về nội dung, phạm vi, đối tượng, thời điểm triển khai giám sát…

Đại biểu HĐND tích cực, chủ động học tập, nâng cao trình độ, rèn luyện kỹ năng để thực hiện tốt nhiệm vụ theo luật định; nghiên cứu, nắm vững chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và nghị quyết của HĐND; thường xuyên trau dồi kỹ năng hoạt động, đặc biệt là phát hiện những bất cập, vướng mắc trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện các nhiệm vụ để kiến nghị biện pháp giải quyết, tháo gỡ kịp thời; duy trì thường xuyên, hiệu quả mối liên hệ giữa đại biểu HĐND với địa phương nơi ứng cử; kịp thời nắm bắt những vấn đề mới phát sinh ngay từ cơ sở…/.

Phạm Nga​