Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Hội nghị họp Ban Chỉ đạo lập quy hoạch tỉnh Hà Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050

Hội nghị họp Ban Chỉ đạo lập quy hoạch tỉnh Hà Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050
Sáng ngày 29/10/2022, UBND tỉnh tổ chức hội nghị họp Ban Chỉ đạo lập quy hoạch tỉnh Hà Nam thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

IMG_0002.jpg

Các đại biểu dự hội nghị

Dự hội nghị có ông Trương Quốc Huy - Phó Bí thư Tỉnh ủy - Chủ tịch UBND tỉnh - Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; lãnh đạo UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành; Bí thư, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố; liên danh tư vấn lập quy hoạch tỉnh...

Tại hội nghị, đại diện đơn vị tư vấn đã trình bày dự thảo báo cáo quy hoạch tỉnh Hà Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Dự thảo đã phân tích đánh giá về thực trạng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; quan điểm, mục tiêu phát triển và các khâu đột phá; các phương án quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo dự thảo, mục tiêu cụ thể: Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân giai đoạn 2021 - 2025 đạt 10,4%/năm; phấn đấu duy trì khoảng 12%/năm giai đoạn 2026-2030. Cơ cấu kinh tế đến năm 2025: Công nghiệp - xây dựng chiếm 65,2%, dịch vụ chiếm 28,5%, khu vực nông nghiệp chiếm 6,3%; đến năm 2030, cơ cấu kinh tế của tỉnh tương ứng là: 70,5% - 26% - 3,5%. Thu nhập bình quân đầu người đạt trên 117 triệu đồng vào năm 2025, và đạt trên 230 triệu đồng vào năm 2030. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội cả giai đoạn 2021 - 2025 là 269.000 tỷ đồng; giai đoạn 2026-2030 là 574.000 tỷ đồng. Năm 2025, thu ngân sách nhà nước trên địa bản đạt trên 16.000 tỷ đồng; đến năm 2030 phấn đấu thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt trên 40.000 tỷ đồng. Giai đoạn 2021-2030, tốc độ tăng năng suất lao động xã hội đạt khoảng 11%/năm. Phấn đấu tỷ lệ đô thị hóa đạt trên 47,5% vào năm 2025, đến năm 2030 đạt trên 58%. Giai đoạn 2021-2025, phấn đấu Hà Nam nằm trong nhóm 20 tỉnh dẫn đầu về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI); giai đoạn 2026-2030, phấn đấu Hà Nam nằm trong nhóm 10 tỉnh dẫn đầu về chỉ số PCI. Đến năm 2025, có 01 huyện và 35 xã trở lên đạt chuẩn xã nông thôn mới nâng cao và xã nông thôn mới kiểu mẫu…

Tầm nhìn đến năm 2050, thành phố Hà Nam sẽ trở thành đô thị thông minh, là thành phố phát triển hiện đại, là trung tâm công nghiệp công nghệ cao, dịch vụ chất lượng cao, trung tâm mua sắm lớn của vùng Đồng bằng sông Hồng và cả nước. Về kinh tế: Hà Nam phát triển thịnh vượng về kinh tế đi đôi với bền vững về môi trường theo hướng chủ đạo là thông minh, sáng tạo, xanh, sạch, các trụ cột tăng trưởng có trình độ phát triển cao và trở thành động lực phát triển quan trọng của vùng Đồng bằng sông Hồng và cả nước, đặc biệt là công nghiệp công nghệ cao, dịch vụ, nông nghiệp sinh thái chất lượng cao. Về xã hội: Hà Nam có môi trường xã hội văn minh, hiện đại, sáng tạo, dân chủ và tự do để khuyến khích mọi công dân học hỏi, sáng tạo và đóng góp hiệu quả cho phát triển. Con người Hà Nam phát triển toàn diện cả về trí tuệ, thể chất, đạo đức và tuân thủ pháp luật. Hà Nam có thương hiệu là “thành phố đáng sống" của Việt Nam và quốc tế. Về môi trường sinh thái: Hà Nam là thành phố trong vườn"; đảm bảo sự hài hoà giữa phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường, cảnh quan thiên nhiên và các không gian đô thị - nông thôn, văn hoá, thể thao, du lịch, công nghiệp, nông nghiệp sinh thái theo hướng phát triển bền vững, xanh…
DSC_6111.jpg
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Anh Chức phát biểu tại hội nghị

Thảo luận tại hội nghị, các đại biểu đề nghị đơn vị tư vấn tiếp tục nghiên cứu và xem xét điều chỉnh một số nội dung: Phương án phát triển mạng lưới cấp nước; phương án phát triển nguồn điện; phương án bảo vệ và khai thác tài nguyên khoáng sản; bổ sung bản đồ bản đồ quy hoạch các khu công nghiệp, bổ sung hạ tầng y tế của trung ương đóng trên địa bàn tỉnh…

IMG_0013.jpg 

​​Chủ tịch UBND tỉnh Trương Quốc Huy phát biểu kết luận hội nghị

Kết luận hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Trương Quốc Huy đề nghị Sở Kế hoạch và Đầu tư và đơn vị tư vấn tiếp thu nghiêm túc, đầy đủ các ý kiến đóng góp của các đại biểu tại hội nghị vào quy hoạch. Sau hội nghị này, Sở Kế hoạch và Đầu tư cung cấp bản mềm của dự thảo quy hoạch cho các sở, ngành, địa phương tham gia đóng góp ý kiến đối với lĩnh vực, phạm vi phụ trách và địa bàn của mình, trên cơ sở đó Sở Kế hoạch và Đầu tư chịu trách nhiệm tiếp thu, giải trình, làm việc với đơn vị tư vấn chỉnh sửa đầy đủ. Quy hoạch phải chỉ rõ kịch bản phát triển dân số; chú ý đến bản đồ hệ thống giao thông, các khu công nghiệp, khu bảo tồn voọc mông trắng... Đồng thời, Chủ tịch UBND tỉnh giao lãnh đạo các sở, ban, ngành, huyện, thị xã, thành phố phải chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh về lĩnh vực, địa bàn mình phụ trách trong quy hoạch. Các ý kiến đóng góp, điều chỉnh phải hoàn thành trước ngày 02/11/2022, Sở Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp trình UBND tỉnh cho ý kiến trước khi báo cáo, xin ý kiến của Ban Thường vụ Tỉnh ủy…/.