Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Hội nghị họp Ban Chỉ đạo lập quy hoạch tỉnh Hà Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050

Chiến lược - Quy hoạch - Kế hoạch  
Hội nghị họp Ban Chỉ đạo lập quy hoạch tỉnh Hà Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050
Sáng ngày 06/10/2022, UBND tỉnh tổ chức hội nghị họp Ban Chỉ đạo lập quy hoạch tỉnh Hà Nam thời kỳ 2021 - 2030 tầm nhìn đến năm 2050.

7b9a0b7444691fbc877ae1fb138.jpg

Các đại biểu dự hội nghị

Dự hội nghị có ông Trương Quốc Huy - Phó Bí thư Tỉnh ủy - Chủ tịch UBND tỉnh - Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; lãnh đạo UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành; Bí thư, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố; liên danh tư vấn lập quy hoạch tỉnh...

Tại hội nghị, đại diện đơn vị tư vấn đã trình bày dự thảo báo cáo quy hoạch tỉnh Hà Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Dự thảo đã phân tích đánh giá về thực trạng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; quan điểm, mục tiêu phát triển và các khâu đột phá; các phương án quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo dự thảo, mục tiêu cụ thể đến năm 2030: Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) bình quân giai đoạn 2021 - 2025 đạt 10,4%/năm; phấn đấu duy trì khoảng 12%/năm giai đoạn 2026-2030; cơ cấu kinh tế đến năm 2025: Công nghiệp - xây dựng chiếm 65,2%, dịch vụ chiếm 28,5%, khu vực nông nghiệp chiếm 6,3%; cơ cấu kinh tế của tỉnh đến năm 2030 tương ứng là: 70,5% - 26% - 3,5%; GRDP bình quân đầu người đạt trên 117 triệu đồng vào năm 2025, cao 1,1 lần so với mức bình quân của cả nước và đạt trên 230 triệu đồng, cao gấp 1,5 lần so mức bình quân của cả nước vào năm 2030; phấn đấu thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt trên 40.000 tỷ đồng vào năm 2030; phấn đấu tỷ lệ đô thị hóa đạt trên 47,5% vào năm 2025, đến năm 2030 đạt trên 58% và phấn đấu đạt trên 70% vào năm 2050; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt trên đạt 80%, trong đó tỷ lệ lao động đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt trên 65% vào năm 2030; đến năm 2025, tỷ lệ hộ dân thành thị được dùng nước sạch đạt 98%, tỷ lệ hộ dân nông thôn được dùng nước sạch, nước hợp vệ sinh đạt 100% (trong đó sử dụng nước sạch từ các nhà máy cung cấp nước sạch tập trung là 90%); đến năm 2030, các mục tiêu này phấn đấu đạt 100%...

Tầm nhìn đến năm 2050, thành phố Hà Nam sẽ trở thành đô thị thông minh, là thành phố phát triển hiện đại, là trung tâm công nghiệp công nghệ cao, dịch vụ chất lượng cao, trung tâm mua sắm lớn của vùng Đồng bằng sông Hồng và cả nước. Về kinh tế: Hà Nam phát triển thịnh vượng về kinh tế đi đôi với bền vững về môi trường theo hướng chủ đạo là thông minh, sáng tạo, xanh, sạch, các trụ cột tăng trưởng có trình độ phát triển cao và trở thành động lực phát triển quan trọng của vùng Đồng bằng sông Hồng và cả nước, đặc biệt là công nghiệp công nghệ cao, dịch vụ, nông nghiệp sinh thái chất lượng cao. Về xã hội: Hà Nam có môi trường xã hội văn minh, hiện đại, sáng tạo, dân chủ và tự do để khuyến khích mọi công dân học hỏi, sáng tạo và đóng góp hiệu quả cho phát triển. Con người Hà Nam phát triển toàn diện cả về trí tuệ, thể chất, đạo đức và tuân thủ pháp luật. Hà Nam có thương hiệu là “thành phố đáng sống" của Việt Nam và quốc tế. Về môi trường sinh thái: Hà Nam là “thành phố trong vườn"; đảm bảo sự hài hoà giữa phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường, cảnh quan thiên nhiên và các không gian đô thị - nông thôn, văn hoá, thể thao, du lịch, công nghiệp, nông nghiệp sinh thái theo hướng phát triển bền vững, xanh…

Thảo luận tại hội nghị, các đại biểu cho rằng, dự thảo quy hoạch lần này đã có nhiều chỉnh sửa hợp lý hơn, tuy nhiên vẫn có những số liệu về thực trạng phát triển của một số ngành và địa phương chưa sát với quy hoạch của các địa phương đã được phê duyệt. Các đại biểu đề nghị đơn vị tư vấn tiếp tục nghiên cứu và xem xét điều chỉnh một số nội dung: Mục tiêu quy hoạch phát triển đô thị; phương án bảo vệ và khai thác tài nguyên khoáng sản, diện tích đất quốc phòng; quy hoạch hệ thống giao thông đường sắt, hạ tầng xã hội y tế, giáo dục…

ec95dddc231078ff83b005ad19c.jpg

Chủ tịch UBND tỉnh Trương Quốc Huy phát biểu kết luận hội nghị

Kết luận hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Trương Quốc Huy đề nghị Sở Kế hoạch và Đầu tư và đơn vị tư vấn tiếp thu nghiêm túc, đầy đủ các ý kiến đóng góp của các đại biểu tại hội nghị vào quy hoạch. Sau hội nghị này, Sở Kế hoạch và Đầu tư cung cấp bản mềm của dự thảo quy hoạch cho các sở, ngành, địa phương tham gia đóng góp ý kiến đối với lĩnh vực, phạm vi phụ trách và địa bàn của mình, trên cơ sở đó Sở Kế hoạch và Đầu tư chịu trách nhiệm tiếp thu, giải trình, làm việc với đơn vị tư vấn chỉnh sửa đầy đủ. Quy hoạch phải đánh giá sát thực trạng của tỉnh, chỉ ra điểm mạnh và những hạn chế, tồn tại cần khắc phục, cùng với đó nêu bật được 5 chiến lược mũi nhọn và 3 khâu đột phá của tỉnh đã được xác định. Đồng thời, Chủ tịch UBND tỉnh giao nhiệm vụ cụ thể cho Giám đốc các sở, ban, ngành chức năng, Bí thư, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố phải chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh về lĩnh vực, địa bàn mình phụ trách trong quy hoạch. Các ý kiến đóng góp, điều chỉnh phải hoàn thành trước ngày 12/10/2022, Sở Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp trình UBND tỉnh cho ý kiến trước khi báo cáo, xin ý kiến của Ban Thường vụ Tỉnh ủy…/.