Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Hội nghị tiếp xúc cử tri sau kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XV

Tin tức - Sự kiện Tin tổng hợp  
Hội nghị tiếp xúc cử tri sau kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XV
Sáng ngày 18/11/2021, Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Hà Nam tổ chức hội nghị tiếp xúc cử tri sau kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XV. Hội nghị được tổ chức trực tuyến tới các huyện, thị xã, thành phố.

DSC_8887.jpg

Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu hội trường UBND tỉnh

Dự hội nghị tại điểm cầu UBND tỉnh có bà Lê Thị Nga - Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng - Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội;  ông Trương Quốc Huy - Phó Bí thư Tỉnh uỷ - Chủ tịch UBND tỉnh - Trưởng đoàn đại ĐBQH tỉnh; ông Phạm Hùng Thắng – Tỉnh uỷ viên - Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh; Thường trực HĐND, lãnh đạo UBND, Ban Thường trực Uỷ ban Mặt trận tổ quốc tỉnh; các ĐBQH tỉnh; đại diện lãnh đạo các ban HĐND tỉnh, lãnh đạo một số sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh…

Tại buổi tiếp xúc, đại diện đoàn ĐBQH tỉnh đã thông báo tới các cử tri kết quả kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV. Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV diễn ra trong vòng 16 ngày, chia làm 2 đợt, kết hợp giữa hình thức họp trực tuyến và tập trung. Với tinh thần làm việc khẩn trương, khoa học, dân chủ và trách nhiệm cao, kỳ họp thứ 2 đã hoàn thành toàn bộ chương trình đề ra và thành công tốt đẹp. Kỳ họp đã thông qua 02 luật, 12 nghị quyết, cho ý kiến về 05 dự án luật khác; tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn; biểu quyết thông qua các nghị quyết: Kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội năm 2022; dự toán ngân sách Nhà nước năm 2022; phân bổ ngân sách Trung ương năm 2022; Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và kế hoạch sử dụng đất 05 năm 2021-2025...

Cử tri các địa phương đã bày tỏ vui mừng về thành công của kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV và đánh giá cao những đóng góp, hoạt động tích cực của Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Nam khóa XV trong thời gian qua, đồng thời nêu kiến nghị, đề xuất về một số vấn đề: Đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cho đầu tư, cải tạo, nạo vét và xử lý môi trường tuyến sông Nhuệ để đảm bảo yêu cầu tưới tiêu phục vụ sản xuất nông nghiệp và giảm thiểu ô nhiễm môi trường sông Nhuệ. Trong các năm gần đây, các hộ chăn nuôi gia súc, gia cầm, nhất là nuôi lợn gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh, giá thức ăn chăn nuôi lên cao, người chăn nuôi thua lỗ nặng, cộng với tác động tiêu cực của dịch bệnh Covid-19 gây ảnh hưởng lớn đến đời sống của người nông dân, đề nghị Chính phủ tiếp tục có cơ chế, chính sách hỗ trợ cho ngành chăn nuôi và không để hiện tượng đầu cơ của các doanh nghiệp lớn tác động về giá của thị trường, gây bất lợi cho người chăn nuôi. Hiện nay tình hình dịch Covid-19 vẫn đang có diễn biến hết sức phức tạp, đề nghị Chính phủ quan tâm triển khai tiêm Vacxin cho học sinh từ 12-17 tuổi để cho các em có điều kiện trở lại trường, đảm bảo an toàn…

DSC_8921.jpg 

​Chủ tịch UBND tỉnh - Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Trương Quốc Huy phát biểu tiếp thu ý kiến, làm rõ một số nội dung tại hội nghị

Tại hội nghị tiếp xúc cử tri, thay mặt Đoàn ĐBQH tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh - Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Trương Quốc Huy cảm ơn các cấp ủy, chính quyền, ngành, đoàn thể đã tích cực phối hợp, sự tin tưởng của cử tri đã có nhiều đóng góp để Đoàn ĐBQH tỉnh và mỗi đại biểu nỗ lực, hoàn thành tốt nhiệm vụ, xứng đáng với niềm tin của cử tri. Đồng thời, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh tiếp thu và làm rõ một số nội dung mà các đại biểu, cử tri quan tâm ý kiến, kiến nghị.

Đối với nhóm ý kiến về lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn: Kiến nghị đầu tư, cải tạo, nạo vét và xử lý môi trường tuyến sông Nhuệ, sông Châu Giang để đảm bảo yêu cầu tưới tiêu phục vụ sản xuất nông nghiệp và giảm thiểu ô nhiễm môi trường sông Nhuệ, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Trương Quốc Huy cho biết: Bộ Tài nguyên và Môi trường, các bộ, ngành và địa phương có liên quan đã và sẽ tiếp tục tham mưu cơ chế mới trong tổ chức, điều phối các hoạt động bảo vệ môi trường, trong đó sẽ xác định rõ vai trò, trách nhiệm của các bộ quản lý ngành, địa phương có nguồn thải chính. Tập trung thực hiện một số giải pháp chính như: UBND thành phố Hà Nội và UBND các tỉnh có liên quan trên lưu vực sông Nhuệ - Đáy đẩy nhanh tiến độ đầu tư, xây dựng, đưa vào vận hành các công trình xử lý nước thải đô thị, các khu, cụm công nghiệp và làng nghề trên địa bàn, đảm bảo nước thải phát sinh phải được xử lý đáp ứng yêu cầu về kỹ thuật, quy chuẩn Việt Nam trước khi thải ra môi trường. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm soát, kiên quyết xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường đặc biệt các hành vi xả thải vượt quy chuẩn kỹ thuật cho phép. Đối với các dòng sông, đoạn sông đang bị ô nhiễm trên hệ thống sông Nhuệ, sông Châu Giang, UBND tỉnh Hà Nam và thành phố Hà Nội phối hợp rà soát điều chỉnh lại kế hoạch lấy nước đổ ải phục vụ sản xuất nông nghiệp; tổ chức quan trắc; rà soát các nguồn xả nước thải trên địa bàn; chỉ đạo thực hiện nghiêm túc quy trình vận hành cống Thanh Liệt; vận hành Trạm bơm Yên Sở để bơm nước thải ra sông Hồng; mở cống Liên Mạc để lấy nước sông Hồng bổ sung làm tăng lưu lượng nước sông Nhuệ và pha loãng nồng độ các chất ô nhiễm…

Đối với nhóm ý kiến về lĩnh vực y tế, lao động thương binh và xã hội:  Liên quan đến việc triển khai tiêm vắc xin cho học sinh từ 12-17 tuổi trên địa bàn để các em có điều kiện trở lại trường, đảm bảo an toàn, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Trương Quốc Huy cho biết: Căn cứ các kế hoạch, văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Bộ Y tế, ngày 14/11/2021, UBND tỉnh Hà Nam đã ban hành Kế hoạch về việc triển khai tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho trẻ em từ 12-17 tuổi trên địa bàn tỉnh. Hiện nay, các địa phương đã triển khai tiêm vắc xin cho trẻ từ 12 -17 tuổi sống và học tập trên địa bàn tỉnh. Cụ thể, tiêm mũi 1 cho trẻ 15-17 tuổi từ ngày 17-19/11/2021; mũi 2, tiêm sau thời gian tiêm mũi 1 tối thiểu là 3 tuần. Đối với nhóm đối tượng 12-14 tuổi: Triển khai theo tiến độ phân bổ vắc xin của bộ Y tế.

Về chế độ hưởng bảo hiểm y tế của đối tượng trực tiếp tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước nhưng chưa được hưởng chính sách của Đảng và Nhà nước, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh cho biết: Trong quá trình xây dựng, hoàn thiện Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi sẽ kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét quyết định, phù hợp với quá trình cống hiến của những đối tượng trực tiếp tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước nhưng chưa được hưởng chính sách của Đảng và Nhà nước.

Đối với lĩnh vực giáo dục, đào tạo: Cử tri đề nghị quy định thống nhất về việc không bắt buộc học sinh phải mua sách tham khảo vì hiện nay bộ sách giáo khoa của học sinh tiểu học có quá nhiều môn, việc tiếp thu kiến thức của các cháu quá nặng, nhiều sách tham khảo cũng như sách làm bài tập chỉ dùng được một lần gây lãng phí, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Trương Quốc Huy cho biết Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Chỉ thị số 3798/CT-BGDĐT ngày 24/9/2018 về việc sử dụng sách giáo khoa và sách tham khảo trong các cơ sở giáo dục phổ thông, trong đó yêu cầu Giám đốc các Sở Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo các phòng Giáo dục và Đào tạo, các cơ sở giáo dục phổ thông ở địa phương tổ chức quán triệt đến từng cán bộ quản lý, giáo viên, học sinh về việc giữ gìn, bảo quản sách giáo khoa để sử dụng và sử dụng lại lâu bền; hướng dẫn học sinh nghiên cứu sách giáo khoa để thực hiện các hoạt động học và ghi kết quả học tập vào vở; không viết, vẽ vào sách giáo khoa. Trong thời gian tới, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ tăng cường chỉ đạo các địa phương thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm đối với việc sử dụng sách giáo khoa, sách tham khảo.

Đối với một số ý kiến, kiến nghị khác của cử tri đã được các cơ quan có thẩm quyền trả lời, giải quyết, Đoàn ĐBQH tỉnh sẽ gửi đến các cơ quan thông tin đại chúng và các địa phương để thông báo, tuyên truyền đến cử tri.

Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh bày tỏ mong muốn tiếp tục nhận được quan tâm, đóng góp của cử tri và Nhân dân trong tỉnh để hoạt động của Đoàn ngày càng chất lượng, hiệu quả./.