Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Hội nghị tổng kết thực hiện Nghị quyết số 54-NQ/TW và Kết luận số 13-KL/TW của Bộ Chính trị

Tin tức - Sự kiện Tin tổng hợp  
Hội nghị tổng kết thực hiện Nghị quyết số 54-NQ/TW và Kết luận số 13-KL/TW của Bộ Chính trị
Sáng ngày 21/6/2022, tại hội trường UBND tỉnh, Tỉnh ủy tổ chức hội nghị tổng kết Nghị quyết số 54-NQ/TW, ngày 14/9/2005 của Bộ Chính trị Khóa IX về phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng sông Hồng đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020; Kết luận số 13-KL/TW, ngày 28/10/2011 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 54-NQ/TW.

IMG_0011.jpg

Các đại biểu dự hội nghị

Dự hội nghị có bà Lê Thị Thủy - Ủy viên Trung ương Đảng - Bí thư Tỉnh ủy - Chủ tịch HĐND tỉnh; ông Nguyễn Duy Hưng - Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương - Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo tổng kết Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị; ông Trương Quốc Huy - Phó Bí thư Tỉnh ủy - Chủ tịch UBND tỉnh - Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh; Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy; Thường trực HĐND; Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh; Bí thư Ban cán sự đảng, đảng đoàn; lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh; Bí thư, Phó Bí thư huyện ủy, thị ủy, thành uỷ, đảng ủy trực thuộc; lãnh đạo UBND các huyện, thị xã, thành phố; lãnh đạo: Văn phòng Tỉnh uỷ, Văn phòng Đoàn Đại biểu Quốc hội và HĐND tỉnh, Văn phòng UBND tỉnh…

Chutich.jpg

Chủ tịch UBND tỉnh Trương Quốc Huy trình bày báo cáo tại hội nghị

Tại hội nghị các đại biểu được nghe Chủ tịch UBND tỉnh Trương Quốc Huy trình bày báo cáo tổng kết Nghị quyết số 54-NQ/TW, ngày 14/9/2005 của Bộ Chính trị Khóa IX về phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng sông Hồng đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020;  Kết luận số 13-KL/TW, ngày 28/10/2011 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 54-NQ/TW. Theo đó, kinh tế của tỉnh có tính ổn định và có bước phát triển, tốc độ tăng trưởng kinh tế hàng năm đạt khá; quy mô kinh tế được mở rộng, so với năm 2005 tổng GRDP (giá SS2010) gấp 5,3 lần. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực, đúng hướng, đến năm 2021, tỷ trọng lĩnh vực công nghiệp - xây dựng đạt 61,07%; nông, lâm nghiệp, thủy sản giảm còn trên 9%. Năm 2021, GRDP bình quân đầu người (giá hiện hành) gấp 12,9 lần; thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh gấp 25,7 lần; tổng vốn đầu tư toàn xã hội gấp 21 lần so với năm 2005... đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân được nâng lên rõ rệt.

Trong những năm qua tỉnh đã tập trung huy động các nguồn lực để đầu tư xây dựng đồng bộ hệ thống hạ tầng kinh tế - xã hội của tỉnh, nhất là hạ tầng giao thông, thủy lợi, viễn thông, điện lực được cải thiện rõ rệt; hoàn thành, đưa vào sử dụng nhiều công trình giao thông trọng điểm, kết nối với các tuyến giao thông huyết mạch của quốc gia và trong vùng, tạo thế và lực mới cho sự phát triển kinh tế - xã hội lâu dài của tỉnh; sản xuất công nghiệp duy trì tốc độ tăng trưởng khá; đã có 08 khu công nghiệp và 14 cụm công nghiệp đang hoạt động; giá trị sản xuất công nghiệp trong các khu, cụm công nghiệp chiếm trên 80% giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh; giá trị hàng xuất khẩu tăng mạnh, năm 2021 đạt 4.001 triệu USD gấp 100,5 lần so với năm 2005; thu hút đầu tư đạt kết quả khá, nhất là thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài, trong giai đoạn 2006 - 2017 đã thu hút được 86 dự án với tổng số vốn đăng ký 3.054,4 triệu USD; phát triển mạnh các doanh nghiệp, giai đoạn 2006 -  2017 tăng bình quân gần 16%/năm. Kinh tế nông nghiệp, nông thôn có bước phát triển mới, chuyển dịch tích cực theo hưởng sản xuất hàng hóa, ứng dụng công nghệ cao; ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật mới vào sản xuất; năng suất, chất lượng, giá trị hàng hóa sản phẩm nông nghiệp ngày càng tăng; hình thành các chuỗi liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ gắn truy xuất nguồn gốc chất lượng nông sản. Hoàn thành mục tiêu về tỷ lệ đô thị hóa; thành lập thị xã Duy Tiên, xây dựng, nâng cấp thành phố Phủ Lý lên đô thị loại II, diện mạo các đô thị có sự thay đổi rõ rệt và đang được tập trung đầu tư để từng bước hình thành một số chức năng trung tâm vùng Nam Đồng bằng sông Hồng. Các lĩnh vực văn hóa, giáo dục, y tế, thể dục thể thao tiếp tục phát triển và đạt được nhiều thành tích mới; các chính sách an sinh xã hội được  kịp thời thực hiện; công tác phòng, chống dịch bệnh, nhất là đại dịch Covid-19 được tập trung chỉ đạo quyết liệt, hiệu quả, kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh. Hệ thống chính trị, bộ máy chính quyền các cấp được củng cố, kiện toàn và hoạt động ngày càng chất lượng, hiệu quả; quy chế dân chủ ở cơ sở được thực hiện hiệu quả, thực chất hơn. Năng lực, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, nhất là người đứng đầu cấp ủy đảng, chính quyền, cơ quan, đơn vị được nâng lên. Hoạt động của hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở có nhiều đổi mới theo hướng sâu sát, kịp thời; hiệu lực, hiệu quả trong quản lý, điều hành của các cấp chính quyền được nâng cao. Công tác quốc phòng, quân sự địa phương và công tác an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội đạt nhiều kết quả; xây dựng nền quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân, xây dựng khu vực phòng thủ ngày càng vững chắc.

IMG_0017.jpg
Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Duy Hưng phát biểu tại hội nghị

Phát biểu tại hội nghị, Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Duy Hưng đánh giá cao những kết quả mà tỉnh đã đạt được trong việc thực hiện Nghị quyết 54 và Kết luận 13 của Bộ Chính trị. Đồng thời đề nghị Hà Nam cần khắc phục những hạn chế, đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững, giữ vững ổn định quốc phòng an ninh, đi đầu ứng dụng khoa học kỹ thuật, chuyển đổi số; phát triển công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ chất lượng cao, du lịch sinh thái, đào tạo nguồn nhân lực, liên kết vùng; đảm bảo mục tiêu đề ra.

IMG_0026.jpg
Bí thư Tỉnh ủy - Chủ tịch HĐND tỉnh Lê Thị Thủy phát biểu kết luận hội nghị

Phát biểu kết luận hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy - Chủ tịch HĐND tỉnh Lê Thị Thủy nhấn mạnh: Sau 17 năm thực hiện Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị, tỉnh Hà Nam đã đạt nhiều thành tựu quan trọng trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội, quốc phòng an ninh và xây dựng đảng, xây dựng hệ thống chính trị. Bí thư Tỉnh ủy - Chủ tịch HĐND tỉnh cũng đề nghị thời gian tới cần tập trung thực hiện tốt một số nội dung: Tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo cụ thể hóa, triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 54 và Kết luận số 13 của Bộ Chính trị; các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Trung ương; các nghị quyết chuyên đề, chương trình, đề án của Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX. Chỉ đạo, tổ chức thực hiện có hiệu quả công tác xây dựng Đảng trên các lĩnh vực: tư tưởng, chính trị, đạo đức, tổ chức bộ máy, công tác cán bộ và bảo vệ chính trị nội bộ; công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật đảng; công tác dân vận; nội chính và phòng chống tham nhũng. Tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của HĐND, UBND, Mặt trận tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội; phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân, tạo sự đồng thuận của Nhân dân; xây dựng Đảng bộ tỉnh trong sạch, vững mạnh. Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19; quan tâm, chăm lo bảo vệ sức khỏe, tính mạng của Nhân dân; tận dụng tốt các cơ hội để thúc đẩy và phục hồi phát triển kinh tế - xã hội. Đẩy mạnh phát triển các dịch vụ công nghiệp - đô thị kết nối trung tâm vùng Thủ đô Hà Nội, vùng đồng bằng sông Hồng; phát triển công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ, logistics, trung tâm thương mại; thúc đẩy chuỗi liên kết sản xuất, kinh doanh, dịch vụ giữa tỉnh Hà Nam với các địa phương trong vùng, đặc biệt là thành phố Hà Nội. Đẩy nhanh tiến độ các dự án hạ tầng xã hội, dự án nhà ở xã hội; thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa nông nghiệp, thu hút đầu tư, tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực đất đai, khoáng sản, môi trường, quy hoạch, đầu tư, xây dựng. Quản lý chặt chẽ, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả đất đai và các nguồn lực tài nguyên; chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai và bảo vệ môi trường. Nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn vốn đầu tư công, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công và xử lý nợ đọng xây dựng cơ bản; khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải, chậm tiến độ, chậm giải ngân. Thực hiện đồng bộ các giải pháp quản lý thu, chi ngân sách; bảo đảm tăng thu bền vững, chi ngân sách tiết kiệm, hiệu quả. Gắn kết chặt chẽ giữa các mục tiêu tăng trưởng kinh tế với phát triển con người, xây dựng văn hóa giàu bản sắc của Hà Nam; đảm bảo an sinh, phúc lợi, tiến bộ và công bằng xã hội, hài hòa giữa đời sống vật chất và đời sống văn hóa tinh thần của Nhân dân. Thực hiện tốt nhiệm vụ quốc phòng, quân sự địa phương; tiếp tục củng cố, tăng cường quốc phòng an ninh, xây dựng thế trận an ninh nhân dân, xây dựng lực lượng vũ trang địa phương vững mạnh; giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội./.