Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Hội nghị trực tuyến công bố dịch vụ công tích hợp trên Cổng dịch vụ công quốc gia

Tin theo lĩnh vực Thông tin và truyền thông  
Hội nghị trực tuyến công bố dịch vụ công tích hợp trên Cổng dịch vụ công quốc gia
Chiều ngày 13/3/2020, Chính phủ tổ chức hội nghị trực tuyến công bố dịch vụ công tích hợp trên Cổng dịch vụ công quốc gia (DVCQG), sơ kết 3 tháng vận hành Cổng DVCQG và ra mắt hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ. Ông Nguyễn Xuân Phúc - Ủy viên Bộ Chính trị - Thủ tướng Chính phủ chủ trì hội nghị.

Dự hội nghị tại điểm cầu Hà Nam có ông Nguyễn Đức Vượng - Tỉnh ủy viên - Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành của tỉnh…

cdvc2.JPG
Đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu Hà Nam​

Theo báo cáo sơ kết 3 tháng vận hành Cổng DVCQG, từ ngày 09/12/2019 đến ngày 11/3/2020 đã có trên 82 nghìn tài khoản đăng nhập; hơn 23,9 triệu người truy cập tìm hiểu thông tin dịch vụ; trên 2,9 triệu hồ sơ đồng bộ trạng thái, trong đó có trên 13 nghìn hồ sơ trực tuyến thực hiện từ Cổng DVCQG. 161 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 được tích hợp, cung cấp trên cổng.

Tuy nhiên, vẫn còn 11 bộ, ngành và 01 địa phương chưa hoàn thành việc tích hợp đăng nhập một lần trên Cổng DVCQG; 05/22 bộ, ngành, địa phương chưa bố trí máy chủ bảo mật. Nội dung đồng bộ của một số bộ, ngành, địa phương còn sai sót, chưa chính xác về địa chỉ cơ quan tiếp nhận theo mã số đơn vị, mã số hồ sơ chưa đúng quy định. Do đó, trước mắt, các bộ, ngành, địa phương cần tuân thủ đúng quy định tại Nghị định số 61/2018/NĐ-CP ngày 23/4/2018 của Chính phủ về thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính, hoàn chỉnh Cổng dịch vụ công, hệ thống một cửa điện tử để tích hợp với Cổng DVCQG. Văn phòng Chính phủ sẽ thiết lập các nhóm hỗ trợ trực tuyến đối với từng bộ, ngành, địa phương.

Tại hội nghị, Văn phòng Chính phủ đã công bố 11 dịch vụ công trực tuyến liên quan đến đời sống người dân, doanh nghiệp như: Thu tiền xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ; nộp thuế cá nhân; thu phí, lệ phí trước bạ ô tô, xe gắn máy; kê khai và nộp thuế doanh nghiệp; dịch vụ đăng ký khai sinh, cấp phiếu lý lịch tư pháp… Điểm chung của các dịch vụ công được tích hợp lần này là chú trọng đến vấn đề thanh toán điện tử, nhất là dịch vụ thu tiền phạt xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ (thí điểm tại 5 địa phương: Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng, Bình Thuận), mục tiêu nhằm giúp người dân, doanh nghiệp thuận tiện hơn trong các thủ tục, hạn chế đi lại và tương tác trực tiếp.

Cũng tại hội nghị, Văn phòng Chính phủ tổ chức ra mắt một số phân hệ của Hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ. Theo tính toán, nếu điện tử hóa tất cả các báo cáo quy định từ cấp xã, huyện, tỉnh, bộ, ngành báo cáo lên Chính phủ, kết nối với Hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ thì ước tính sẽ tiết kiệm cho ngân sách nhà nước khoảng 460 tỷ đồng/năm.

cdvc1.JPG
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại hội nghị​

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: Việc đưa vào tích hợp 11 dịch vụ công không chỉ tiết kiệm thời gian, kinh phí, giảm biên chế, mà còn góp phần phòng chống tham nhũng, tránh phiền hà, nhũng nhiễu, đồng thời tạo dịch vụ tốt cho người dân, doanh nghiệp. Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương khẩn trương hoàn thành kết nối, tích hợp giữa Cổng dịch vụ công, hệ thống thông tin một cửa cấp bộ, cấp tỉnh với Cổng DVCQG; đổi mới, cải tiến quy trình, nâng cao chất lượng phục vụ cho người dân, doanh nghiệp; tập trung rà soát, cắt giảm thủ tục hành chính; giải quyết đúng tiến độ, chất lượng các thủ tục hành chính. Chuẩn hóa thông tin, dữ liệu thủ tục hành chính trên cơ sở dữ liệu quốc gia về thủ tục hành chính, mã hồ sơ trên hệ thống một cửa điện tử bảo đảm công khai, minh bạch, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp trong việc tiếp cận, thực hiện, giám sát việc giải quyết thủ tục hành chính. Thực hiện nghiêm việc tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. Đẩy mạnh thanh toán phí, lệ phí, thuế, phổ cập không dùng tiền mặt, bảo đảm sự thông suốt của cả hệ thống thông tin. Thủ tướng Chính phủ cũng mong muốn Cổng DVCQG cần thường xuyên cập nhật, đổi mới giao diện bằng đồ thị, hình họa trực quan, sinh động để đáp ứng được kỳ vọng của người dân, doanh nghiệp. Các bộ: Thông tin và Truyền thông, Công an, Tài chính, Giao thông Vận tải với vai trò nòng cốt, tiếp tục phát triển, nhân rộng các dịch vụ công trên Cổng DVCQG, đảm bảo tất cả các dịch vụ công sẽ được triển khai trên Cổng DVCQG  trước ngày 30/6/2020./.​