Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Hội nghị trực tuyến của Chính phủ với các địa phương về phát triển kinh tế - xã hội năm 2020

Tin theo lĩnh vực Kinh tế, xã hội  
Hội nghị trực tuyến của Chính phủ với các địa phương về phát triển kinh tế - xã hội năm 2020
Trong hai ngày 30,31/12/2019, Chính phủ tổ chức hội nghị trực tuyến với các địa phương để triển khai thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2020. Ông Nguyễn Phú Trọng - Tổng Bí thư, Chủ tịch nước dự và phát biểu chỉ đạo. Ông Nguyễn Xuân Phúc - Ủy viên Bộ Chính trị - Thủ tướng Chính phủ cùng các Phó Thủ tướng Chính phủ đồng chủ trì hội nghị.

Dự hội nghị có bà Nguyễn Thị Kim Ngân - Ủy viên Bộ Chính trị - Chủ tịch Quốc hội; ông Trần Quốc Vượng - Ủy viên Bộ Chính trị - Thường trực Ban Bí thư; ông Phạm Minh Chính - Ủy viên Bộ Chính trị - Bí thư Trung ương Đảng -Trưởng Ban Tổ chức Trung ương; bà Trương Thị Mai - Ủy viên Bộ Chính trị - Bí thư Trung ương Đảng - Trưởng Ban Dân vận Trung ương; ông Nguyễn Văn Bình - Ủy viên Bộ Chính trị - Bí thư Trung ương Đảng - Trưởng Ban Kinh tế Trung ương; Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy viên Trung ương Đảng, lãnh đạo các ban, bộ, ngành, cơ quan trung ương; lãnh đạo chủ chốt các địa phương tại các điểm cầu trong cả nước…

DSC_3697.jpg

DSC_3705.jpg

Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu Hà Nam

Tại điểm cầu Hà Nam có bà Lê Thị Thủy - Ủy viên Trung ương Đảng - Bí thư Tỉnh ủy; ông Phạm Sỹ Lợi - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy - Chủ tịch HĐND tỉnh; ông Trương Minh Hiến - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy - Phó Chủ tịch UBND tỉnh; ông Bùi Quang Cẩm - Tỉnh ủy viên - Phó Chủ tịch UBND tỉnh; ông Nguyễn Đức Vượng - Tỉnh ủy viên - Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành, huyện, thành phố…

Phát biểu khai mạc hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ: Hội nghị Chính phủ với địa phương tập trung đánh giá, tổng kết lại một năm đã qua, đề ra nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu để hoàn thành các mục tiêu phát triển mà Quốc hội giao. Những kết quả đã được trong năm 2019 có ý nghĩa quan trọng, tạo đà cho năm 2020, năm có nhiều sự kiện trọng đại của đất nước và là năm tổ chức Đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

Tại hội nghị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình trình bày báo cáo tóm tắt về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2019, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020. Theo đó, kết quả nổi bật là GDP đạt mức tăng ấn tượng, cả năm ước đạt 7,02%, cao hơn mức tăng của các năm 2011 - 2017, là năm thứ hai liên tiếp kể từ năm 2011 GDP tăng trên 7%. Kinh tế vĩ mô ổn định vững chắc, đáng chú ý là lạm phát được kiểm soát ở mức thấp, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân ước cả năm tăng 2,79%, dưới mục tiêu Quốc hội đề ra, đây cũng là mức tăng bình quân năm thấp nhất trong 03 năm qua. Thị trường tài chính, tiền tệ và tỷ giá được điều hành chủ động, linh hoạt và duy trì ổn định, dự trữ ngoại hối tăng. Cơ cấu lại nền kinh tế thực chất hơn, khắc phục một số tồn tại, yếu kém vốn có của nền kinh tế. Chất lượng tăng trưởng được nâng lên, bền vững hơn. Các ngành, lĩnh vực phát triển tích cực, ổn định trong bối cảnh khó khăn, trong đó khu vực công nghiệp tiếp tục là động lực chủ yếu của tăng trưởng, đặc biệt ngành chế biến, chế tạo tiếp tục tăng cao (11,29%). Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa lần đầu tiên vượt mốc 500 tỷ USD, cán cân thương mại tiếp tục duy trì xuất siêu. Năm 2019 đánh dấu thành công của du lịch Việt Nam với lượng khách quốc tế đạt trên 18 triệu lượt, cao nhất từ trước đến nay. Ba đột phá chiến lược được đẩy mạnh thực hiện. Huy động vốn đầu tư phát triển toàn xã hội đạt 33,9% GDP; giải ngân vốn FDI đạt khá, tăng 6,7%. Môi trường kinh doanh tiếp tục được cải thiện, tinh thần khởi nghiệp lan tỏa rộng rãi. Doanh nghiệp thành lập mới đạt trên 138 nghìn doanh nghiệp, là năm thứ năm liên tiếp có số lượng doanh nghiệp thành lập mới và số vốn đăng ký đạt cao nhất trong lịch sử. Khoa học công nghệ được ứng dụng rộng rãi trong nhiều lĩnh vực, có nhiều chuyển biến tích cực trong đổi mới giáo dục và đào tạo. Các lĩnh vực văn hóa, xã hội được chú trọng, cơ bản gắn kết hài hòa với phát triển kinh tế, chất lượng cuộc sống của nhân dân tiếp tục được cải thiện rõ rệt. Chất lượng dịch vụ y tế được nâng lên. Quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu có nhiều chuyển biến, nhất là nâng cao ý thức xã hội về bảo vệ môi trường. Có sự chuyển biến rõ nét trong công tác phối hợp giữa các cơ quan lập pháp, hành pháp, tư pháp, giúp giải quyết tích cực nhiều vấn đề còn yếu kém, trì trệ trước đây trong lĩnh vực cải cách thủ tục hành chính và phòng, chống tham nhũng. Quốc phòng, an ninh được tăng cường; trật tự an toàn xã hội được bảo đảm; đối ngoại và hội nhập quốc tế được đẩy mạnh, vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế được nâng lên.

Cũng tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Bình Minh trình bày báo cáo tóm tắt kiểm điểm công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ năm 2019. Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ giới thiệu Dự thảo Nghị quyết về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo, điều hành kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2020.

nguyen-phu-trong.jpg

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại hội nghị

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: Năm 2019, mặc dù gặp nhiều khó khăn, thách thức lớn, nhưng nhờ sự nỗ lực phấn đấu của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, đất nước ta đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, toàn diện, đáng mừng trên hầu hết các lĩnh vực, tốt hơn năm 2018. Kinh tế tiếp tục tăng trưởng nhanh, đạt trên 7%, cao hơn mức kế hoạch (6,6 - 6,8%), thuộc nhóm các nước có mức tăng trưởng cao nhất trong khu vực và trên thế giới; quy mô GDP khoảng 266 tỷ đô la Mỹ, bình quân đạt gần 2.800 đô la/người.

Các lĩnh vực văn hóa, xã hội tiếp tục được quan tâm đầu tư phát triển, đạt nhiều kết quả quan trọng, rõ nét. Tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn mới giảm xuống còn khoảng 4%. Hơn 54% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, về đích sớm hơn kế hoạch gần 2 năm. Sự nghiệp y tế, thể dục, thể thao, bảo vệ, chăm sóc sức khỏe, nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân; đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng con người; quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, phòng, chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu; phát triển khoa học và công nghệ, phong trào khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo đạt được nhiều kết quả tích cực, rõ nét. Kết quả của Đoàn thể thao Việt Nam tại Đại hội thể thao Đông Nam Á vừa qua là một minh chứng sinh động về sự nỗ lực không mệt mỏi, tinh thần, ý chí Việt Nam.

Tiềm lực quốc phòng, an ninh tiếp tục được tăng cường. An ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội được giữ vững. Hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế được đẩy mạnh, không ngừng mở rộng và đi vào chiều sâu, góp phần củng cố môi trường hòa bình, ổn định cho phát triển, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và các lợi ích chiến lược của đất nước.

Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, nhất là phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực tiếp tục được đẩy mạnh, tăng cường, kết hợp bài bản, nhuần nhuyễn giữa “xây" và “chống". Nhiều vụ án kinh tế, tham nhũng, nhất là các vụ án lớn, nghiêm trọng tiếp tục được phát hiện, điều tra, tiến hành khởi tố, truy tố, xét xử nghiêm minh, được cán bộ, đảng viên và nhân dân hoan nghênh, đánh giá cao, đồng tình ủng hộ.

Thay mặt lãnh đạo Đảng và Nhà nước, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nhiệt liệt hoan nghênh, biểu dương và chân thành cảm ơn Quốc hội, Chính phủ, các cấp uỷ đảng, chính quyền, đoàn thể, cộng đồng các doanh nghiệp, cán bộ, đảng viên, đồng bào, chiến sĩ cả nước về những kết quả, thành tích và những nỗ lực phấn đấu, đóng góp to lớn đó.

Để năm 2020 có những thành tích kinh tế - xã hội vượt so với năm 2019, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng yêu cầu: Chính phủ, các bộ ngành trung ương và các địa phương tập trung thực hiện các nhiệm vụ chính: Tiếp tục củng cố, tăng cường nền tảng kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, nâng cao năng lực nội tại và tính tự chủ của nền kinh tế. Tập trung cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng nhanh, bền vững và thực chất. Tạo chuyển biến mạnh hơn trong thực hiện các đột phá, chiến lược. Cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng. Nâng cao năng suất, chất lượng hiệu quả sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Cần quan tâm hơn nữa và có chính sách, biện pháp cụ thể đối với việc phát triển văn hóa - xã hội xây dựng con người hài hòa với phát triển kinh tế. Nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân. Chăm lo đời sống đối với người có công với cách mạng, xây dựng nông thôn mới, giải quyết việc làm, ưu tiên thực hiện chính sách đối với đồng bào dân tộc thiểu số. Tích cực triển khai các nghị quyết trung ương về cải cách chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội, giáo dục đào tạo. Nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, đảm bảo vệ sinh, an toàn thực phẩm.

Tiếp tục củng cố, tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh, giữ vững ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội, nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế. Thực hiện nghiêm các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về quốc phòng, an ninh, đối ngoại, đảm bảo an ninh, quốc phòng, giữ vững hòa bình, ổn định để phát triển, nâng cao vị thế của đất nước. Chủ động phòng ngừa đấu tranh, làm thất bại mọi âm mưu chống phá của các thế lực thù địch. Cố gắng hoàn thành tốt vai trò là nước Chủ tịch ASEAN.

Tiếp tục đẩy mạnh đổi mới nội dung phương thức lãnh đạo, chỉ đạo và lề lối làm việc của các cơ quan, đơn vị, nhất là người đứng đầu theo đúng quy định của hiến pháp và pháp luật. Quốc hội và cơ quan của Quốc hội cần rà soát xác định rõ hoàn thành chức năng lập pháp, giám sát tối cao, quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước. Chính phủ, các cơ quan chính phủ và chính quyền các cấp cần chú trọng cải cách hành chính, nâng cao năng lực hiệu quả, hiệu lực làm việc của bộ máy tổ chức cán bộ. Đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực, thực hiện tốt chức năng giám sát, thanh tra, kiểm tra, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án, vụ việc đúng với tinh thần thượng tôn pháp luật, bảo đảm công lý, có nghĩa có tình.

Trong năm 2020 các cấp ủy, chính quyền và toàn hệ thống chính trị cần khẩn trương, nghiêm túc thực hiện Nghị quyết Trung ương và chỉ thị của Bộ Chính trị, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thành công Đại hội Đảng các cấp. Công tác chuẩn bị Đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội toàn quốc của Đảng phải thực hiện theo phương châm kế thừa, ổn định, đổi mới và phát triển./.