Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Hội nghị trực tuyến của Chính phủ với doanh nghiệp về phục hồi nền kinh tế ứng phó với dịch Covid -19

Thông tin tuyên truyền, phổ biến Phòng chống dịch nCoV  
Hội nghị trực tuyến của Chính phủ với doanh nghiệp về phục hồi nền kinh tế ứng phó với dịch Covid -19
Sáng ngày 09/5/2020, tại Hà Nội đã diễn ra hội nghị trực tuyến của Chính phủ với doanh nghiệp nhằm tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, tái khởi động nền kinh tế ứng phó với dịch Covid - 19. Ông Nguyễn Xuân Phúc - Ủy viên Bộ Chính trị - Thủ tướng Chính phủ chủ trì hội nghị.

Dự hội nghị tại điểm cầu Hà Nam có bà Lê Thị Thủy - Ủy viên Trung ương Đảng - Bí thư Tỉnh ủy; ông Nguyễn Đức Vượng - Tỉnh ủy viên - Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành…

IMG_5429.jpg
IMG_5437.jpg

Đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu Hà Nam

Phát biểu khai mạc hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho rằng: Chúng ta đang ở vào thời khắc mang tính bước ngoặt mới của lịch sử, không chỉ đối với Việt Nam mà còn đối với nhiều quốc gia trên thế giới do đại dịch Covid -19 gây ra. Dịch bệnh đã tác động ảnh hưởng đến tất cả các quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới; làm ảnh hưởng đến mọi mặt của nền kinh tế, từ cung đến cầu; sản xuất đến tiêu dùng. Tuy nhiên, đáng ghi nhận là có nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh cá thể, doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ… nỗ lực vượt khó, tự lực, tự cường, chủ động thích ứng, đối phó tốt với khó khăn để duy trì sản xuất, kinh doanh. Thủ tướng cho rằng, khi các lệnh giãn cách được nới lỏng, dịch bệnh được kiểm soát, nhịp đập xã hội dần trở lại bình thường, nền kinh tế đã như chiếc lò xo bị nén lại và giờ là lúc sẵn sàng để bung ra. Với tinh thần đó, Thủ tướng Chính phủ nêu rõ: Các bộ, ngành, địa phương, đặc biệt là đội ngũ doanh nghiệp phải tập trung hơn nữa, khởi động lại nền kinh tế Việt Nam, phấn đấu GDP đạt mức tăng trưởng trên 5%. Muốn như vậy, chúng ta phải tập trung vào “5 mũi giáp công" là:  Thu hút đầu tư các thành phần kinh tế trong nước, trước hết là đầu tư tư nhân; thu hút FDI; đẩy mạnh xuất khẩu; thúc đẩy đầu tư công; khuyến khích tiêu dùng nội địa. 

Tại hội nghị, ông Nguyễn Chí Dũng - Ủy viên Trung ương Đảng - Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo về tác động của dịch Covid -19, thách thức và thời cơ, cơ hội phát triển kinh doanh và thông báo nội dung cơ bản của dự thảo Nghị quyết Chính phủ về tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, bảo đảm trật tự an toàn xã hội. Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, đại dịch Covid -19 đã tác động, ảnh hưởng nghiêm trọng đến các lĩnh vực của nền kinh tế, xã hội của Việt Nam. Tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý I ước tăng 3,82% so với cùng kỳ năm 2019, thấp nhất trong vòng 10 năm trở lại đây. Tuy nhiên, đây vẫn là mức tăng trưởng khá cao trong bối cảnh chung cả thế giới đang bị ảnh hưởng bởi đại dịch và là mức tăng cao so với bình quân của khu vực. Một số chỉ tiêu vỹ mô có nguy cơ bị tác động mạnh như: Thu ngân sách nhà nước có thể giảm 145.000 tỷ đồng; xuất nhập khẩu, đầu tư của khu vực tư nhân và FDI giảm mạnh.

Tại hội nghị, các bộ, ngành, địa phương, cộng đồng doanh nghiệp đã thảo luận về những khó khăn, vướng mắc do đại dịch gây ra; nêu sáng kiến, kiến nghị, đề xuất với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ các giải pháp cần thiết để hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và phát triển sau đại dịch. Cụ thể, nội dung thảo luận tập trung vào các vấn đề như: Việc hình thành chuỗi liên kết, chuỗi cung ứng mới trong bối cảnh bị đứt gãy các chuỗi cung ứng truyền thống; khai thác hiệu quả thị trường trong nước trong khi thị trường thế giới đang giảm mạnh ở cả phía cung và cầu; chủ động các nguồn cung ứng vật liệu trong nước để phát triển sản xuất, kinh doanh; cơ hội cho những ngành nghề, sản phẩm có tiềm năng như kinh tế số, chuyển đổi số, trang thiết bị, sản phẩm y tế… Đại diện các bộ, ngành Trung ương, lãnh đạo các địa phương cũng làm rõ những quy định về: Thể chế, cơ chế, tiền tệ, thuế, phí, lệ phí… nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Bộ Tài chính nói về giải pháp, đề xuất chính sách trong lĩnh vực tài khóa, thuế, phí; Ngân hàng Nhà nước đề xuất các giải pháp hỗ trợ về tiền tệ, tín dụng, lãi suất hỗ trợ doanh nghiệp; Bộ Lao động - Thương binh - Xã hội trình bày về giải pháp hỗ trợ người dân, người lao động và sử dụng lao động gặp khó khăn; Văn phòng Chính phủ tập trung đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh, cung cấp dịch vụ công trực tuyến…

NQH01939.jpg
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu kết luận hội nghị​

Kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: Đội ngũ doanh nghiệp chính là lực lượng chủ chốt trên mặt trận kinh tế, giải quyết việc làm, đóng góp ngân sách. Mặc dù đang phải chịu tác động lớn từ đại dịch Covid - 19 nhưng các doanh nghiệp không được ỷ lại mà phải chủ động tái cơ cấu, tìm hướng đi mới để phát triển bền vững. Thủ tướng Chính phủ đề nghị cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân trước hết phải yêu Tổ quốc, cụ thể là cần thượng tôn pháp luật, có tinh thần chia sẻ. Thứ hai là không lãng phí, phải năng động quyết đoán, vì nếu thụ động là tự đánh mất cơ hội. Cùng với đó phải sáng tạo, để không bị tụt lại. Ngoài ra, cần có niềm tin, để không tự mình chối bỏ mình. Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu các bộ, ngành, đặc biệt là các địa phương phải đặc biệt quan tâm đến doanh nghiệp và những người lao động yếu thế, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa; có các giải pháp cụ thể phù hợp với thực tế của từng ngành, lĩnh vực và địa phương mình để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp với tinh thần: dám nghĩ, dám làm, đổi mới phát triển./.​