Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Hội nghị trực tuyến đánh giá tình hình phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối ...

Tin theo lĩnh vực Kinh tế, xã hội  
Hội nghị trực tuyến đánh giá tình hình phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2019
Sáng ngày 04/7/2019, Chính phủ tổ chức hội nghị trực tuyến với các địa phương trong cả nước để đánh giá tình hình phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2019. Ông Nguyễn Xuân Phúc - Ủy viên Bộ Chính trị - Thủ tướng Chính phủ chủ trì hội nghị.

Dự hội nghị tại điểm cầu Hà Nam có ông Nguyễn Đình Khang - Ủy viên Trung ương Đảng - Bí thư Tỉnh ủy; ông Nguyễn Xuân Đông - Phó Bí thư Tỉnh ủy - Chủ tịch UBND tỉnh; ông Phạm Văn Đồng - Tỉnh ủy viên - Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; phó chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành, huyện, thành phố…

toan-canh-sua.jpg

Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu Hà Nam

Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm ước đạt 6,76%, tuy thấp hơn mức tăng của 6 tháng đầu năm 2018 nhưng cao hơn mức tăng của 6 tháng các năm từ 2011 - 2017, trong bối cảnh 70% các nền kinh tế trên thế giới, trong đó hầu hết các nền kinh tế phát triển đều rơi vào tình trạng tăng trưởng chậm lại. Đáng chú ý, ngành nông nghiệp gặp khó khăn do dịch tả lợn châu Phi lây lan trên diện rộng nên chỉ tăng 1,3%, thấp hơn nhiều so với mức tăng 3,07% của 6 tháng năm 2018, đóng góp 0,17 điểm phần trăm vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế.

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 6/2019 giảm 0,09% so với tháng trước và CPI bình quân 6 tháng đầu năm 2019 tăng 2,64% so với bình quân cùng kỳ năm 2018. Giải ngân vốn FDI 6 tháng đầu năm ước đạt 9,1 tỷ USD, tăng gần 8% so với cùng kỳ. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng, lượng khách quốc tế đến nước ta đều tăng. Trong 6 tháng đầu năm 2019, cả nước có gần 67.000 doanh nghiệp được thành lập mới, tăng 3,8% về số doanh nghiệp và tăng 32,5% về số vốn đăng ký.

Thảo luận tại hội nghị, các đại biểu đã chỉ rõ kết quả đã đạt được cũng như nguyên nhân và những tồn tại, hạn chế. Đồng thời đề xuất, kiến nghị một số giải pháp trong công tác điều hành, triển khai và tháo gỡ khó khăn trong quá trình thực hiện.

Cũng tại hội nghị, ông Mai Tiến Dũng - Ủy viên Trung ương Đảng - Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ đã báo cáo tình hình thực hiện Nghị quyết số 02 của Chính phủ về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2019, định hướng đến năm 2021; tình hình thực hiện Nghị quyết số 35 và Chỉ thị số 26 về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp; công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ 6 tháng đầu năm; tình hình thực hiện nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử; tình hình đôn đốc, kiểm tra thực hiện nhiệm vụ 6 tháng đầu năm.

Đại diện lãnh đạo các địa phương đã kiến nghị về các vấn đề đang còn khó khăn, vướng mắc cần Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tháo gỡ, gồm: Cơ chế, chính sách, pháp luật; cải cách hành chính; cấp tăng nguồn ngân sách cho địa phương để thực hiện các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế - xã hội; cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh ở cấp cơ sở; đề xuất những vấn đề về phân cấp, phân quyền cho địa phương, cơ sở…

Phiên họp cũng nghe các Bộ trưởng, thành viên Chính phủ giải trình, làm rõ về những vấn đề, lĩnh vực đang được quan tâm như: Phát triển hạ tầng giao thông, an toàn giao thông; giáo dục - đào tạo, tình trạng thiếu giáo viên ở 1 số địa phương, tình trạng bạo lực học đường; vấn đề giải quyết việc làm, an sinh xã hội, ma túy, tội phạm; khoa học công nghệ, nhất là cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang tác động đến tất cả các ngành, lĩnh vực; vấn đề giải quyết đơn thư, khiếu nại tố cáo; tình hình đầu tư công, quy hoạch sân golf…

bac-phuc-sua.jpg

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu kết luận hội nghị

Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đề nghị các bộ, ngành, cơ quan, đơn vị, địa phương cần tập trung khắc phục những tồn tại, hạn chế; năng động, quyết liệt hành động, thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu của Kế hoạch phát triển kinh tế - xã  năm 2019 đã đề ra. Trong đó, đẩy mạnh cơ cấu lại các lĩnh vực, nâng cao chất lượng tăng trưởng; kiểm tra và ngăn chặn kịp thời tình trạng hàng giả đội lốt, gián mác thị trường trong nước. Đối với mục tiêu phát triển kinh tế, phấn đấu đạt mức 6,6 - 6,8% trong năm 2019; tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, thận trọng; kiểm soát lạm phát; tăng trưởng tín dụng đáp ứng yêu cầu phát triển sản xuất, kinh doanh; nâng cao kết quả hoạt động mở rộng thương mại quốc tế, đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu, tăng cường xúc tiến thương mại, tìm kiếm và mở rộng thị trường xuất khẩu hàng hóa; khẩn trương rà soát và cắt bỏ những thủ tục kinh doanh không cần thiết, cải cách thủ tục hành chính, xử lý nghiêm những trường hợp nhũng nhiễu, gây khó khăn, phiền hà cho doanh nghiệp nhằm tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp phát triển; tháo gỡ khó khăn cho các dự án chậm giải ngân, đặc biệt là các dự án trọng điểm, quy mô lớn, có sức lan tỏa.

Riêng đối với lĩnh vực nông nghiệp, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu cần có các giải pháp kiểm soát dịch bệnh ở gia súc, gia cầm, ổn định sản xuất. Tập trung nguồn lực để ngăn chặn bệnh dịch tả lợn châu Phi lan rộng, đồng thời chuẩn bị cung ứng đủ giống phục vụ tái đàn sau khi khống chế hoàn toàn dịch bệnh; tiếp tục thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng gắn với thị trường./.