

Đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu Hà Nam
Dự hội nghị tại điểm cầu Hà Nam có ông Nguyễn Duy Tuấn - Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông - Phó Trưởng Ban Chỉ đạo về Chuyển đổi số tỉnh; thành viên Ban Chỉ đạo về Chuyển đổi số, lãnh đạo Tổ công tác giúp việc Ban Chỉ đạo về Chuyển đổi số tỉnh; Tổ Công tác giúp việc Ban Chỉ đạo về Chuyển đổi số tỉnh; lãnh đạo UBND các huyện, thị xã, thành phố...
Theo báo cáo tại hội nghị, tỷ trọng giá trị tăng thêm của kinh tế số trên GDP năm 2022 là 14,26% (cao hơn 1,7 lần so với tốc độ tăng trưởng GDP 2022), trong đó kinh tế số ICT vẫn là trụ cột đóng góp chính với tỷ trọng đóng góp 9,02% GDP và tác động lan tỏa của ICT đóng góp vào các ngành, các lĩnh vực khác là 5,24%. Các ngành, lĩnh vực có mức độ lan toả ICT lớn nhất là: Hoạt động chuyên môn, khoa học và công nghệ (chiếm khoảng 28% kinh tế số ngành, lĩnh vực); hoạt động của Đảng, tổ chức chính trị xã hội, quản lý nhà nước, an ninh quốc phòng, đảm bảo xã hội bắt buộc (chiếm khoảng 20,5%); Giáo dục và Đào tạo (chiếm khoảng 19%); bán buôn, bán lẻ (khoảng 17%). Tuy nhiên, thực tế cũng cho thấy những tồn tại, vướng mắc trong phát triển kinh tế số ngành, lĩnh vực như vấn đề cập nhật tri thức mới; thiếu liên kết, phối hợp; thiếu nguồn lực; thiếu mô hình thành công…
Thảo luận tại hội nghị, các đại biểu chỉ ra những thuận lợi, khó khăn, vướng mắc trong thúc đẩy phát triển kinh tế số thời gian qua, đồng thời nêu một số nội dung, giải pháp trong thời gian tới: Không gian phát triển kinh tế số trong một số ngành, lĩnh vực được coi là mũi nhọn của kinh tế Việt Nam được xác định là các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo; du lịch; nông nghiệp; logistics và dệt may. Kinh tế số là vấn đề mới và do vậy cần có cách tiếp cận mới để quản lý, thúc đẩy; trong đó cần dùng chung dữ liệu để tối ưu hóa hoạt động và phát triển các mô hình kinh doanh mới. Đề xuất cách tiếp cận hợp tác giữa 04 bên để phát triển và thúc đẩy sử dụng các nền tảng số dùng chung quốc gia, gồm bộ chủ quản, Bộ Thông tin và Truyền thông, doanh nghiệp và địa phương… Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ chủ trì xây dựng, hoàn thiện hành lang pháp lý, cùng với Bộ chủ quản ngành, lĩnh vực xác định vai trò, vị trí pháp lý của các nền tảng số, giám sát góp phần đảm bảo kinh tế số Việt Nam phát triển bền vững, lành mạnh. Tiếp tục thúc đẩy tỷ lệ người dân sử dụng điện thoại thông minh… Những nội dung này được kỳ vọng sẽ góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế số Việt Nam nói chung, thúc đẩy phát triển nền tảng số và chuyển đổi số doanh nghiệp, ngành, lĩnh vực trong những tháng cuối năm 2023 nói riêng. 
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông - Phó Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về Chuyển đổi số Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu kết luận hội nghị
Phát biểu kết luận hội nghị, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông - Phó Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về Chuyển đổi số Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh, việc phát triển kinh tế số, hạ tầng số, xã hội số là xu hướng tất yếu trong thời điểm hiện nay. Do đó, các ngành, địa phương cần khẩn trương ban hành, cập nhật Kế hoạch thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế số và xã hội số. Mỗi vùng kinh tế trọng điểm hình thành ít nhất một Trung tâm dữ liệu lớn vùng và một Trung tâm chuyển đổi số vùng; thiết lập danh mục tài nguyên dữ liệu công cộng, cơ chế chia sẻ dữ liệu công cộng, quy định mở các bộ dữ liệu công khai. Các Bộ, ngành chủ quản nền tảng số quốc gia lập kế hoạch hành động phát triển, tổ chức công nhận và thúc đẩy triển khai các nền tảng số quốc gia…/.
Phạm Nga