Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Hội nghị trực tuyến phiên toàn thể trong khuôn khổ diễn đàn cấp cao Năng lượng Việt Nam 2020, triển khai Nghị quyết s...

Tin theo lĩnh vực Công thương  
Hội nghị trực tuyến phiên toàn thể trong khuôn khổ diễn đàn cấp cao Năng lượng Việt Nam 2020, triển khai Nghị quyết số 55-NQ/TW, ngày 11/02/2020 của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045
Sáng ngày 22/7/2020, Ban Kinh tế Trung ương và Chính phủ phối hợp tổ chức hội nghị trực tuyến phiên toàn thể trong khuôn khổ diễn đàn cấp cao Năng lượng Việt Nam 2020, triển khai  Nghị quyết số 55-NQ/TW, ngày 11/02/2020 của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Ông Nguyễn Văn Bình - Ủy viên Bộ Chính trị - Bí thư Trung ương Đảng - Trưởng Ban Kinh tế Trung ương và ông Trịnh Đình Dũng - Ủy viên Trung ương Đảng - Phó Thủ tướng Chính phủ đồng chủ trì hội nghị.

Dự hội nghị tại điểm cầu Hà Nam có ông Nguyễn Đức Vượng - Tỉnh ủy viên - Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành chức năng; đại diện các huyện, thị xã, thành phố…

truc-tuyen.jpg
Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu Hà Nam

Sau 15 năm thực hiện Kết luận số 26-KL/TW ngày 24/10/2003 của Bộ Chính trị khoá IX về Chiến lược và quy hoạch phát triển ngành điện lực Việt Nam và 10 năm thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2007 của Bộ Chính trị khoá X về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2050, ngành năng lượng nói chung, ngành điện lực nói riêng đã có bước phát triển nhanh, tương đối đồng bộ trong tất cả các phân ngành, lĩnh vực, đạt được nhiều mục tiêu đề ra. Việc cung cấp năng lượng, đặc biệt là cung cấp điện cơ bản đáp ứng đủ yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội với chất lượng ngày càng được cải thiện. Công nghiệp khai thác dầu khí và lọc hoá dầu phát triển mạnh; sản lượng khai thác dầu khí tăng cao, hình thành được một số cơ sở lọc hoá dầu quy mô lớn. Tuy vậy, ngành năng lượng nước ta vẫn còn nhiều hạn chế, yếu kém. Mục tiêu bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia còn nhiều thách thức; các nguồn cung trong nước không đủ đáp ứng yêu cầu, phải nhập khẩu năng lượng ngày càng lớn; nhiều dự án điện bị chậm so với quy hoạch, kế hoạch; một số chỉ tiêu bảo đảm an ninh năng lượng đang biến động theo chiều hướng bất lợi. Công tác quản lý, khai thác nguồn tài nguyên năng lượng còn một số hạn chế. 

Để bảo đảm vững chắc an ninh năng lượng quốc gia, ngày 11/2/2020 Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 55-NQ/TW về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Quan điểm chỉ đạo của Bộ Chính trị: Phát triển năng lượng quốc gia phải phù hợp với thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, xu thế hội nhập quốc tế; nhanh chóng xây dựng thị trường năng lượng đồng bộ, cạnh tranh, minh bạch, đa dạng hoá hình thức sở hữu và phương thức kinh doanh; áp dụng giá thị trường đối với mọi loại hình năng lượng. Khuyến khích và tạo mọi điều kiện thuận lợi để các thành phần kinh tế, đặc biệt là kinh tế tư nhân tham gia phát triển năng lượng; kiên quyết loại bỏ mọi biểu hiện bao cấp, độc quyền, cạnh tranh không bình đẳng, thiếu minh bạch trong ngành năng lượng.

98756.jpg
Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu trung ương​

Tại hội nghị, nhiều ý kiến tham luận tập trung vào một số nội dung: Phát triển năng lượng quốc gia phải đồng bộ, hợp lý và đa dạng hoá các loại hình năng lượng; ưu tiên khai thác, sử dụng triệt để và hiệu quả các nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng mới, năng lượng sạch; khai thác và sử dụng hợp lý các nguồn năng lượng hoá thạch trong nước, chú trọng mục tiêu bình ổn, điều tiết và yêu cầu dự trữ năng lượng quốc gia; ưu tiên phát triển điện khí, có lộ trình giảm tỉ trọng điện than hợp lý; chủ động nhập khẩu nhiên liệu từ nước ngoài cho các nhà máy điện…

Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Văn Bình nhấn mạnh: Phát triển năng lượng không chỉ góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, mà còn bảo vệ an ninh quốc phòng, môi trường sinh thái. Xác định được tầm quan trọng này, Bộ Chính trị đã có Kết luận số 26-KL/TW ngày 24/10/2003 về Chiến lược và quy hoạch phát triển ngành điện lực Việt Nam và 10 năm thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2007 của Bộ Chính trị khoá X về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2050. Trong thời gian qua, ngành năng lượng nói chung và ngành điện lực nói riêng đã có bước phát triển nhanh, phục vụ kịp thời nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội. Việc triển khai Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11/02/2020 của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 có ý nghĩa quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng và bảo vệ môi trường sinh thái. Để triển khai Nghị quyết hiệu quả, ông Nguyễn Văn Bình đề nghị cần có sự vào cuộc mạnh mẽ của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương, cộng đồng doanh nghiệp và Nhân dân trong cả nước. Trước hết phải tập trung tốt cho công tác tuyên truyền, hướng dẫn, kiểm tra thực hiện Nghị quyết theo từng giai đoạn cụ thể./.