Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết 10 năm thực hiện Đề án An ninh lương thực quốc gia đến năm 2020

Tin theo lĩnh vực Nông, lâm nghiệp và thủy lợi  
Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết 10 năm thực hiện Đề án An ninh lương thực quốc gia đến năm 2020
Sáng ngày 18/3/2020, Chính phủ tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết 10 năm thực hiện Đề án An ninh lương thực quốc gia đến năm 2020. Ông Nguyễn Xuân Phúc - Ủy viên Bộ Chính trị - Thủ tướng Chính phủ dự và chủ trì hội nghị.

Tại điểm cầu Hà Nam có bà Lê Thị Thủy - Ủy viên Trung ương Đảng - Bí thư Tỉnh ủy; ông Nguyễn Xuân Đông - Phó Bí thư Tỉnh ủy - Chủ tịch UBND tỉnh; bà Lê Thị Thanh Hà - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy - Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh; ông Trương Minh Hiến - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy - Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ngành…

IMG_4802.jpg
Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu Hà Nam

Theo báo cáo của  Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, an ninh lương thực là vấn đề hết sức hệ trọng đối với mọi quốc gia. Việt Nam với quy mô dân số gần 100 triệu người, đứng thứ 15 thế giới và thứ 3 Đông Nam Á, việc bảo đảm an ninh lương thực càng là vấn đề hệ trọng. Năng suất lúa của Việt Nam cao nhất Đông Nam Á, đạt 5,6 tấn/ha, gần gấp đôi so với Thái Lan và gấp 1,5 lần so với Ấn Độ; năng suất cà phê cao gấp 1,5 lần so với Brazil, gấp 3 lần so với Colombia, Indonesia; năng suất hồ tiêu gấp 3 lần so với Indonesia và 1,3 lần của Ấn Độ; năng suất cá tra bình quân đạt 209 tấn/ha, cao nhất thế giới...

Sau 10 năm thực hiện Đề án An ninh lương thực quốc gia đến năm 2020 đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Trong giai đoạn 2009 - 2019, toàn ngành nông nghiệp duy trì tốc độ tăng trưởng 2,61%/năm; sản xuất hàng hóa chuyển dịch theo hướng hiện đại, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững; vận hành theo cơ chế thị trường, bảo đảm vững chắc an ninh lương thực quốc gia. Giá trị và sản lượng nhiều nông sản trong nước đều tăng mạnh, lương thực bình quân đầu người tăng từ 497 kg/năm trong năm đầu thực hiện đề án lên trên 525 kg/năm hiện nay; sản lượng rau quả tăng trưởng nhanh, từ 9,75 triệu tấn lên 17,6 triệu tấn; sản lượng trái cây tăng từ 6 triệu tấn lên 12,6 triệu tấn… Để bảo đảm đủ lương thực, thực phẩm cho tiêu dùng trong nước, các hộ gia đình đều được tiếp cận lương thực an toàn và đầy đủ dinh dưỡng, đáp ứng nhu cầu cần thiết cho sinh hoạt, sức khỏe và nâng cao tầm vóc cho người dân. 

Tại hội nghị, các đại biểu thảo luận và kiến nghị, đề xuất với Chính phủ, các bộ, ngành trung ương về một số nội dung như: Phê duyệt các đề án thí điểm tích tụ ruộng đất nông nghiệp; tăng cường cơ chế, chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp trong đầu tư sản xuất, chế biến nông sản; nghiên cứu, quy hoạch, hỗ trợ xây dựng các kho dự trữ lúa gạo theo quy mô vùng hoặc theo tỉnh; xây dựng, tăng cường quỹ dự phòng hỗ trợ nông dân nói chung, các hộ dân sản xuất lúa nói riêng khi gặp khó khăn, thất thu do thiên tai, bão lũ…

thucp9590.jpg
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu kết luận hội nghị​​

Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc ghi nhận, đánh giá cao nỗ lực của các bộ, ban, ngành, địa phương trong thực hiện Kết luận số 53-KL/TW ngày 05/8/2009 của Bộ Chính trị về Đề án An ninh lương thực quốc gia đến năm 2020. Thủ tướng Chính phủ khẳng định: Đề án An ninh lương thực quốc gia đến năm 2020 đã góp phần nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên, nhân dân về vị trí, vai trò, mục đích, ý nghĩa của phát triển lương thực thực phẩm nhằm đảm bảo an ninh lương thực quốc gia. Để khắc phục những hạn chế, tồn tại, đạt được các mục tiêu luôn đảm bảo đủ lương thực thực phẩm cho tiêu dùng trong nước, các hộ gia đình đều được tiếp cận lương thực an toàn, đầy đủ dinh dưỡng; kim ngạch lúa gạo xuất khẩu tăng bình quân 9 -10%/năm, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành liên quan, các địa phương cần đẩy mạnh phát triển, cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp, đảm bảo đáp ứng đầy đủ nhu cầu lương thực thực phẩm  cho tiêu dùng trong nước và xuất khẩu; tiếp tục nâng cấp, hiện đại hóa kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn phục vụ sản xuất lương thực thực phẩm; nâng cao trình độ nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao khoa học công nghệ trong sản xuất nông nghiệp, chú trọng phương pháp chọn, tạo các giống lúa mới có tiềm năng kinh tế cao, thích ứng tốt với biến đổi khí hậu; gia tăng chế biến để nâng cao năng suất, chất lượng lương thực thực phẩm; đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của ngành Nông nghiệp, đáp ứng yêu cầu của nền nông nghiệp hiện đại; tổ chức lại sản xuất lương thực thực phẩm theo vùng chuyên canh; tăng cường sự liên kết giữa Nhà nước, doanh nghiệp, nông dân trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm; tiếp tục đổi mới, hoàn thiện cơ chế, chính sách đối với nông dân, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh gạo; phát triển hệ thống thông tin an ninh lương thực, dinh dưỡng; đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong lĩnh vực an ninh lương thực…/.