Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác tư pháp năm 2019, triển khai nhiệm vụ công tác tư pháp năm 2020

Tin theo lĩnh vực Nội chính  
Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác tư pháp năm 2019, triển khai nhiệm vụ công tác tư pháp năm 2020
Sáng ngày 24/12/2019, Bộ Tư pháp tổ chức hội nghị tổng kết công tác tư pháp năm 2019, triển khai nhiệm vụ công tác tư pháp năm 2020. Ông Trương Hòa Bình - Ủy viên Bộ Chính trị - Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ dự và chỉ đạo hội nghị.

Dự hội nghị tại điểm cầu Hà Nam có ông Nguyễn Xuân Đông - Phó Bí thư Tỉnh ủy - Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành liên quan…

DSC_3580.jpg
Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu Hà Nam

Năm 2019, ngành Tư pháp đã chủ động, khẩn trương xác định các nhiệm vụ công tác trọng tâm, triển khai toàn diện các lĩnh vực công tác. Ngành đã hoàn thành và bảo đảm chất lượng, tiến độ các nhiệm vụ theo chương trình, kế hoạch đã đề ra từ đầu năm và nhiều nhiệm vụ đột xuất, phát sinh trong năm, tiếp tục đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, của từng địa phương. Việc tổ chức tổng kết, đánh giá thực hiện các nghị quyết của Bộ Chính trị, chỉ thị của Ban Bí thư, sơ kết thi hành Hiến pháp năm 2013 được thực hiện khẩn trương, đồng bộ. Công tác cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong ngành được đẩy mạnh, chỉ số xếp hạng về cải cách hành chính của Bộ tiếp tục được cải thiện, chỉ số chi phí tuân thủ pháp luật vượt chỉ tiêu do Chính phủ giao. Chất lượng hồ sơ các đề nghị xây dựng, dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) tiếp tục được cải thiện. Công tác thẩm định VBQPPL ngày càng đi vào chiều sâu. Trong năm, toàn ngành đã thẩm định trên 6.600 dự thảo VBQPPL. Công tác thi hành án dân sự (THADS) đạt kết quả cao nhất từ trước đến nay.  Năm 2019, tổng số việc thụ lý là trên 972 nghìn việc, trong đó số có điều kiện thi hành, đã thi hành xong là trên 579 nghìn việc (tăng 1,42% so với năm 2018); tổng số thụ lý về tiền là trên 273 nghìn tỷ đồng, trong số có điều kiện thi hành, đã thi hành xong trên 52 nghìn tỷ đồng (tăng đến 52,77% so với năm 2018). Đã xuất hiện nhiều mô hình hay, hiệu quả, nhất là ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin trong công tác phổ biến giáo dục pháp luật; giải quyết được số lượng lớn yêu cầu của người dân, doanh nghiệp trong lĩnh vực hành chính tư pháp, bổ trợ tư pháp, nhất là trong cấp phiếu lý lịch tư pháp, chứng thực, công chứng, đăng ký giao dịch bảo đảm; các lĩnh vực công việc khác cũng được triển khai hiệu quả, bám sát chương trình, kế hoạch đã đề ra.

Năm 2020, ngành Tư pháp đề ra một số nhiệm vụ trọng tâm: Tham mưu giúp Chính phủ, chính quyền địa phương hoàn thiện hệ thống pháp luật gắn với tổ chức thi hành pháp luật, bảo đảm thực hiện chủ trương của Đảng về chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật trong giai đoạn mới; tiếp tục xây dựng, nghiên cứu xây dựng: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính; Luật Tương trợ tư pháp trong lĩnh vực dân sự; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Lý lịch tư pháp. Phối hợp chỉnh lý, hoàn thiện và triển khai thi hành hiệu quả Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật ban hành VBQPPL, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp sau khi được Quốc hội thông qua; tăng cường quản lý nhà nước trong các lĩnh vực hộ tịch, quốc tịch, chứng thực, nuôi con nuôi, lý lịch tư pháp, đăng ký giao dịch bảo đảm, bồi thường nhà nước và bổ trợ tư pháp;

pho-thu-tuong.jpg
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình phát biểu kết luận hội nghị​

Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình ghi nhận, biểu dương những nỗ lực, cố gắng của ngành Tư pháp trong xây dựng thể chế pháp luật, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ đề nghị ngành Tư pháp tiếp tục làm tốt vai trò của mình nhằm nâng cao chất lượng công tác thẩm định, góp ý vào VBQPPL; hoàn thiện thể chế phương thức THADS, thi hành án hành chính; nâng tỷ lệ việc THADS xong/tổng số việc có điều kiện thi hành án năm sau cao hơn năm trước. Nâng cao hiệu lực hiệu quả quản lý nhà nước về hành chính tư pháp; xử lý tốt hơn nữa các vấn đề pháp lý quốc tế. Các bộ ngành, cơ quan ngang bộ, các địa phương tiếp tục quan tâm xây dựng thể chế, hoàn thiện cơ chế pháp lý; quan tâm làm tốt chế độ chính sách cho cán bộ tư pháp - pháp chế các địa phương..../.