Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết Đề án “Xã hội học tập giai đoạn 2012 -2021”

Tin theo lĩnh vực Giáo dục  
Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết Đề án “Xã hội học tập giai đoạn 2012 -2021”
Sáng ngày 18/6/2021, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết 08 năm thực hiện Quyết định số 89/QĐ-TTg ngày 09/01/2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2012- 2020”.  Nguyễn Kim Sơn - Uỷ viên Trung ương Đảng - Bộ trưởng Bộ GD&ĐT; Giáo sư - Tiến sĩ Phạm Tất Dong - Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng thư ký Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam chủ trì hội nghị.
tu.jpg
Đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu trung ương​
Dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Hà Nam có ông Trần Xuân Dưỡng -Tỉnh ủy viên - Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ngành, đoàn thể ...
IMG_5225.jpg
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Xuân Dưỡng (ngồi giữa) điều hành hội nghị tại điểm cầu tỉnh Hà Nam

08 năm qua, Đề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2012- 2020" đã được triển khai tích cực trên địa bàn cả nước. Bộ GD&ĐT với vai trò chủ đạo đã thực hiện tốt công tác chỉ đạo các địa phương tham mưu cho cấp ủy, chính quyền thành lập BCĐ các cấp; tổ chức tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức và ý thức tham gia của cán bộ, đảng viên và nhân dân; chỉ đạo nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các cơ sở giáo dục (CSGD); nâng cao chất lượng các chương trình đào tạo từ xa trong các CSGD đại học và tăng cường phối hợp cung cấp nguồn học liệu cho các CSGD thường xuyên.

 Đến năm 2020, cả nước đã có 25 CSGD đại học có mở chương trình đào tạo từ xa cấp văn bằng trình độ đại học với tổng số 178 chương trình đào tạo từ xa, trong đó có 84 chương trình đào tạo có sinh viên. Về thực hiện Đề án “Xóa mù chữ đến năm 2020", giai đoạn 2012-2020 đã xóa mù chữ cho 295.308 người trong độ tuổi 15- 60, nâng tỷ lệ biết chữ độ tuổi này lên 97,85%;  tỷ lệ biết chữ độ tuổi từ 15- 35 là 99,3%; 100% các đơn vị từ cấp xã tới cấp tỉnh đạt chuẩn mức 01 và trên 81,4% đơn vị đạt chuẩn mức 02 về xóa mù chữ. Bên cạnh đó, nhiều chương trình, đề án cũng được triển khai thực hiện hiệu quả, khích lệ các tổ chức, cá nhân tích cực tham gia xây dựng xã hội học tập. Chỉ riêng với các mô hình học tập, đến hết giai đoạn, cả nước có 72,77% gia đình học tập; 66,51% dòng họ học tập; 65,38% cộng đồng học tập; 85,73% đơn vị học tập… Mạng lưới cơ sở giáo dục thường xuyên tiếp tục được củng cố và phát triển nhanh chóng về số lượng, đa dạng về mô hình, đáp ứng tốt hơn nhu cầu học tập của người dân. Qua đánh giá, các mục tiêu của Đề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2012-2020" đã cơ bản đạt yêu cầu.

Giai đoạn 2021-2030, việc xây dựng xã hội học tập được xác định dựa trên nền tảng phát triển đồng thời, gắn kết và liên thông giữa giáo dục chính quy và giáo dục thường xuyên, liên thông giữa các cấp học, trình độ đào tạo với các hình thức phù hợp. Mục tiêu là tạo chuyển biến cơ bản trong xây dựng xã hội học tập theo hướng hình thành hệ thống giáo dục mở, linh hoạt, liên thông, bảo đảm đến năm 2030 mọi người dân đều có cơ hội bình đẳng trong việc tiếp cận giáo dục suốt đời có chất lượng, góp phần thực hiện thành công khâu đột phá chiến lược về phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao trong bối cảnh đất nước đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa trên nền tảng cách mạng công nghiệp 4.0.

Tham luận tại hội nghị, các đại biểu chia sẻ kinh nghiệm và đưa ra nhiều kiến nghị, giải pháp để việc triển khai thực hiện các mục tiêu xây dựng xã hội học tập ở giai đoạn tiếp theo.

Phát biểu kết luận hội nghị, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn khẳng định: Xây dựng xã hội học tập là công việc lớn, phải có sự tham gia của toàn xã hội mới đạt được hiệu quả thực tế. Thời gian tới cần thay đổi mạnh mẽ về cả quy mô, phương pháp và hành động thực hiện xây dựng xã hội học tập toàn diện để người dân có nhiều hơn cơ hội học tập theo nhu cầu, góp phần phát triển nguồn nhân lực quốc gia. Bộ trưởng Bộ GD&ĐT đề nghị cần tăng cường công tác truyền thông, định hướng xã hội, giúp người dân có nhận thức đúng đắn về việc học tập phát triển bản thân và được hỗ trợ, tạo các điều kiện học tập. Các CSGD cần làm tốt vai trò then chốt trong việc trang bị cho người học kiến thức, kỹ năng học tập cần thiết. Phát huy vai trò của doanh nghiệp trong việc tạo động lực, tiềm lực cho phát triển xã hội học tập. Bộ GD&ĐT thời gian tới sẽ thực hiện rà soát, đánh giá lại hoạt động của các mô hình xã hội học tập, của các trung tâm học tập cộng đồng; tập trung thực hiện tốt các mục tiêu xóa mù chữ, phát triển hệ thống đào tạo từ xa, gia tăng nguồn tài nguyên số phục vụ học tập thường xuyên, tăng cường các hoạt động của hội khuyến học các cấp. Cùng với hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật đã và đang được thực hiện, Bộ GD&ĐT sẽ xem xét, nghiên cứu và lấy ý kiến để xây dựng Luật Giáo dục thường xuyên, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển xã hội học tập.  

IMG_5232.jpg
Tập thể, cá nhân Hà Nam được Bộ trưởng Bộ GD&ĐT khen thưởng​​

Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT đã tặng Bằng khen cho 71 tập thể và 92 cá nhân có thành ​tích xuất sắc trong thực hiện Đề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2012-2020". Trong đó, tỉnh Hà Nam vinh dự có 01 tập thể và 02 cá nhân được nhận bằng khen của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT./.