Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Hội nghị trực tuyến Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử với Ban Chỉ đạo Xây dựng Chính phủ điện tử, Chính quyền điện...

Tin theo lĩnh vực Thông tin và truyền thông  
Hội nghị trực tuyến Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử với Ban Chỉ đạo Xây dựng Chính phủ điện tử, Chính quyền điện tử các bộ, ngành và địa phương
Sáng ngày 12/02/2020, ông Nguyễn Xuân Phúc - Ủy viên Bộ Chính trị - Thủ tướng Chính phủ - Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử chủ trì hội nghị trực tuyến Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử với Ban Chỉ đạo Xây dựng Chính phủ điện tử, Chính quyền điện tử các bộ, ngành và địa phương.

Tại điểm cầu Hà Nam có ông Bùi Quang Cẩm - Tỉnh ủy viên - Phó Chủ tịch UBND tỉnh; thành viên Ban Chỉ đạo xây dựng Chính quyền điện tử tỉnh; thành viên Tổ công tác giúp việc Ban Chỉ đạo xây dựng Chính quyền điện tử tỉnh; lãnh đạo UBND các huyện, thị xã, thành phố…

Theo báo cáo tại hội nghị, năm 2019, công cuộc xây dựng Chính phủ điện tử có nhiều chuyển biến tích cực. Tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến cấp độ 4 tăng gấp đôi. Hệ thống Trục liên thông văn bản quốc gia phục vụ gửi, nhận văn bản điện tử giữa các cơ quan trong hệ thống hành chính Nhà nước; Hệ thống thông tin phục vụ họp và xử lý công việc của Chính phủ. Cổng Dịch vụ công quốc gia đã được khai trương và đi vào hoạt động đã phát huy hiệu quả bước đầu; công tác bảo đảm an toàn thông tin, an ninh mạng được cải thiện. Từ thời điểm Thủ tướng Chính phủ nhấn nút khai trương (09/12/2019) đến nay, đã có 47.377 tài khoản đăng ký trên Cổng Dịch vụ công quốc gia; có hơn 13,7 triệu lượt truy cập; hơn 945.000 hồ sơ đồng bộ trạng thái. Đến thời điểm này, đã có 9/22 bộ, cơ quan và 63/63 tỉnh, thành phố kết nối, tích hợp với Cổng Dịch vụ công quốc gia. Tính từ thời điểm Thủ tướng Chính phủ khai trương (ngày 12/3/2019) đến ngày 10/2/2020, đã có hơn 1,26 triệu văn bản điện tử gửi, nhận qua Trục liên thông văn bản quốc gia.

Bên cạnh những kết quả như trên, trong triển khai các nhiệm vụ Chính phủ điện tử vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như chưa hoàn thành các văn bản quy phạm pháp luật làm khung thể chế cho triển khai Chính phủ điện tử, chưa hoàn thành cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, đất đai. Trên 70% các bộ, ngành, địa phương chưa có nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu...

Tại hội nghị, các Bộ, ngành, địa phương đã góp ý nhiều vấn đề trong quá trình triển khai xây dựng Chính phủ điện tử thời gian qua. 

bac-phuc.jpg
Thủ tướng Chỉnh phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu kết luận hội nghị​

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc biểu dương những nỗ lực vượt bậc, có nhiều cách làm mới, sáng tạo của các bộ, ngành về những thành tựu xây dựng Chính phủ điện tử trong thời gian qua, qua đó đã đóng góp hiệu quả cho công cuộc phát triển kinh tế - xã hội. Nhấn mạnh về vấn đề đổi mới công nghệ, Thủ tướng Chính phủ cho rằng cần đổi mới trước hết là về con người, về thể chế sau đó mới đến công nghệ. Cho rằng khả năng đột phá trong xây dựng Chính phủ điện tử ở Việt Nam rất cao, vượt trên các quốc gia khác, song, Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương nhìn nhận một số tồn tại hạn chế đã được nêu trong hội nghị để khắc phục trong thời gian tới. Đề cập về nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2020, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu có lộ trình cụ thể để tiếp tục xây dựng chiến lược về xây dựng Chính phủ điện tử. Các cơ quan cần tập trung hoàn thiện thể chế bởi đây là khâu quan trọng, luôn phải đi trước để hình thành Chính phủ điện tử. Hoàn thiện các yếu tố nền tảng của Chính phủ điện tử; các bộ: Tài chính, Thông tin và Truyền thông triển khai các giải pháp bảo đảm nguồn tài chính cần thiết cho công tác xây dựng Chính phủ điện tử. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc giao Bộ Thông tin và Truyền thông nghiên cứu, đề xuất xây dựng Trung tâm Giám sát quốc gia về Chính phủ điện tử, đồng thời chú ý công tác đào tạo nguồn lực, cán bộ về công nghệ thông tin. Đồng thời kêu gọi các doanh nghiệp công nghệ có khả năng trong nước tham gia xây dựng Chính phủ điện tử./.​