Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Hội nghị trực tuyến về truyền thông chính sách

Tin theo lĩnh vực Thông tin và truyền thông  
Hội nghị trực tuyến về truyền thông chính sách
Chiều ngày 24/11/2022, Chính phủ tổ chức hội nghị trực tuyến về truyền thông chính sách với chủ đề: Nhận thức - Hành động - Nguồn lực. Ông Phạm Minh Chính - Ủy viên Bộ Chính trị - Thủ tướng Chính phủ dự và chủ trì hội nghị.

z3908551652653_5627144ec5bcfd0eb4a705a53e515838.jpg

Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu Hà Nam

Dự hội nghị tại điểm cầu Hà Nam có ông Nguyễn Đức Vượng - Tỉnh ủy viên - Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Sở Thông tin và Truyền thông, Văn phòng UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ngành liên quan; Tổng Biên tập Báo Hà Nam; Giám đốc Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố...

Theo báo cáo tại hội nghị, công tác truyền thông các chủ trương, đường lối, chính sách hiện nay được Đảng và Nhà nước ta đặc biệt coi trọng với phương châm truyền thông luôn phải đi trước để thống nhất nhận thức, tạo sự đồng thuận trong toàn xã hội, kịp thời phát hiện và xử lý hiệu quả đối với những xu hướng thông tin sai lệch bản chất, không có lợi cho sự phát triển của đất nước. Kể từ Đại hội lần thứ XIII của Đảng đến nay, công tác truyền thông chính sách được chú trọng và đổi mới, từ “truyền thông nội bộ" tới truyền thông đại chúng. Theo đó, nhằm quán triệt hiệu quả, kịp thời Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII và các nghị quyết của Trung ương tới các đảng viên, cán bộ lãnh đạo, công chức, viên chức trong hệ thống chính trị, các hoạt động học tập nghị quyết, quán triệt các chỉ thị, kết luận của Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã được tổ chức rộng rãi theo hình thức trực tuyến tới tất cả các tổ chức cơ sở đảng trên toàn quốc; công tác truyền thông về hiệu quả hoạt động của Quốc hội được Quốc hội khóa XV đặc biệt chú trọng, với nhiều đổi mới. Chính phủ đã đặt công tác chủ động truyền thông chính sách trong toàn hệ thống chính quyền từ Trung ương tới địa phương ở vị trí trung tâm trong công tác chỉ đạo điều hành với tinh thần công khai, minh bạch, chủ động, kịp thời. Việc kiện toàn bộ máy chỉ đạo các vấn đề lớn của đất nước luôn có sự tham gia của lực lượng truyền thông chính sách, với các kế hoạch truyền thông chi tiết, các thông điệp truyền thông cụ thể, dễ nhớ, dễ làm theo được ban hành trong từng giai đoạn; hệ thống báo chí, truyền thông góp phần hết sức to lớn vào việc truyền đi kịp thời những thông điệp quan trọng trong chính sách của Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ. Truyền thông chính sách giờ đây được coi là phương thức quan trọng nhằm tạo chuyển biến mạnh mẽ trong ý thức chấp hành, tự giác học tập, tìm hiểu pháp luật, tự giác chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước…

Tại hội nghị, các bộ, ngành, địa phương tập trung thảo luận làm rõ nội hàm công tác truyền thông chính sách; thống nhất về phương thức và chia sẻ kinh nghiệm trong truyền thông chính sách; nêu lên những khó khăn, vướng mắc và đề xuất các kiến nghị, giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả thực hiện.

 z3908551652212_b62d4776a315f7f52ae8f33643641eaf.jpg
​Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu kết luận hội nghị

Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh vai trò của công tác truyền thông chính sách là phần quan trọng trong hoạt động truyền thông của Đảng, Nhà nước và Chính phủ. Truyền thông chính sách là trách nhiệm của các cơ quan hành chính, báo chí với mục tiêu cao nhất là làm sao để mọi chủ trương, chính sách đến được với đông đảo người dân, thực hiện phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát và dân thụ hưởng"; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, xây dựng và củng cố niềm tin của Nhân dân với cơ quan nhà nước.

Thủ tướng Chính phủ lưu ý, trong công tác truyền thông phải có phương pháp, cách làm phù hợp với tình hình, bối cảnh từng cơ quan, đơn vị; chú trọng đổi mới, sáng tạo trong cách thức thực hiện để chuyển tải được thông tin đến với người dân một cách dễ hiểu, dễ làm; gắn truyền thông chính sách với bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng; tăng cường thông tin chính thống; phản bác, ngăn chặn thông tin xấu độc để nâng cao nhận thức, tạo chuyển biến trong hành động; ưu tiên đầu tư các nguồn lực, hoàn thiện thể chế, xây dựng chương trình kế hoạch cụ thể, thống nhất trong tổ chức thực hiện truyền thông chính sách. Thủ tướng Chính phủ đề nghị, trong thời gian tới, công tác truyền thông phải phân tích rõ thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức của đất nước; đẩy mạnh truyền thông chính sách trên các phương tiện, không gian truyền thông mới; tích cực quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam với thế giới.../.