Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội

Tin theo lĩnh vực Đại hội Đảng  
Huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội
Tỉnh Hà Nam nằm trong quy hoạch xây dựng vùng Thủ đô, là cửa ngõ phía Nam Hà Nội, vị trí trung tâm kết nối các tỉnh Đồng bằng sông Hồng. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là hạ tầng giao thông ngày càng đồng bộ, hiện đại, thuận lợi. Việc thu hút đầu tư đã và đang phát huy hiệu quả, là tiền đề quan trọng cho sự phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn tới.

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX đã xác định phương hướng, mục tiêu đó là “Đổi mới định hướng đầu tư và mô hình tăng trưởng, trọng tâm là công nghiệp hóa nông nghiệp; mở rộng liên kết, chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, khai thác tối đa mọi tiềm năng, lợi thế để nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh nền kinh tế". Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, các nghị quyết chuyên đề về phát triển kinh tế - xã hội, bên cạnh quản lý chặt chẽ, hiệu quả đầu tư công, Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh đã đổi mới và đẩy mạnh thu hút đầu tư, mở rộng giao lưu văn hóa, quan hệ hữu nghị hợp tác của tỉnh với các địa phương nước bạn như: Nhật Bản, Hàn Quốc… Tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp đẩy nhanh tiến độ đầu tư, phát triển sản xuất kinh doanh. Tiếp tục thực hiện tốt 10 cam kết của tỉnh với các nhà đầu tư; chỉ đạo các đơn vị cung cấp dịch vụ, nâng cao chất lượng dịch vụ phục vụ doanh nghiệp; định kỳ tổ chức hội nghị gặp mặt, đối thoại với các doanh nghiệp đang đầu tư tại tỉnh, giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc, kiến nghị chính đáng, cải thiện hiệu quả môi trường đầu tư kinh doanh; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian giải quyết hồ sơ, hỗ trợ đào tạo công nhân, tuyển dụng lao động cho doanh nghiệp; tăng cường công khai, minh bạch thông tin về quy hoạch, cơ chế chính sách; chấn chỉnh, nâng cao chất lượng và trách nhiệm cán bộ, công chức, viên chức trong thực thi nhiệm vụ, công vụ; giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.

Với những giải pháp đồng bộ đã được thực hiện trong nhiệm kỳ qua, tổng vốn đầu tư toàn xã hội giai đoạn 2016 - 2020 tăng gấp 2 lần giai đoạn 2011 - 2015. Trong đó: Vốn đầu tư từ khu vực nhà nước đạt 26.409 tỷ đồng (giảm 5,6% so với giai đoạn trước), vốn đầu tư từ khu vực ngoài nhà nước đạt 85.174 tỷ đồng (tăng 2,8 lần so với giai đoạn trước) và vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt 32.884 tỷ đồng (tăng 2,7 lần so với giai đoạn trước). Vốn vay ưu đãi với tổng mức đầu tư ODA là: 218,2 triệu USD và 27,5 triệu Euro. Lũy kế đến 20/8/2020, trên địa bàn tỉnh có 1.005 dự án đầu tư còn hiệu lực (317 dự án FDI và 688 dự án trong nước) với vốn đăng ký 4.206,3 triệu USD và 133.813,3 tỷ đồng. Giai đoạn 2016-2020, phát triển mới 3.020 doanh nghiệp với tổng số vốn đăng ký 44.911tỷ đồng, nâng tổng số doanh nghiệp trên địa bàn đến nay là 6.566, trong đó số thực tế hoạt động là trên 5.000 doanh nghiệp. Kết quả thu hút đầu tư đã đóng góp quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của tỉnh, bình quân giai đoạn 2016 - 2020 tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt trên 10%; quy mô nền kinh tế năm 2020 tăng gấp 1,7 lần so với năm 2015, tạo tiền đề quan trọng để thực hiện mục tiêu xây dựng tỉnh Hà Nam phát triển nhanh và bền vững.

23875.jpg
Các đại biểu thực hiện nghi thức động thổ Nhà máy sản xuất và lắp ráp ô tô Hồng Đức tại phường Châu Giang, thị xã Duy Tiên, tỉnh Hà Nam

Bên cạnh những kết quả đạt được, việc thu hút đầu tư, huy động các nguồn lực cho đầu tư phát triển kinh tế - xã hội còn có những tồn tại hạn chế: Huy động và hiệu quả sử dụng các nguồn lực chưa tạo bước đột phá mạnh; nguồn vốn đầu tư thu hút được chưa tương xứng với tiềm năng, vị trí địa kinh tế của tỉnh, thu hút vốn đầu tư của doanh nghiệp vào lĩnh vực nông nghiệp hạn chế. Việc khai thác và sử dụng tài nguyên chưa hợp lý và tiết kiệm, Môi trường nhiều nơi bị ô nhiễm. Định hướng đầu tư còn dàn trải, chưa trọng tâm, trọng điểm. Nhiều dự án tiến độ chậm, tỷ lệ giải ngân thấp; chất lượng lao động chưa đáp ứng được yêu cầu…

Nhận thức sâu sắc tầm quan trọng của nguồn lực đầu tư, là một trong những yếu tố quyết định để thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, trong giai đoạn 2020 - 2025, Hà Nam sẽ xây dựng các cơ chế, chính sách thúc đẩy khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, khai thác cơ hội cuộc cách mạng Công nghiệp 4.0, phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ, quan tâm doanh nghiệp tham gia tiếp nhận chuyển giao công nghệ, liên kết sản xuất sản phẩm phụ trợ; khuyến khích và có cơ chế hỗ trợ cho các doanh nghiệp có quy mô lớn, tiềm lực mạnh, có khả năng cạnh tranh cao, phấn đấu đến 2025 toàn tỉnh có khoảng 10.000 doanh nghiệp.

Để tiếp tục huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong thời gian tới, Hà Nam sẽ tập trung vào một số nhiệm vụ, giải pháp: Nâng cao tính năng động và tiên phong của lãnh đạo các ngành, các cấp trong thực hiện vai trò trách nhiệm hỗ trợ, đồng hành cùng với doanh nghiệp; tập trung xây dựng quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, quy hoạch các khu công nghiệp, quy hoạch sử dụng đất, đặc biệt các vị trí đất lợi thế phát triển dịch vụ, thương mại, nhà ở, các quy hoạch chi tiết xây dựng các phân khu chức năng, các khu đô thị; khuyến khích huy động đa dạng các nguồn lực để đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội theo hướng đồng bộ, hiện đại, trước mắt là hoàn chỉnh hệ thống giao thông kết nối các tỉnh, thành trong vùng; đẩy mạnh thực hiện cải cách thủ tục hành chính, trọng tâm là việc xây dựng “Chính phủ điện tử", “Đô thị thông minh" nhằm giảm bớt số lượng, thời gian, chi phí thực hiện các thủ tục hành chính cho các doanh nghiệp, nhất là các thủ tục hành chính liên quan trực tiếp đến hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh; quan tâm đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, đội ngũ lao động kỹ thuật, công nhân lành nghề, có tác phong công nghiệp, ý thức tổ chức kỷ luật cao để phát huy lợi thế nguồn nhân lực, đáp ứng nhu cầu lao động cho các doanh nghiệp.

Với những giải pháp đồng bộ như trên, trong thời gian tới Hà Nam phấn đấu đạt mức phát triển khá của vùng đồng bằng Bắc Bộ, đáp ứng sự kỳ vọng của các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước./.​