…Đầu năm 1945, Hồng quân Liên
Xô đã quét sạch phát xít Đức ra khỏi đất nước, tiếp tục truy kích chúng đến
hang ổ Đức Quốc xã. Trên mặt trận Thái Bình Dương, phát xít Nhật cũng đang bị
đẩy vào tình thế khốn cùng. Ở Đông Dương, mâu thuẫn giữa Nhật - Pháp đã gay gắt
tới cực điểm. Thực dân Pháp đang nung nấu quyết tâm khôi phục lại quyền thống
trị của chúng ở xứ Đông Dương. Trong giờ phút nguy khốn, để tránh mối hậu họa
bị quân Pháp đánh vào sau lưng khi quân Đồng minh kéo vào, Nhật phải làm cuộc
đảo chính hất cẳng Pháp, độc chiếm Đông Dương vào đêm 9/3/1945.
Trước tình hình trong nước và
thế giới chuyển biến hết sức mau lẹ, ngay đêm 9/3/1945, Ban Thường vụ Trung
ương Đảng họp Hội nghị mở rộng tại huyện Từ Sơn (Bắc Ninh) do đồng chí Trường
Chinh, Tổng Bí thư Đảng chủ trì. Sau khi phân tích tình hình mọi mặt, Hội nghị
nhận định: Cuộc đảo chính Nhật - Pháp đã tạo ra một tình hình khủng hoảng chính
trị sâu sắc, làm cho những điều kiện của cuộc khởi nghĩa vũ trang đi đến chín
muồi nhanh chóng.
Ngày 19/8/1945, tại Quảng
trường Nhà hát Lớn, hàng vạn người dân Thủ đô dự Lễ mít tinh chào mừng Ủy ban
Quân quản. Ảnh: Tư liệu TTXVN
Hội nghị chủ trương phát động
cao trào kháng Nhật cứu nước mạnh mẽ, làm tiền đề cho cuộc khởi nghĩa. Nội dung
của Hội nghị đã được thể hiện trong Chỉ thị "Nhật - Pháp bắn nhau và hành
động của chúng ta". Chỉ thị quan trọng này đã chỉ đạo hoạt động của toàn
Đảng, toàn dân trong cao trào kháng Nhật cứu nước.
Tháng 4/1945, tại nhà của vợ
chồng đồng chí Phạm Văn Hoán, bên bờ sông Đào, thôn Ngọc Động, xã Hoàng Đạo
Đông (Duy Tiên) đồng chí Lê Thành, Lê Quang Tuấn, Trần Quyết cùng một số đồng
chí cán bộ các huyện, tổ chức Hội nghị để bàn kế hoạch chỉ đạo phong trào cách
mạng trong tỉnh và cử ra Ban Cán sự lâm thời có 5 đồng chí: Lê Thành, Lê Quang
Tuấn, Trần Quyết, Lê Hồ, Phạm Sĩ Phú, do đồng chí Lê Thành làm Trưởng ban. Hội
nghị Ngọc Động có ý nghĩa rất to lớn, đã lập lại được cơ quan lãnh đạo Đảng
tỉnh Hà Nam sau gần 4 năm bị địch phá vỡ. Từ đây các cơ sở Đảng và các tổ chức
Việt Minh ở các huyện đã có bộ tham mưu trực tiếp lãnh đạo.
Để kiện toàn Ban Cán sự Đảng
các tỉnh, Xứ ủy Bắc Kỳ cử đồng chí Hà Kế Tấn, Xứ ủy viên về trực tiếp phụ trách
phong trào cách mạng tỉnh Nam Định và Hà Nam.
Ngày 18/6/1945, Ban Cán sự đã
huy động quần chúng, tổ chức cuộc mít tinh tại chợ Dầu (Phù Đê - Kim Bảng), có
trương băng, cờ đỏ sao vàng, phân phát truyền đơn, diễn thuyết, hô hào chống
thóc tạ, chống sưu cao thuế nặng, vạch mặt Chính phủ bù nhìn Trần Trọng Kim và
bọn Việt gian bán nước; kêu gọi đồng bào tham gia Việt Minh đuổi Nhật cứu nước,
cứu nhà. Cuộc mít tinh biến thành cuộc biểu tình tuần hành vũ trang thị uy, gây
tiếng vang rộng lớn và được báo Cứu Quốc đưa tin.
Những ngày tháng Tám năm 1945
sôi sục ở Hà Nội. Ảnh: TTXVN
Trong tình thế sôi động này, ở
tại cơ sở Vãng Sơn, ấp Thọ Cầu (Kim Bảng), Ban Cán sự Đảng tỉnh Hà Nam chăm chú
nghe đài theo dõi tình hình. Trưa ngày 13/8/1945, khi biết tin phát xít Nhật đã
đầu hàng quân Đồng minh không điều kiện, các đồng chí đã nghĩ ngay tới Chỉ thị
Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta của Trung ương Đảng, tiên đoán
giờ phút này là thời cơ tốt nhất để giành chính quyền. Đồng chí Lê Thành,
Trưởng ban đã trao đổi và thống nhất trong toàn Ban Cán sự, cấp tốc triệu tập
Hội nghị Ban Cán sự mở rộng và cũng là Hội nghị đại biểu Việt Minh tỉnh quyết định
kế hoạch Tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong toàn tỉnh Hà Nam.
Hội nghị được mở tại thôn Lũng
Xuyên (Yên Bắc - Duy Tiên), quê hương của đồng chí Nguyễn Hữu Tiến, cái nôi của
phong trào cách mạng tỉnh Hà Nam. Hội nghị họp trong hai ngày (15 và 16/8/1945),
mỗi huyện cử từ 3 đến 5 đại biểu là cán bộ chủ chốt. Trước khi đi dự Hội nghị
tỉnh, các đồng chí đã chuẩn bị kế hoạch triệu tập Hội nghị của huyện để triển
khai Nghị quyết mới.
Để bảo đảm cho việc chuẩn bị
khởi nghĩa giành chính quyền được tốt, Ban Cán sự đảng và Ủy ban Quân sự Cách
mạng tỉnh đã phân công phụ trách và trực tiếp chỉ huy khởi nghĩa ở từng huyện.
Đồng chí Lê Thành, phụ trách huyện Kim Bảng, đồng chí Lê Quang Tuấn, phụ trách
huyện Lý Nhân, đồng chí Trần Quyết, phụ trách xây dựng kế hoạch quân sự cho
khởi nghĩa giành chính quyền của tỉnh, huyện Thanh Liêm và Ý Yên, đồng chí Minh
Phú, phụ trách huyện Bình Lục, đồng chí Lưu Quang Bích phụ trách huyện Duy
Tiên.
Ngày 17/8/1945, đồng chí Lê
Thành quyết định giao cho mỗi huyện một số đạn súng trường, thắt lưng và bao
đạn. Các đại biểu ra về mang theo niềm tin và ý chí quyết tâm thực hiện Nghị
quyết với hiệu quả cao nhất.
Sáng ngày 20/8/1945 như một sự
thống nhất hành động, cả ba huyện Duy Tiên, Lý Nhân, Kim Bảng đã nhất tề vùng
lên khởi nghĩa.
Đúng 10 giờ, một hồi kèn vang
lên, dưới lá cờ đỏ sao vàng, đội quân cách mạng vũ trang tiến vào huyện đường
đóng tại Điệp Sơn. Đến cổng chính, đồng chí chỉ huy cho nổ một băng tiểu liên
giòn giã làm hiệu lệnh, lực lượng ở các hướng tràn vào huyện đường. Tên đội và
lính cơ hoảng hốt định chống cự, nhưng trước sức mạnh áp đảo của đội quân cách
mạng, chúng phải nộp vũ khí. Toàn bộ chính quyền tay sai nhanh chóng đầu hàng,
giao sổ sách, ấn tín cho cách mạng.
Ở Lý Nhân, tình hình có phức
tạp hơn. Huyện lỵ đóng ở Nga Khê phía bắc huyện, sát đê sông Hồng, nước lên to
trên mức báo động 3. Ở đây có quân Nhật và các kho thóc mà Nhật để ở các đình
chùa xung quanh huyện lỵ.
Hội nghị đã quyết định, sáng
sớm ngày 20/8/1945, lực lượng khởi nghĩa sẽ tập trung ở chợ Nẻ trước cổng
huyện. Đồng chí Trân chỉ huy lực lượng vũ trang bất ngờ đột nhập, nhanh chóng
bắt tên tri huyện và tước vũ khí bọn lính cơ. Một bộ phận khác do đồng chí
Thiện chỉ huy sẵn sàng đối phó với quân Nhật. Đông đảo quần chúng cách mạng bao
vây bên ngoài làm áp lực.
Tối ngày 20/8, Ban lãnh đạo và
Ủy ban Quân sự Cách mạng huyện Lý Nhân đã tổ chức cuộc họp, thống nhất cùng
nhau phải giữ vững đê điều, để phòng nước lụt, bảo vệ nhân dân, xây dựng và bảo
vệ chính quyền cách mạng, cán bộ Việt Minh trong huyện phải gương mẫu phục vụ
nhân dân.
Vào lúc 17 giờ ngày 20/8/1945,
sau phát súng lệnh nổ vang, cuộc khởi nghĩa giành chính quyền huyện Kim Bảng đã
nổ ra. Các mũi tiến công chủ động linh hoạt, áp đảo quan lại, binh lính, chúng
hoảng sợ không dám chống cự. Tên Huyện trưởng Trần Gia Thoại phải cúi đầu nộp
dấu ấn, hạ vũ khí đầu hàng. Lực lượng cách mạng đã thu được 5 súng trường, 1
súng bắn chim và 1 súng lục. Chính quyền lâm thời tổ chức ngay một cuộc mít
tinh mừng chiến thắng.
Khoảng 7 giờ sáng ngày
22/8/1945, hàng ngàn quần chúng trong huyện Bình Lục mang băng, cờ, biểu ngữ,
gậy gộc, giáo mác, có lực lượng tự vệ hỗ trợ, từ nhiều hướng tiến về bao vây
huyện đường. Trước khí thế sục sôi cách mạng của quần chúng, Huyện trưởng Bình
Lục vội đầu hàng, nộp dấu ấn, sổ sách, vũ khí cho Ủy ban Khởi nghĩa.
Tại thôn Thượng Tổ, Ban Cán sự
Việt Minh họp kiểm điểm tình hình mọi mặt và quyết định khởi nghĩa vào ngày
24/8 để cùng phối hợp lực lượng khởi nghĩa giành chính quyền tỉnh lỵ ở thị xã
Phủ Lý. Vào hồi 5 giờ sáng ngày 24/8, hơn một ngàn tự vệ cùng đông đảo quần
chúng cách mạng tiến về tập kết tại cơ sở Thượng Tổ. Sau khi lực lượng cách
mạng bao vây chính quyền địch ở thị xã Phủ Lý, bọn ngụy quyền ở Thanh Liêm
khiếp nhược trước thế lực của Cách mạng, vội vã đầu hàng.
Tại thị xã Phủ Lý, trên đà
thắng lợi của khởi nghĩa ở các huyện. Ban Cán sự Đảng, Ủy ban Quân sự Cách mạng
tập trung chỉ đạo giành chính quyền tỉnh. Lúc này tin thắng lợi ở các tỉnh dồn
dập truyền về, càng thúc giục, cổ vũ phong trào cách mạng trong tỉnh quyết tâm
hoàn thành nhiệm vụ.
Đình Lũng Xuyên, xã Yên Bắc
(Duy Tiên) - Di tích lịch sử cấp quốc gia. Ảnh: Thế Trang
Chính quyền của địch trong tỉnh
Hà Nam đã bị đập tan, nhân dân phấn khởi vui mừng. Đúng 10 giờ sáng ngày 24/8,
cuộc mít tinh khổng lồ khoảng 5 vạn người dự được tổ chức tại sân vận động thị
xã Phủ Lý để chào mừng khởi nghĩa thắng lợi, chào mừng Ủy ban Nhân dân Cách
mạng lâm thời được thành lập. Đồng chí Lê Thành, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Cách
mạng lâm thời tỉnh Hà Nam, công bố 10 chính sách của Việt Minh, kêu gọi nhân
dân ra sức ủng hộ cách mạng.
Cuộc khởi nghĩa giành chính
quyền ở Hà Nam kể từ khi bắt đầu đến khi giành thắng lợi hoàn toàn diễn ra
trong 5 ngày (từ 20 đến 24/8), đó là kết quả của một quá trình chuẩn bị đầy đủ
về tư tưởng và tổ chức chỉ đạo của Đảng bộ tỉnh Hà Nam. Trong suốt 15 năm hoạt
động liên tục, kiên cường, trải qua những bước thăng trầm của lịch sử, có những
lúc tổ chức của Đảng bị phá vỡ, nhiều cán bộ, đảng viên bị địch bắt, số còn lại
phần lớn bị mất liên lạc với cấp trên.
Mặc dù đảng bộ còn rất ít đảng
viên, nhưng do nắm vững đường lối cách mạng của Đảng, lại được nhân dân hết
lòng đùm bọc, che chở, đảng viên đã kiên trì tuyên truyền, giác ngộ, tổ chức
quần chúng đấu tranh, tìm mọi cách khôi phục lại các cơ sở của Đảng để làm hạt
nhân lãnh đạo phong trào. Trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng bộ Hà Nam
được Xứ ủy luôn luôn quan tâm chỉ đạo và cử cán bộ về tăng cường giúp cho Đảng
bộ mau chóng trưởng thành.
Theo Lịch sử Đảng bộ tỉnh Hà Nam tập I (1927 - 1975)