Làm việc tại một doanh nghiệp trên địa thị xã Duy Tiên, chị Trần Thị Ánh, ở phường Hai Bà Trưng (TP Phủ Lý) được trả lương qua tài khoản ngân hàng. Trước đây vào dịp cuối tháng công ty trả lương, chị đều phải đến cây ATM để rút tiền mặt chi tiêu, sinh hoạt cho gia đình. Có thời điểm chị phải chờ 30 - 40 phút mới đến lượt rút tiền, mất rất nhiều thời gian. Khi các NHTM khuyến khích khách hàng sử dụng dịch vụ Mobile Banking chị đã mở tài khoản giao dịch. Mọi chi tiêu của gia đình hiện nay, từ mua sắm sinh hoạt hằng ngày, nộp tiền học phí cho con, trả tiền điện nước… phần lớn chị đều chuyển khoản, không mất thời gian như trước đây.
Chị Ánh chia sẻ: Trước đây muốn rút tiền tôi đều phải ra cây ATM cách nhà 3-4 km. Vào ngày thường thì không sao, nhiều khi vào dịp lễ, Tết công ty mới trả lương, thưởng, công nhân xếp hàng dài chờ rút tiền. Khi các NHTM khuyến khích khách chi tiêu không dùng tiền mặt, tôi chuyển sang sử dụng thêm cả dịch vụ Mobile banking nên nhiều năm qua không phải ra cây ATM để rút tiền.
Cũng như chị Ánh, nhiều người dân đã chọn sử dụng dịch vụ Mobile Banking, thay bằng rút tiền mặt tại cây ATM. Chỉ cần một chiếc điện thoại di động thông minh, có kết nối internet là khách hàng có thể dễ dàng thực hiện các giao dịch. Tại Hà Nam, các NHTM đang khuyến khích người dân sử dụng dịch vụ Internet Banking, Mobile Banking nhằm giảm tỷ lệ giao dịch tiền mặt, bảo đảm an toàn cho khách hàng và ngân hàng. Sử dụng dịch vụ Mobile Banking, khách hàng thực hiện các giao dịch 24/7, ở bất cứ nơi nào (có internet) không phải mất thời gian chờ đợi như giao dịch tại ngân hàng. Thông qua dịch vụ Mobile Banking khách hàng có thể truy vấn thông tin tài khoản, số dư có trong tài khoản, tra cứu lịch sử giao dịch ngân hàng, chuyển khoản nội bộ và liên ngân hàng; thanh toán các dịch vụ khi mua sắm, sinh hoạt.
Ông Lương Đức Cường, Giám đốc Chi nhánh Agribank Thanh Liêm cho biết: Nếu như trước đây, bình quân một ngày tại các cây ATM của chi nhánh có 500 -600 khách hàng đến rút tiền mặt, thì hiện nay chỉ còn khoảng 300 – 400 khách hàng, trong khi đó số lượng khách hàng mở tài khoản tại chi nhánh lại tăng gấp mấy lần. Hầu hết khách hàng đến giao dịch, đơn vị đều tuyên truyền vận động mở tài khoản và đăng ký các dịch vụ ngân hàng, trong đó có dịch vụ Internet Banking, Mobile Banking. Đây là các dịch vụ tiện ích cho khách hàng, chỉ cần trong khoảng 1 phút khách hàng có thể chuyển tiền và thanh toán các khoản chi phí khác mà không cần dùng tiền mặt. Việc chuyển tiền cũng không phải mất phí và bảo đảm an toàn cho khách hàng khi giao dịch. Chính vì vậy, nhiều khách hàng đã chuyển hẳn sang sử dụng dịch vụ Mobile Banking.
Thực hiện thanh toán trực tuyến, hạn chế sử dụng tiền mặt, Hà Nam phấn đấu đến năm 2025 có tối thiểu 80% thủ tục hành chính có yêu cầu nghĩa vụ tài chính, được triển khai thanh toán trực tuyến, trong đó tỷ lệ giao dịch thanh toán trực tuyến đạt từ 30% trở lên. Trong thời gian này, UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành và các đơn vị vận động, khuyến khích các tổ chức, doanh nghiệp cung cấp nền tảng số thanh toán không dùng tiền mặt. Tại các xã, phường, thị trấn việc triển khai thu phí và lệ phí tại bộ phận một cửa đang được áp dụng và từng bước đi vào nề nếp. Hình thức thanh toán không dùng tiền mặt được các đơn vị thực hiện cho tối thiểu 3 trong 4 phương thức sau: quét mã vuông QR (chuyển khoản/thanh toán), qua website (chuyển khoản/thanh toán), Mobile Money và thẻ (POS); tích hợp sẵn sàng module thanh toán trong phần mềm quản lý trường học, cơ sở giáo dục và các cơ sở y tế.
Đối với các trường học, cơ sở giáo dục, tỉnh xác định 04 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu: Hỗ trợ chuyển đổi số, thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt trong trường học, cơ sở giáo dục; thực hiện chuyển đổi số, thanh toán không dùng tiền mặt trong bệnh viện, cơ sở y tế; công tác thông tin tuyên truyền, đào tạo, tập huấn; bảo đảm an toàn, an ninh thông tin, bảo vệ người tiêu dùng trong chuyển đổi số, thanh toán không dùng tiền mặt.
Theo tổng hợp của Ngân hàng Nhà nước, Chi nhánh tỉnh Hà Nam, tính đến đầu tháng 5 năm 2024 toàn tỉnh có 1.559 đơn vị trả lương qua tài khoản, trong đó có 1.308 đơn vị hưởng lương từ ngân sách Nhà nước; số cá nhân được trả lương qua tài khoản là 175.720, trong đó 33.794 người hưởng lương từ ngân sách Nhà nước. Trong nửa đầu năm 2024, hoạt động thanh toán của các tổ chức tín dụng trên địa bàn diễn ra an toàn, thông suốt; hệ thống ATM, POS hoạt động ổn định, chất lượng dịch vụ được đầu tư, nâng cao.
Hiện nay, hoạt động giao dịch rút tiền mặt tại các cây ATM của các NHTM đã giảm khoảng 20 – 25% so với trước đây, trong khi đó số khách hành mở tài khoản tại các ngân hàng lại tăng gấp nhiều lần. Hiện nay, khi Nhà nước khuyến khích các ngành áp dụng công nghệ số vào trong quá trình quản lý và kinh doanh, thì việc các NHTM khuyến khích khách hàng sử dụng dịch vụ số trong thanh toán là rất hiệu quả.
Để khuyến khích sử dụng các dịch vụ hơn nữa, nhiều khách hàng kiến nghị, hệ thống NHTM thường xuyên phối hợp với các nhà mạng, nâng cấp hạ tầng kỹ thuật, bảo đảm giao dịch thuận lợi, nhanh chóng, an toàn.
Trần Thoan
Theo Báo Hà Nam điện tử
https://baohanam.com.vn/kinh-te/tai-chinh-ngan-hang/khuyen-khich-nguoi-dan-thanh-toan-khong-dung-tien-mat-126406.html