Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Lá thư cuối cùng của người lính quê Kim Bảng trước khi vào Nam chiến đấu và hy sinh

Tin tức - Sự kiện Tin tổng hợp  
Lá thư cuối cùng của người lính quê Kim Bảng trước khi vào Nam chiến đấu và hy sinh
“Quê hương ơi, cho phép tôi được gửi lại lời chào, gửi gia đình tôi bao nỗi nhớ…Thầy mẹ ạ, sức con còn khỏe, con cứ đi sẽ đi đến cùng tận của Tổ quốc mà hiện Đảng đang cần đến…”.

103912_ls1_10205026.png

Trang thư đầy cảm xúc, chứa đựng biết bao tình cảm yêu thương tha thiết của một người đảng viên, người chiến sỹ cộng sản Nguyễn Quang Lương (xã Đại Cương, huyện Kim Bảng) gửi lại cho gia đình và quê hương yêu dấu để vào chiến trường miền Nam chiến đấu vì sự nghiệp giành độc lập tự do cho đất nước. 55 năm sau ngày người chiến sỹ ấy vĩnh viễn nằm lại nơi chiến trường, hòa dòng máu đào nhuộm thắm lá cờ Tổ quốc, bức thư cảm động ấy được gia đình của ông công bố đã khiến nhiều người cảm kích trước tấm gương đạo đức cách mạng sáng ngời, quyết tâm và ý thức trách nhiệm của một người lính cụ Hồ trước vận mệnh Tổ quốc.

Lá thư của liệt sỹ Nguyễn Quang Lương gửi về cho gia đình.

Liệt sỹ Nguyễn Quang Lương sinh năm 1938 tại xã Đại Cương huyện Kim Bảng. Ông nhập ngũ tháng 2/1968. Trong câu chuyện kể lại với chúng tôi, bà Lê Thị Le, 82 tuổi, ở xóm 10 xã Đại Cương, huyện Kim Bảng (vợ của liệt sỹ Nguyễn Văn Lương) giờ không còn đủ minh mẫn để nhớ chính xác quá trình nhập ngũ và tên đơn vị đóng quân của chồng mình thời kỳ đầu. Bà chỉ còn nhớ, những năm tháng đó, với nhiệt huyết của thanh niên thời chiến, chồng bà cùng đồng đội tại đơn vị đã hồ hởi, phấn khởi lên đường vào chiến trường miền Nam với tinh thần “tất cả cho tiền tuyến, tất cả vì miền Nam ruột thịt, tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”.

Trong lần cuối cùng gia đình đến thăm ông ấy ở đơn vị trước khi ông ấy đi B, thấy tôi khóc nhiều quá, ông ấy đã bảo:“Em và thầy mẹ hãy yên lòng. Anh và các đồng đội đã xin thề quyết chí ra đi để gìn giữ đất nước non sông. Bao giờ thống nhất Tổ quốc thì anh về!” – bà Le nghẹn ngào kể lại.

Bà Lê Thị Le (vợ liệt sỹ Nguyễn Quang Lương) trước ban thờ của liệt sỹ.

Tháng 2/1969, trên đường hành quân vào Nam chiến đấu, đơn vị của ông Lương dừng chân tại thị trấn Đồng Văn, huyện Duy Tiên cách quê nhà xã Đại Cương huyện Kim Bảng của ông chưa đầy 10 km. Khi đó, bà Lê Thị Le mới sinh cô con gái thứ 2 được hơn 1 tháng. Dù đã điện báo tin về cho bố mẹ đến địa điểm dừng chân của đơn vị để gặp mặt trước khi vào chiến trường, nhưng do thời gian gấp gáp, khi bố ông Lương đến thăm con thì đơn vị của ông đã lên tàu vào Nam. Trong lá thư viết vội gửi lại cho gia đình trước giờ lên đường đi chiến đấu, ông Lương bày tỏ sự tiếc nuối: “Thưa thầy mẹ, hôm nay tiểu đoàn của con nghỉ chân ở Đồng Văn, con muốn về quá mà không về được…Giá như con được về qua thăm sức khỏe của thầy mẹ và toàn gia chỉ cần nửa giờ thôi cũng là toại nguyện đời con…”.

Cũng trong lá thư này, người chiến sỹ trẻ ấy như muốn trút toàn bộ nỗi nhớ da diết, yêu thương đối với cha mẹ, vợ con và các em vào trong trang giấy nhỏ: “Trước tiên con gửi tới cha mẹ và toàn gia lời chào ruột thịt và nghìn lần thương nhớ. Thầy mẹ ơi, con đã xa rồi kể từ đây con đã xa là xa hết. Bổn phận là con biết lấy gì để báo đáp và đền lại công lao nuôi dưỡng của cha mẹ”.

Không chỉ có vậy, lá thư còn là sự động viên của người lính nơi chiến trường đối với hậu phương nơi quê nhà, là sự thể hiện ý chí và bản lĩnh của người đảng viên: “Con đã suy nghĩ nhiều lắm, sự suy nghĩ của con sẽ lồng vào suy nghĩ của những người cộng sản... Thầy mẹ cứ tin tưởng ở con mà sẽ chờ tin chiến thắng của con. Thầy mẹ đừng sợ và lo nghĩ nhiều về con mặc dù con có phải ngừng thở trong giây phút, con cũng quyết tâm không làm điều gì hại đến danh dự của một người đảng viên, của cha mẹ, của gia đình và các cháu về sau..”

“…Sức con còn khỏe, con cứ đi mà sẽ đi đến cùng tận của Tổ quốc mà hiện Đảng đang cần đến.”

Khi lá thư này được gửi đến tay gia đình ông Nguyễn Quang Lương thì ông và các đồng đội đang chiến đấu ở mặt trận phía Nam. Đó cũng là lá thư cuối cùng của ông gửi về cho gia đình, vì chỉ 10 tháng sau, ngày 03/12/1969, ông hy sinh. Lời hứa “bao giờ thống nhất anh về” đối với người vợ tảo tần ở quê nhà đã không thể thực hiện.

Không có gì đau bằng nỗi đau mất người thân. Liệt sỹ Nguyễn Quang Lương đã mãi mãi nằm lại nơi chiến trường để lại bố mẹ già, người vợ thảo hiền cùng 2 người con thơ dại. Trong muôn vàn khó khăn của thời chiến, nhưng với lời hứa trước di ảnh của liệt sĩ Nguyễn Quang Lương, các thành viên trong gia đình cùng động viên nhau, vượt qua nỗi đau, vươn lên trong cuộc sống. Bà Lê Thị Le vừa tảo tần nuôi dạy con thơ, vừa hăng hái tham gia hoạt động sản xuất ở hậu phương hỗ trợ cho tiền tuyến, nhiều năm liền bà còn đạt danh hiệu chiến sỹ thi đua và được tuyên dương.

Vợ và hai con gái của liệt sỹ Nguyễn Quang Lương luôn tự hào về người chồng, người cha của mình.

Còn đối với hai người con gái của liệt sỹ Nguyễn Quang Lương, tấm gương hy sinh của người cha cùng lá thư cuối cùng ông gửi về cho gia đình chính là nguồn động lực giúp cho họ mạnh mẽ vượt qua những khó khăn của cuộc sống. Chị Nguyễn Thị Oanh, con gái út của liệt sỹ Nguyễn Văn Lương chia sẻ: “Khi bố tôi hy sinh, tôi chưa tròn 2 tuổi, nên tôi chưa có ký ức về bố. Nhưng qua những lời kể của người thân trong gia đình và nhất là khi đọc bức thư bố để lại tôi thấy may mắn và tự hào rằng mình có một người cha anh hùng. Dù rằng giờ ông không còn ở bên cạnh chị em chúng tôi nhưng lá thư của ông gửi lại đã truyền động lực đến tôi để trong cuộc sống dù gặp bất cứ khó khăn gì tôi cũng không nản lòng và cố gắng nỗ lực để sống tốt, làm được nhiều việc có ích để xứng đáng với bố”.

Theo chia sẻ của chị Oanh, điều may mắn nhất đó là sau nhiều năm tìm kiếm thông tin, đến năm 2010 được sự giúp đỡ của các ngành, địa phương và đơn vị, gia đình đã tìm và đưa được hài cốt của liệt sĩ Nguyễn Quang Lương về yên nghỉ tại Nghĩa trang Liệt sĩ xã Đại Cương, huyện Kim Bảng để các thành viên trong gia đình có thể đến thăm phần mộ và thắp nén hương thơm cho người chồng, người cha của mình. Và trong những ngày tháng 7 khi cả nước đang hướng về các hoạt động kỷ niệm 77 năm ngày Thương binh liệt sỹ 27/7/1947 – 27/7/2024, chị đã quyết định gửi tặng bức thư này tới các cơ quan thông tin, truyền thông để nhiều người được biết đến tấm gương đạo đức cách mạng sáng ngời và lý tưởng sống cao đẹp của thế hệ cha ông – những người sẵn sàng dâng hiến tuổi thanh xuân vì lý tưởng của mình để cho đất nước ta nở hoa độc lập, kết quả tự do.

Bài: Hoa Hiên

Đồ họa: Ngô Hiện

Theo hanamtv.vn

https://hanamtv.vn/la-thu-cuoi-cung-cua-nguoi-linh-que-kim-bang-truoc-khi-vao-nam-chien-dau-va-hy-sinh-36735.html