Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Làng nghề - làng văn hóa Đọi Tam

Lịch sử - Văn hóa Làng nghề truyền thống  
Làng nghề - làng văn hóa Đọi Tam
Làng Đọi Tam, xã Đọi Sơn, huyện Duy Tiên (xưa kia có tên là làng Giáp Ba, tổng Đọi Sơn, huyện Duy Tiên, phủ Lý Nhân, tỉnh Hà Nội) từ lâu nổi tiếng với nghề làm trống truyền thống.

Về làng hỏi chuyện, các cụ cao niên cũng không biết chính xác nghề làm trống có tự bao giờ. Chỉ biết, theo sử sách ghi lại, mùa Xuân năm 987, vua Lê Đại Hành cùng văn võ bá quan trong triều về cày Tịch điền ở Đọi Sơn, cụ tổ làng nghề là Nguyễn Đức Năng tự tay làm một quả trống to dâng vua để đánh tế lễ trước khi cày. 

Khi vua đánh trống, tiếng trống vang rền như tiếng sấm, vì vậy vua phong cho cụ tổ là Trạng sấm. Dựa vào tích xưa, nếu lấy mốc năm 987 thì đến nay, nghề làm trống ở Đọi Tam đã hơn nghìn năm tuổi. Gắn với tích "Vua đi cày", ngoài nghề làm trống, khu ruộng dưới chân núi Đọi vua cày ngày trước (cũng thuộc thôn Đọi Tam), nay dân làng quen gọi là ruộng kim ngân, kim tiền.

lang_nghe_doi_tam-07_54_26_632.jpg

Công ty TNHH sản xuất và kinh doanh đồ gỗ Tố Giang, thôn Đọi Tam giải quyết việc làm cho nhiều lao động địa phương.

Trò chuyện với chúng tôi, ông Lê Ngọc Minh, Trưởng thôn Đọi Tam vui vẻ cho biết: Thôn Đọi Tam có tổng số 750 hộ dân với trên 2.360 khẩu. Bằng sự nỗ lực và quyết tâm cao của cán bộ, đảng viên và nhân dân, năm 2003, thôn Đọi Tam được công nhận danh hiệu "Làng văn hóa". 

Với quyết tâm giữ vững danh hiệu "Làng văn hóa", trong phát triển kinh tế, Đọi Tam đặc biệt chú trọng tới việc gìn giữ, duy trì và phát triển nghề truyền thống cha ông để lại. Hiện trên địa bàn thôn có 62 cơ sản xuất kinh doanh trống. Nếu tính cả các hộ sản xuất, kinh doanh trong và ngoài tỉnh con số này lên tới hàng trăm hộ. 

Nghề làm trống phát triển góp phần giải quyết việc làm thường xuyên cho khoảng 500 lao động trong thôn. Nhờ có nghề truyền thống, nhiều năm gần đây thôn Đọi Tam không có lao động trong độ tuổi thất nghiệp, đời sống của người dân từng bước được cải thiện và nâng cao. Năm 2017, thu nhập bình quân đầu người của thôn Đọi Tam đạt trên 45 triệu đồng/năm. Đọi Tam phấn đấu hết năm 2018 thu nhập bình quân đầu người đạt trên 50 triệu đồng/năm.

Kinh tế phát triển, đời sống được nâng lên nhưng người dân thôn Đọi Tam luôn thực hiện tốt nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội.

Ông Lê Ngọc Minh, Trưởng thôn Đọi Tam chia sẻ: Quyết tâm giữ vững danh hiệu "Làng văn hóa", những năm qua, người dân thôn Đọi Tam luôn đoàn kết, thực hiện tốt các phong trào thi đua yêu nước, chung sức xây dựng quê hương giàu mạnh. Hằng năm, tỷ lệ gia đình đạt tiêu chuẩn "Gia đình văn hóa" của thôn lên tới 96%. Đọi Tam phấn đấu hết năm 2018 giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 1,6%. 

Năm 2017, người dân Đọi Tam đón nhận tin vui: Đình làng - nơi thờ Đức Cao Sơn Đại Vương và ông tổ làng nghề Nguyễn Đức Năng được xếp hạng Di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia. Bên cạnh niềm vui, niềm tự hào, người dân Đọi Tam còn nêu cao quyết tâm chung tay bảo tồn, gìn giữ di tích quý giá, linh thiêng của thôn.

Có thể khẳng định, trong công cuộc xây dựng và đổi mới quê hương, phát huy truyền thống lao động cần cù sáng tạo của thế hệ cha anh, cộng với sự năng động, dám nghĩ, dám làm, cuộc sống của người dân, diện mạo của làng trống Đọi Tam đã có nhiều khởi sắc. Phát huy kết quả đạt được, thời gian tới, thôn Đọi Tam tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân chung sức, đồng lòng duy trì, phát triển nghề truyền thống gắn với việc giữ vững danh hiệu "Làng văn hóa"./.