Skip Ribbon Commands
Skip to main content

"Làng Vũ Đại" ngày ấy - bây giờ

Lịch sử - Văn hóa  
"Làng Vũ Đại" ngày ấy - bây giờ
Viết về thời kỳ lầm than, cơ cực của người dân trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945, trong cuốn Lịch sử Đảng bộ xã Hòa Hậu (1947 - 2010) ghi rõ: ...nạn đói thảm khốc tháng 3 năm 1945... riêng ở các làng thuộc Hòa Hậu có hơn 500 người bị chết đói (làng Đại Hoàng có đến 420 người)...Đó là "Làng Vũ Đại - Đại Hoàng xưa. Còn Làng Vũ Đại - Đại Hoàng hôm nay đã đổi khác.

Nhà văn Nam Cao (1917 - 1951) tên thật là Trần Hữu Tri, sinh tại làng Đại Hoàng, huyện Nam Xang, phủ Lý Nhân - nay là làng Đại Hoàng, xã Hòa Hậu, huyện Lý Nhân. Ông là một trong những nhà văn xuất sắc của dòng văn học hiện thực phê phán giai đoạn 1930 - 1945 (thế kỷ XX). 

Với quan điểm sáng tác rất rõ ràng: "Nghệ thuật không cần là ánh trăng lừa dối, không nên là ánh trăng lừa dối, nghệ thuật có thể chỉ là tiếng đau khổ kia, thoát ra từ những kiếp lầm than …" (truyện ngắn Giăng sáng) nhà văn Nam Cao đã khắc họa thành công, rõ nét cuộc sống cơ cực, bần hàn đến khốn cùng của người dân dưới ách thống trị của thực dân, phong kiến qua những nhân vật điển hình: Chí Phèo, Thị Nở, lão Hạc... Đặc biệt, hình ảnh làng Vũ Đại (được ông lấy nguyên mẫu từ làng Đại Hoàng quê ông) tù túng, nghèo khó, bế tắc trong tác phẩm của ông đã trở thành hình ảnh tiêu biểu, điển hình của làng quê Việt Nam trong xã hội phong kiến nửa thuộc địa trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945.

Làng Vũ Đại ngày ấy được bắt đầu bằng hình ảnh: "Hắn vừa đi vừa chửi. Bao giờ cũng thế, cứ rượu xong là hắn chửi. Bắt đầu chửi trời. Có hề gì? Trời có của riêng nhà nào? Rồi hắn chửi đời. Thế cũng chẳng sao: Đời là tất cả nhưng cũng chẳng là ai. Tức mình, hắn chửi ngay cả làng Vũ Đại. 

Nhưng cả làng Vũ Đại ai cũng tự nhủ: "Chắc nó trừ mình ra!". Không ai lên tiếng cả" - truyện ngắn Chí Phèo. Từ "một thằng hiền lành như đất" Chí Phèo bị xã hội phong kiến nửa thuộc địa xô đẩy vào con đường lưu manh, "giở toàn những giọng uống máu người không tanh", cuối cùng do tuyệt vọng, bế tắc phải tự tìm tới cái chết. Đó là hình ảnh lão Hạc gày gò, khốn khổ, lương thiện muốn giữ lại cái vườn cho con phải ăn bả chó để tự vẫn…  Ngoài nhân vật lão Hạc, Chí Phèo, nhà văn Nam Cao còn khắc họa thành công nhiều kiếp người nghèo khó, khốn cùng; nhiều cảnh đời khổ đau, đầy bi kịch trong cái làng Vũ Đại thời kỳ tăm tối và cùng quẫn ấy… 

nguyen_mau_nha_ba_kien-09_40_45_185.jpg

Nguyên mẫu nhà Bá Kiến. Ảnh: Thanh Châu

Viết về thời kỳ lầm than, cơ cực của người dân trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945, trong cuốn Lịch sử Đảng bộ xã Hòa Hậu (1947 - 2010) ghi rõ: Từ khi phát xít Nhật nhảy vào, người nông dân "1 cổ 2 tròng" phải chịu sưu, thuế nặng nề, chúng tung tiền ra mua nông sản phục vụ chiến tranh, người nông dân bị ép phải bán nông sản với giá rẻ mạt. Thêm vào đó là chính sách phá màu trồng đay của phát xít Nhật đã đẩy nhân dân lâm vào nạn đói thảm khốc tháng 3 năm 1945 làm cho hàng nghìn người dân trong huyện bị chết. Riêng ở các làng thuộc Hòa Hậu có hơn 500 người bị chết đói (làng Đại Hoàng có đến 420 người), nhiều gia đình có đến 3 - 4 người bị chết đói, có nhiều gia đình chết không còn một ai...

Đó là làng Vũ Đại - Đại Hoàng xưa. Làng Vũ Đại - Đại Hoàng hôm nay đã đổi khác.

Trò chuyện với chúng tôi, đồng chí Trần Đức Huy, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Hòa Hậu cho biết: Xã Hòa Hậu có 4 thôn gồm: Đại Hoàng, Tảo Môn, Phương Trà, Nguyễn Đồng. Trong đó, Đại Hoàng là thôn lớn nhất với khoảng 10 nghìn khẩu, rộng xấp xỉ 4km2 (cả xã Hòa Hậu có trên 15 nghìn khẩu). Những năm qua, hưởng ứng thực hiện phong trào "Chung tay xây dựng nông mới", diện mạo làng quê Hoà Hậu đổi thay theo hướng văn minh, hiện đại. Hiện 100% đường làng ngõ xóm của 4 thôn được bê tông phẳng nhẵn, rộng rãi. 99% dân số được dùng nước hợp vệ sinh. Tỷ lệ hộ nghèo đến cuối năm 2017 của xã giảm còn 3,58%. Xã có 16/25 xóm đạt tiêu chuẩn "Làng văn hóa sức khỏe", 83,9% tỷ lệ hộ gia đình đạt tiêu chuẩn "Gia đình văn hóa"...

Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, để nâng thu nhập cho người dân, trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, ngoài cấy lúa, xã Hòa Hậu tập trung chỉ đạo, tuyên truyền, vận động nhân dân phát triển nuôi trồng thủy sản, trồng các loại cây ăn quả như: chuối, nhãn, doi oản, ổi. Thời gian gần đây, xã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện tích tụ ruộng đất để sản xuất nông nghiệp sạch, liên kết theo chuỗi... 

Đặc biệt, nhờ quan tâm chú trọng đến phát triển sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại - dịch vụ, cơ cấu lao động trên địa bàn xã đã có sự chuyển dịch rõ rệt. Đến thời điểm này, tỷ lệ lao động làm nông nghiệp trong độ tuổi của xã chỉ còn khoảng 15%; 55% lao động trong độ tuổi làm việc trong lĩnh vực công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp; số còn lại tham gia phát triển thương mại - dịch vụ.

Hiện nay, trên địa bàn xã có khoảng 80 doanh nghiệp, giải quyết việc làm cho nhiều lao động trong và ngoài xã. Bình quân thu nhập đầu người của xã đạt 43 triệu đồng/người/năm. Toàn xã có khoảng trên 500 nhà cao tầng, hàng trăm xe ô tô con và ô tô tải các loại... Kinh tế phát triển, đời sống của nhân dân được nâng lên, gần đây một số xóm ở Hòa Hậu người dân tự họp bàn, thống nhất đóng góp lắp đèn đường thắp sáng vào các buổi tối, tạo thuận lợi cho việc đi lại, góp phần làm đẹp thêm cảnh sắc thôn quê.

Về Hòa Hậu, đi trên đường làng được bê tông phẳng nhẵn, rộng rãi, hai bên đường nhiều nhà cao tầng khang trang, bề thế được xây dựng mới cảm nhận rõ sự đổi thay của làng quê nơi đây. Như bao miền quê khác, sự đổi thay ở Hòa Hậu cũng bắt đầu từ mùa thu Cách mạng Tháng Tám năm 1945, khi cuộc Tổng khởi nghĩa giành thắng lợi, chính quyền về tay nhân dân, người dân được làm chủ ruộng đất, làm chủ cuộc sống của mình. 

Từ mùa Thu cách mạng năm 1945 đến nay, cán bộ và nhân dân Hòa Hậu luôn đoàn kết, hăng hái thi đua lao động sản xuất, chung sức xây dựng cuộc sống mới no ấm, đầy đủ và hạnh phúc; xây dựng quê hương giàu mạnh, văn minh. Hình ảnh "sót" lại duy nhất của làng Vũ Đại xưa đang được người dân Đại Hoàng hôm nay bảo tồn, gìn giữ là "ngôi nhà của Bá Kiến". Hiện, đây là một địa điểm được nhiều du khách trong nước tìm đến khi về Đại Hoàng tham quan, nghiên cứu, tìm hiểu./.

Theo baohanam.com.vn