Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Lựa chọn người thật sự xứng đáng

Thông tin tuyên truyền, phổ biến Bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp  
Lựa chọn người thật sự xứng đáng
Để tiếp tục nâng cao hiệu quả, hiệu lực hoạt động của đại biểu và cơ quan dân cử trước hết phải lấy tiêu chuẩn chất lượng đại biểu lên hàng đầu, sau đó mới là cơ cấu thành phần. Cùng với đó, cử tri cần phát huy trách nhiệm của mình xem xét, đánh giá trình độ, tư cách các ứng cử viên để sáng suốt lựa chọn người xứng đáng đại diện cho ý chí, nguyện vọng của Nhân dân bầu vào Quốc hội và HĐND các cấp.

Chất lượng đại biểu là tiêu chuẩn hàng đầu

Chuẩn bị cho một đợt sinh hoạt chính trị - pháp lý, dân chủ sâu rộng trong các tầng lớp Nhân dân diễn ra trên toàn quốc vào ngày 23.5 tới - ngày bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp, các tổ chức phụ trách bầu cử đang khẩn trương thực hiện các công việc với những mốc thời gian chặt chẽ theo luật định nhằm bảo đảm tổ chức thành công sự kiện trọng đại này. Trong đó, các hội nghị hiệp thương theo quy định nhằm phát hiện, giới thiệu những người tiêu biểu về đức, tài tham gia ứng cử là những bước cần thiết để giải quyết thấu đáo vấn đề bảo đảm hợp lý mối quan hệ giữa cơ cấu và chất lượng đại biểu.

Câu chuyện không mới nhưng mỗi kỳ bầu cử, yêu cầu vừa bảo đảm chất lượng, vừa bảo đảm cơ cấu đại biểu là một bài toán không hề dễ. Thực tế hoạt động của Quốc hội, HĐND những nhiệm kỳ qua cho thấy, chất lượng đại biểu là vấn đề căn cốt quyết định hiệu quả, hiệu lực hoạt động của cơ quan dân cử. Vì vậy, để tiếp tục nâng cao hiệu quả, hiệu lực hoạt động của đại biểu và của Quốc hội, HĐND, xứng đáng với niềm tin, kỳ vọng của cử tri, trước hết phải lấy tiêu chuẩn chất lượng của đại biểu lên hàng đầu, sau đó mới là cơ cấu thành phần. Không thể vì cơ cấu mà làm hạ thấp chất lượng của đại biểu. Việc cơ cấu đại biểu theo địa bàn, lĩnh vực công tác, dân tộc, đại diện cho các giai tầng rất cần thiết, nhưng cần lựa chọn giới thiệu những đại biểu đủ đức, đủ tài, được rèn luyện, thử thách trong thực tế, có năng lực, bản lĩnh để thực hiện nhiệm vụ đại biểu. Đây là vấn đề quan trọng quyết định chất lượng hoạt động của đại biểu và cơ quan dân cử.

Để Quốc hội, HĐND thực sự đại diện cho Nhân dân, nơi gửi gắm, củng cố, phát triển niềm tin của cử tri phải bắt đầu từ vai trò, trách nhiệm của từng đại biểu HĐND. Vì vậy trong công tác hiệp thương lựa chọn ứng cử viên để bầu làm đại biểu Quốc hội Khóa XV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026, cần cân nhắc làm thế nào vừa bảo đảm tính cơ cấu (vùng miền, dân tộc, tôn giáo, các lĩnh vực kinh tế - xã hội quan trọng…), vừa bảo đảm chất lượng đại biểu, không nên nặng về cơ cấu mà xem nhẹ tiêu chuẩn.

Ủy ban bầu cử-Ủy ban MTTQ Việt Nam Thành phố Hà Nội bàn giao danh sách trích ngang, hồ sơ người ứng cử ĐBQH Khóa XV và đại biểu HĐND thành phố nhiệm kỳ 2021-2026 - ẢNH VƯƠNG VÂN.jpg
Ủy ban bầu cử - Ủy ban MTTQ Việt Nam Thành phố Hà Nội bàn giao danh sách trích ngang, hồ sơ người ứng cử ĐBQH Khóa XV và đại biểu HĐND thành phố nhiệm kỳ 2021 - 2026  Ảnh: Vương Vân

Sáng suốt chọn lựa người xứng đáng

Chất lượng đại biểu là gốc, là căn bản nên phải tạo cho cử tri có nhiều cơ hội hơn để có nhiều thông tin, hiểu về đại biểu, lựa chọn được những người có phẩm chất đạo đức, trình độ năng lực, điều kiện và bản lĩnh, tâm huyết với hoạt động của cơ quan dân cử, hoàn thành tốt các nhiệm vụ của người đại biểu; đại diện xứng đáng cho cử tri và Nhân dân.

Mặt khác, không thể tách rời chất lượng ứng cử viên với định hướng cơ cấu, thành phần, hạn chế tối đa một ứng cử viên phải đảm nhiệm nhiều cơ cấu hoặc cơ cấu vì người mà xếp việc. Bảo đảm số dư ứng cử viên trên một đơn vị bầu cử theo quy định của pháp luật. Những địa phương đã chuẩn bị số dư ứng cử viên nhiều hơn số tối thiểu sau các lần hiệp thương, nếu có thể thì nên giữ nguyên để cử tri rộng đường cân nhắc lựa chọn, không nên vận động người được giới thiệu ứng cử rút tên khỏi danh sách ứng cử viên vào phút chót để có số dư "đẹp" trên một đơn vị bầu cử (!), gây tâm lý cho rằng có sự áp đặt chủ quan, tạo dư luận không có lợi trong quá trình dân chủ hóa đời sống xã hội.

Cùng với đó, để tạo điều kiện cho cử tri hiểu, nắm được và thực hiện tốt quyền và trách nhiệm của mình, công tác tuyên truyền cần được thực hiện thường xuyên, liên tục bằng nhiều hình thức phong phú từ báo nói, báo viết, truyền hình và tuyên truyền miệng, trực quan sinh động; nhất là tuyên truyền trực diện và trực tiếp tại cơ sở, tại các cụm dân cư. Qua đó, tạo điều kiện cho từng cử tri nắm bắt được mọi quy trình, cách thức thực hiện quyền bỏ phiếu bầu cử và sẵn sàng cho sự lựa chọn của mình.

Bầu cử vừa là quyền vừa là trách nhiệm của cử tri. Để phát huy tốt quyền dân chủ của mình, cử tri cần theo dõi và xâu chuỗi cả quá trình đại biểu hoạt động trước đây; đồng thời, xem trình độ, tư cách các ứng cử viên có xứng đáng đại diện cho Nhân dân không để tự quyết định bằng lá phiếu. Mỗi lá phiếu là quyền lợi và trách nhiệm của công dân, phải tự tay mình bỏ, không nhờ bỏ hộ, bỏ thay. Đặc biệt, không bầu theo tâm lý đám đông hoặc để bị “mua chuộc" lá phiếu. Việc cử tri sáng suốt lựa chọn người xứng đáng đại diện cho ý chí, nguyện vọng của Nhân dân vào Quốc hội và HĐND các cấp chính là minh chứng rõ nhất cho quyền công dân, cần phát huy tối đa quyền làm chủ của mình. Bởi, chọn được người đại diện xứng đáng là góp phần thiết thực cho tương lai của quê hương, đất nước mình.

​https://daibieunhandan.vn/lua-chon-nguoi-thuc-su-xung-dang-6shphc81ge-54862


Theo Báo điện tử Đại biểu nhân dân