Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Mộc Nam – Vùng đất tâm linh huyền bí

Lịch sử - Văn hóa Lễ hội  
Mộc Nam – Vùng đất tâm linh huyền bí
Xã Mộc Nam, huyện Duy Tiên nằm trên tuyến đê Đại Hà bên hữu sông Hồng có chiều dài gần 3 ki-lô-mét. Vùng đất này được biết đến bởi những dấu ấn văn hóa tâm linh đậm nét của vùng châu thổ sông Hồng.

Là một trong những ngôi đền thờ Mẫu nổi tiếng khu vực phía Bắc hiện nay, đền Lảnh Giang không chỉ thu hút sự chú ý của giới nghiên cứu văn hóa mà còn trở thành điểm đến hấp dẫn của hàng vạn du khách mỗi năm. Đền tồn tại trong một quần thể di tích rộng lớn, cùng hai mùa lễ hội trong năm với nhiều nghi thức văn hóa tiêu biểu độc đáo, thể hiện sâu sắc tín ngưỡng thờ thần sông nước của cư dân nông nghiệp.

Toàn bộ khu vực đền Lảnh Giang là vùng đất bồi rộng hơn 3.000m2, không có núi đồi, chỉ bạt ngàn cây trái, phảng phất hào khí của một vùng địa linh phồn thịnh, êm đềm. 

Cửa đền nhìn ra sông Nhị Hà, con sông Hồng ngày nay, bốn bề mênh mang sóng nước. Dường như càn khôn cùng chung một dụng ý vừa tạo cho vùng đất này một cảnh non nước hữu tình, vừa bồi đắp vào đó những huyền thoại đẹp về thủy thần "Trấn tây An Nam tam kỳ linh ứng thái thượng đẳng thần" và mối tình thơ mộng của chàng trai nghèo Chử Đồng Tử và công chúa Tiên Dung.

Đây là ba vị thần có công trấn giữ ba cửa sông phía Đông Nam trấn Sơn Nam và có công lớn trong việc bình Thục giữ nước, chiêu dân lập ấp, xây dựng giang sơn xã tắc từ buổi sơ khai với những  chuyện nửa hư nửa thực còn truyền tụng đến bây giờ.

Năm 1996, đền Lảnh Giang được Nhà nước công nhận Di tích lịch sử văn hóa, người dân Yên Lạc đã tổ chức lễ hội chính vào tháng 6 âm lịch các nghi thức lễ hội truyền thống, mang bản sắc văn hóa tâm linh độc đáo: Lễ cáo yết, lễ rước nước, lễ rước mẫu…

Theo thần tích, Yên Lạc chính là quê hương của bà Nguyễn Thị Phương, vợ của vua Hùng thứ 18,  là mẹ của Tiên Dung công chúa. Bà được vua sắc phong Nhân Từ Hoàng hậu. Lúc sinh thời, bà thường cùng con gái lui về bản quán giúp đỡ dân nghèo, cứu nhân độ thế. Khi bà mất được nhân dân tôn làm thành hoàng làng, lập đền phụng thờ và thường gọi là đền Mẫu. Trong lễ hội đền Lảnh, với truyền thống uống nước nhớ nguồn, nhân dân đã tổ chức rước kiệu với tâm ý rước Mẫu ra đền dự lễ hội.

Trong lễ hội có diễn trình hầu Thánh tại Đền. Theo quan niệm dân gian, có tất cả 36 giá đồng. Tuy nhiên, trong một vấn hầu không phải tất cả các Thánh đều giáng đồng và cũng tùy vào căn số của mỗi thầy đồng mà số lượng giá hầu có sự khác nhau. Các thầy đồng hầu ở đền Lảnh thường hầu 20 giá trong một khóa lễ. Các vị thánh hay giáng đồng gồm: Tam vị Thánh Mẫu, Ngũ Vị Tôn Quan (từ Quan Đệ Nhất đến Quan Đệ Ngũ), Chầu Đệ Nhị, Chầu Lục, Chầu Bé, Chúa Thác Bờ, Cô Bé Thượng, Cậu Bé Thượng, Cô Đôi Cam Đường. Sau khi kết thúc vấn hầu, thanh đồng cảm ơn tất cả khách mời cùng bách gia trăm họ và chia lộc Thánh cho tất cả mọi người.

Lễ hội đền Lảnh Giang có một vị trí, vai trò nhất định đối với lịch sử của dân tộc. Các nghi lễ trong lễ hội đền Lảnh là sự tái hiện các lớp trầm tích văn hóa, là sự kế thừa và phát huy giá trị của tín ngưỡng cư dân vùng hạ châu thổ sông Hồng trong suốt chiều dài lịch sử hàng ngàn năm của dân tộc.