Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Mượt mà câu hát trống quân

Lịch sử - Văn hóa  
Mượt mà câu hát trống quân
Không biết tự bao giờ, làn điệu hát trống quân mượt mà, đầy sức sống ở xã Liêm Thuận, huyện Thanh Liêm đã trở thành làn điệu độc đáo của người dân vùng đồng chiêm, họ tự hào mà rằng: “Ai về Liêm Thuận quê ta/Sông, Gừa, Lau, Chảy,Vải, Nga, Thị, Chằm/Xin mời quý khách dừng chân/Lắng nghe câu hát trống quân ngọt ngào”.

tq1.jpg

Những câu vấn ý tứ sâu xa, câu đố lắt léo khó giải, những câu đáp, câu họa đón đỡ chí tình, văn vẻ và sắc bén này, theo các cụ làng Chảy, làng Gừa và thần phả của 2 làng thì nó đã được cất lên từ rất lâu rồi và có mối quan hệ mật thiết với quân đội – tức gắn liền với sự nghiệp chống giặc ngoại xâm của dân tộc, đó là nguồn gốc mang đậm dấu ấn lịch sử Đại Việt. Liêm Thuận có dòng sông La Giang chảy qua, ngày xưa quanh năm nước ngập mênh mông như biển cả, được các Vương Trần chọn làm nơi cát cứ và là nơi cất giấu quân lương. Vì là cát cứ của các Vương Trần nên thủy quân nhà Trần bơi thuyền canh gác ngày đêm. Những câu hát trống canh, tiếng trống canh của binh lính thời Trần đã có ở Liêm Thuận từ ngày ấy. Cũng do địa hình sông nước, người dân bước chân đi là bước chân tới thuyền mà chèo, mà chở làm ăn buôn bán sinh hoạt cộng đồng. Những lúc hiu quạnh giữa cánh đồng nước mênh mông họ thường cất lên tiếng hát để xua đi mệt mỏi, sự buồn tẻ trước không gian rộng lớn. Người này hát, người kia nghe thấy hay lại hát theo, hay ngẫu hứng đáp lại, khiến cho những cuộc hát dần hình thành và diễn ra một cách tự nhiên. Ban đầu chỉ là những đám hát nhỏ giữa một vài người, sau lớn dần thành làng này đua tài với làng kia để rồi hình thành nên cuộc hát trống quân giữa các xóm, làng trong xã. Cứ như thế câu hát trống quân trở nên quen thuộc, ăn sâu vào nếp sống của người dân Liêm Thuận. Hát hội trống quân thường diễn ra vào rằm tháng 8 hay hội làng hàng năm, không những để vui chơi, thử trí , giao duyên lúc mùa màng thư nhàn, mà còn để cha ông soi ngắm trăng sao thời tiết, đoán định bước làm ăn sắp tới. Nhiều nơi ở đồng bằng Bắc Bộ, có tục hát trống quân như vùng Dạ Trạch (Khoái Châu, Hưng Yên), Khánh Hà (Thường Tín – Hà Tây cũ), xã Ninh Xá (Thuận Thành – Bắc Ninh)… song hát trống quân ở Liêm Thuận lại mang những nét đặc trưng riêng. Do cuộc sống gắn liền với sông nước nên họ có nhu cầu giao tiếp trên mặt nước, sau nảy sinh nhu cầu sáng tạo và hưởng thụ các giá trị văn hóa sông nước. Từ đó người ta đã đem trống quân trên cạn xuống thuyền và trở thành nét đẹp văn hóa của vùng đất này.

tq2.jpg

“Nào thuyền đã sẵn ra đây, mời anh mời chị ta nay xuống thuyền. 
Nào thuyền đã mở tám thang, anh xuống thuyền ấy em sang thuyền này. 
Hát thời hát hết đêm nay, ai mà thua cuộc tôi nay cắm sào”.

tq3.jpg

Hát hội trống quân ở Liêm Thuận đã như là lệ chơi, luật chơi khi 2 thuyền gần nhau, gặp nhau họ cất lên lời hát chào. Thuyền hát này, bè hát này muốn giao lưu, muốn hát đối đáp với thuyền hát kia, bè hát kia thì chèo thuyền tới gần có khi kề mạn và họ bắt đầu nổi trống “thì thình” cất lên lời hát chào, hát ra mắt. Những câu hát chào hỏi, ca ngợi chọc ghẹo nhưng đậm giao duyên hóm hỉnh, tế nhị, sâu sắc cứ nối dài làm cho bè hát suy nghĩ, người hát mải mê, mải miết cách đố mà quên đi cả thời gian sớm tối, quên đi cả công việc vất vả hàng ngày.  Và dù cho hội hát chính đã kết thúc, nhưng cuộc hát lẻ còn kéo dài tới hết tuần trăng. Những đêm trăng sau đó người ta vẫn nô nức chèo thuyền về cánh đồng làng Sông tiếp tục hát và nghe hát. Bao nhiêu cuộc hẹn hò, bao nhiêu nhân duyên lứa đôi cũng bắt đầu từ cuộc hát này.

tq4.jpg

  "Em là con gái làng Nga
   Muối dưa dưa khú, muối cà cà thâm.
   Em là con làng Chằm, ăn cơm xó bếp lại nằm nhà sau. 
   Em là con gái làng Lau, thổi cơm cơm nát luộc rau rau nồng. 
   Em là con gái làng sông, mò cua bắt ốc giỏ không mang về. 
   Em là con gái làng Gừa, đóng gạch đóng ngói đốt là nhọ nhem.
   Biết đâu lạ lại là quen, hát câu cho tỏ đôi bên giao hòa
   Em là con gái làng Nga, tóc mây chải vấn đuôi gà cài châm/ em là con gái làng Chằm"

      Tục hát là thế, nội dung của cuộc hát có chào, có mời, có đối vận gió mây trăng nước, tỏ tình, nhưng không hề có hát kết, hát giã bạn và hội hát không chỉ gắn với sân đình mà còn gắn với khung cảnh thuyền bè, sông nước. Chính vì là đứa con tinh thần của nhân dân địa phương nên hát hội trống quân ở Liêm Thuận có sức sống mãnh liệt, có sức lan tỏa rộng lớn từ đời này sang đời khác. Nó xuất phát từ thú chơi, thú say mê nghệ thuật thẩm mỹ, thú ứng tác tài hoa, câu hát ngọt ngào sâu lắng mà như câu nói cửa miệng, làm lay động lòng người, nao nao cái tính, cái tình của người mình thương, mình nhớ mà tụ lại thành hội làng, hội xã đông vui náo nhiệt.

Trong các đám hát, hội hát thì chiếc trống đóng một vai trò quan trọng, nó là một nhạc khí thô sơ nhưng không thể thiếu là nhân tố cầm nhịp cho câu hát, khỏa lấp chỗ trống khi người hát chưa nghĩ ra lời. Khi gõ dùi trống vào dây căng thì ở vò, vại sẽ phát ra âm thanh “thì/ thình/ thì”, 2 âm này thật mộc mạc, dân dã không thể lẫn vào đâu được, nó không đanh rắn như tiếng trống chèo, không nhịp hồi giòn giã như trống rước hội xuân mà nó rì rì, âm âm, vang vang, là là từ sợi dây thừng truyền vào khoảng trống của lòng vò, lòng vại, tạo nên nét riêng biệt, truyền thống của vùng đất chiêm trũng Hà Nam.

Hát trống quân ở Liêm Thuận là một làn điệu gần với tiếng nói, thường dùng thể thơ lục bát, lục bát biến thể hay song thất lục bát. Âm hưởng dịu dàng hay réo rắt của tiếng đệm và tiếng đưa hơi làm giọng hát trống quân  Liêm Thuận mang sức truyền cảm mạnh mẽ. Do có tính chất đối thoại, là lối đối đáp giữa trai và gái thiên về tình cảm; nó biểu hiện ngay từ cách xưng hô: anh – em, chàng – nàng, ta – mình giữa các cặp hát nên hát trống quân có tính chất trữ tình, tính chất giao duyên rất sâu sắc. Vì là đối - đáp, hỏi - trả nên hát trống quân đòi hỏi người hát phải có tài mẫn tiệp, xuất khẩu thành thi, đột xuất nhanh trí… nhưng bao giờ cũng giữ được thái độ phong nhã, không sàm sỡ, lố lăng. Hội hát cũng là dịp mọi người gặp lại nhau, thăm hỏi chúc tụng nhau, những câu hát còn giải hòa được những khúc mắc khiến cho cuộc sống thôn làng ngày càng gắn bó. Đối với nam thanh, nữ tú sống dưới thời kỳ phong kiến thì đây là dịp họ tìm hiểu nhau rồi thông qua câu hát, ánh mắt cách nhìn mà say mà tình tứ để rồi gắn kết, mặn mà gửi quế, gửi hồi trao tay.

tq9.jpg

Hát hội trống quân của Liêm Thuận không hề dựa vào tâm linh cầu may, cầu phúc. Nó hình thành và tồn tại như một trò chơi dân gian, trò chơi tập thể đông người. Và vì thế, người hát thường hát thêm vào làn điệu cò lả để hát rước, hát nhấn vào một sự việc. Người hát xướng cất cao giọng hát trong trẻo lại ngắt quãng 2 từ một, thành ra nó trập trùng bay lả, bay la, rồi đông đảo quần chúng hợp ca cùng đồng thanh hát to, khỏe, dứt khoát theo sau để láy lại, để nhắc nhở để rước câu hát của người lĩnh xướng cho sáng tỏ, rõ ràng hơn.

 Cánh đồng Lảnh, đồng Triều, đồng Sông mà trung tâm hội hát là cánh đồng Làn, đồng làng Chảy, làng Lau, làng Sông, làng Gừa là những cái tên, địa điểm truyền thống thường xuyên của hát hội trống quân ở Liêm Thuận. Ngày nay không còn những cánh đồng trũng như trước kia nữa nhưng điệu hát trống quân, những nét đẹp của trống quân vẫn được coi là di sản vô giá của người dân nơi đây. Đã có một thời làn điệu trống quân ở Liêm Thuận bị lãng quên và nó chỉ còn lưu lại trong ký ức thẳm sâu của những người sống ở thời kỳ đó.

Theo hanamtv.vn