Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm mua bán người

Thông tin tuyên truyền, phổ biến  
Nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm mua bán người
Nạn buôn bán người, đặc biệt là nạn buôn bán phụ nữ và trẻ em đang là một hiện tượng nhức nhối ở nước ta hiện nay, hành vi mua bán này đã xâm hại đến quyền con người, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, tinh thần, tính mạng của nạn nhân, gây ảnh hưởng xấu đến tình hình an ninh, trật tự và an toàn xã hội. Tuy nhiên, dưới sự chỉ đạo của các cấp, các ngành, trong năm 2023, tội phạm mua bán người trên địa bàn tỉnh Hà Nam tiếp tục được kiểm soát chặt chẽ. Trong năm chưa phát hiện vụ việc nào liên quan đến tội phạm mua bán người, chưa phát hiện trường hợp trẻ em bị mua bán, nghi bị mua bán trong và ngoài nước hoặc có biểu hiện liên quan, nghi liên quan đến hoạt động mua bán trẻ em; không có đối tượng nào hiện đang tạm giữ, tạm giam về tội phạm mua bán người.

Thực hiện sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 193/QĐ-TTg, ngày 09/02/2021 phê duyệt Chương trình phòng, chống mua bán người giai đoạn 2021 - 2025 và định hướng đến năm 2030, Ban Chỉ đạo (BCĐ) phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội và xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc tỉnh đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 1033/KH-UBND, ngày 04/5/2021 về triển khai thực hiện Chương trình phòng, chống mua bán người giai đoạn 2021 - 2025 và định hướng đến năm 2030; Công văn số 520/UBND-TCDNC, ngày 20/3/2023 về việc thực hiện công tác phòng, chống tội phạm mua bán người năm 2023, trong đó chỉ đạo các cấp, các ngành, đoàn thể tập trung tổ chức các hoạt động có ý nghĩa thiết thực, phù hợp với từng địa bàn, đối tượng, nhằm tạo sự chuyển biến rõ nét trong nhận thức và hành động của cán bộ, đảng viên, Nhân dân trong công tác phòng, chống mua bán người.

Căn cứ tình hình thực tế, các sở, ngành, đoàn thể và UBND các huyện, thị xã, thành phố xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện nghiêm túc các nhiệm vụ, giải pháp về công tác phòng, chống mua bán người, tập trung vào công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân thực hiện nghiêm túc Luật Phòng, chống mua bán người; nâng cao nhận thức của người dân trong công tác phòng, chống mua bán người; tích cực tham gia lên án, phát hiện, tố giác tội phạm mua bán người gắn với thực hiện các mô hình xã, phường, thị trấn không có tội phạm và tệ nạn xã hội.          

Tuye truyen.jpg 

Tuyên truyền, phổ biến Luật Phòng, chống mua bán người tại một số xã trên địa bàn tỉnh

Xác định rõ công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật có ý nghĩa quan trọng trong công tác phòng, chống mua bán người, BCĐ tỉnh đã tập trung chỉ đạo các sở, ngành, đoàn thể, địa phương phối hợp chặt chẽ với các cơ quan thông tin đại chúng tăng cường công tác tuyên truyền. Trong đó tập trung tuyên truyền về các quy định của pháp luật về phòng, chống mua bán người, như: Bộ luật Hình sự; Luật Phòng, chống mua bán người; Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em; Luật Hôn nhân và Gia đình; Luật Bình đẳng giới; Pháp lệnh phòng, chống mại dâm... để phát trên các phương tiện thông tin đại chúng của tỉnh, huyện, hệ thống loa phát thanh của xã, phường, thị trấn.

Công an tỉnh phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, các cơ quan báo chí viết trên 20 lượt bài, đưa tin tuyên truyền về chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, về Luật Phòng, chống mua bán người và các văn bản pháp luật khác liên quan đến mua bán người; phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm mua bán người để nhân dân nâng cao nhận thức, cảnh giác, chủ động phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn tội phạm mua bán người.

Sở Thông tin và Truyền thông tiếp tục phát huy vai trò định hướng cho các cơ quan thông tin, truyền thông, các cấp, các ngành, đoàn thể của tỉnh và các huyện, thị xã, thành phố đẩy mạnh công tác tuyên truyền phòng chống mua bán người. Trong đó đã phối hợp với các sở, ngành, chính quyền địa phương đưa hơn 50 tin, bài, phóng sự trên các phương tiện thông tin đại chúng; kẻ vẽ nhiều panô, băng zôn, khẩu hiệu; trang cấp hơn 300 cuốn sách, tạp chí, tờ rơi… có nội dung về phòng, chống mua bán người xuống cơ sở làm tài liệu tuyên truyền. Qua đó đã nâng cao được nhận thức của Nhân dân về việc giáo dục con em mình không để tội phạm mua bán người lợi dụng hoạt động phạm tội, giúp người dân nâng cao tinh thần đấu tranh, phát hiện, tố giác tội phạm mua bán người.        

Sở Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành, đoàn thể có liên quan tổ chức các hoạt động truyền thông, giáo dục kiến thức phòng, chống mua bán người trong các cơ sở giáo dục; đưa nội dung tuyên truyền phòng, chống mua bán người vào các chương trình giáo dục công dân, giáo dục ngoại khóa của các cấp học, ngành học cho học sinh, sinh viên, học viên, nhất là tại các các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.

Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh phối hợp với các sở, ngành, địa phương tổ chức các hoạt động tuyên truyền tại cộng đồng với những nội dung ngắn gọn, dễ hiểu, phù hợp với lứa tuổi, địa bàn, tạo sự lan tỏa trong xã hội; tuyên truyền về phương thức thủ đoạn mới của tội phạm mua bán người, nhất là thủ đoạn đưa người đi lao động nước ngoài với lương cao để mua bán người, bên cạnh đó tăng cường phối hợp với các ngành chức năng hỗ trợ, giúp đỡ các gia đình có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, tổ chức các lớp dạy nghề, tạo việc làm cho chị em phụ nữ tại địa phương, công tác phòng ngừa nghiệp vụ…

Cùng với công tác tuyên truyền, BCĐ phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội và xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc tỉnh cũng đặc biệt quan tâm đến công tác phòng ngừa nghiệp vụ. BCĐ đã chỉ đạo lực lượng Công an triển khai thực hiện quyết liệt, hiệu quả kế hoạch cao điểm tấn công, trấp áp tội phạm mua bán người năm 2023; thực hiện tổng kiểm tra, rà soát việc đăng ký quản lý nhân hộ khẩu, quản lý tạm trú, tạm vắng, kiểm tra các cơ sở kinh doanh có điều kiện về an ninh trật tự... nhằm phòng ngừa không để tội phạm mua bán người lợi dụng hoạt động. Chủ động nắm chắc tình hình, quản lý chặt chẽ tuyến, địa bàn trọng điểm để phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến tội phạm mua bán người. Phối hợp với các cơ quan chức năng nắm tình hình hoạt động của một số cơ sở, công ty hoạt động dịch vụ như môi giới việc làm, xuất khẩu lao động, môi giới hôn nhân với người nước ngoài, các trung tâm bảo trợ xã hội có biểu hiện cho nhận con nuôi bất hợp pháp… để có kế hoạch phòng ngừa, đấu tranh kịp thời tội phạm mua bán người. Duy trì các hòm thư tố giác tội phạm tại các khu dân cư, công khai số điện thoại đường dây nóng, trực ban đơn vị để sẵn sàng tiếp nhận các thông tin về tội phạm.

CA kim bang.jpg 

 

Công an huyện Kim Bảng tuyên truyền, hướng dẫn người dân sử dụng ứng dụng VneID để quản lý nhân khẩu hộ khẩu, quản lý tạm trú, tạm vắng

Để làm tốt hơn nữa công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm mua bán người, thời gian tới BCĐ phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội và xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc tỉnh tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm túc các chỉ thị, nghị quyết, chương trình, kế hoạch của Trung ương, của tỉnh về công tác phòng chống tội phạm mua bán người; chỉ đạo lực lượng công an chủ động nắm chắc, dự báo trước diễn biến, phương thức thủ đoạn hoạt động mới của tội phạm mua bán người để chỉ đạo triển khai thực hiện các biện pháp, giải pháp phòng ngừa có hiệu quả. Quản lý chặt chẽ địa bàn, đối tượng, nhất là các tuyến, địa bàn trọng điểm, phức tạp về tình hình trật tự an toàn xã hội, các địa bàn tập trung đông dân cư, các khu công nghiệp tập trung nhiều công nhân là nữ giới để chủ động phòng ngừa và kịp thời phát hiện, đấu tranh với tội phạm mua bán người. Nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về an ninh trật tự, chú trọng công tác đăng ký, quản lý nhân khẩu, hộ khẩu, tạm trú, tạm vắng để phát hiện số phụ nữ, trẻ em bị mất tích, vắng mặt lâu ngày nghi bị mua bán…/.

Thương Huyền