Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Nâng cao hiệu quả sử dụng Cổng Dịch vụ công và Hệ thống thông tin một cửa điện tử tỉnh Hà Nam

Tin theo lĩnh vực Thông tin và truyền thông  
Nâng cao hiệu quả sử dụng Cổng Dịch vụ công và Hệ thống thông tin một cửa điện tử tỉnh Hà Nam
Cổng Dịch vụ công và Hệ thống thông tin một cửa điện tử tỉnh Hà Nam được triển khai và chính thức đi vào hoạt động từ tháng 7/2017.

Thực hiện Nghị định số 61/2018/NĐ-CP ngày 23/4/2018 của Chính phủ về thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính và Nghị quyết số 17/NQ-CP ngày 07/3/2019 của Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2019 - 2020, định hướng đến 2025, UBND tỉnh Hà Nam đã khẩn trương chỉ đạo điều chỉnh Cổng Dịch vụ công và Hệ thống thông tin một cửa điện tử theo nguyên tắc tập trung, thống nhất để tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công trực tuyến thuộc thẩm quyền giải quyết của tỉnh; kết nối, tích hợp với Cổng Dịch vụ công quốc gia, sẵn sàng kết nối với Cổng Dịch vụ công các bộ, ngành, các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

Cổng Dịch vụ công và Hệ thống thông tin một cửa điện tử của tỉnh cũng tuân thủ khung Kiến trúc Chính phủ điện tử Việt Nam, Kiến trúc chính quyền điện tử của tỉnh; các tiêu chuẩn, quy chuẩn liên quan; có khả năng kết nối, chia sẻ thông tin với các hệ thống thông tin khác của các cơ quan nhà nước; có khả năng tiếp nhận, kết nối, chia sẻ thông tin với tổ chức, cá nhân có nhu cầu thực hiện thủ tục hành chính thông qua các phương tiện điện tử, truyền thông, mạng xã hội.

Sau 02 năm triển khai, Cổng Dịch vụ công và Hệ thống thông tin một cửa điện tử tỉnh Hà Nam hiện nay cập nhật đầy đủ các thủ tục hành chính của tỉnh để công khai cho người dân và doanh nghiệp; công khai toàn bộ quy trình giải quyết thủ tục hành chính, kết quả giải quyết thủ tục hành chính; tích hợp lên Cổng Thông tin điện tử của tỉnh để công bố công khai tỷ lệ giải quyết hồ sơ: hồ sơ đúng hạn, quá hạn...; kết nối trực tuyến lên Cổng Thông tin điện tử Chính phủ để công khai tiến độ giải quyết hồ sơ của tổ chức, cá nhân.

Cổng cung cấp 2.352 bộ thủ tục (đạt 100%), trong đó: 319 bộ thủ tục mức độ 2 (13,5%); 1.620 bộ thủ tục mức độ 3 (68,9%); 413 bộ thủ tục mức độ 4 (17,6%).

Tổng số hồ sơ được tiếp nhận và cập nhật vào hệ thống năm 2019 (tính đến ngày 06/12/2019) là 196.073 bộ; giải quyết đúng và trước hạn đạt 99,8%.

Thực hiện yêu cầu của Văn phòng Chính phủ trong thời gian vừa qua, UBND tỉnh Hà Nam đã chỉ đạo triển khai thực hiện: Chỉnh sửa giao diện theo giao diện thống nhất chung của Văn phòng Chính phủ quy định; tiến hành rà soát, chuẩn hóa thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của các cấp chính quyền trên địa bàn tỉnh trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về thủ tục hành chính; tích hợp dùng chung hệ thống xác thực và tích hợp, cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 đối với thủ tục thông báo thực hiện khuyến mại; đổi giấy phép lái xe; tích hợp Bộ câu hỏi/trả lời về những vấn đề thường gặp trong quá trình giải quyết các thủ tục hành chính từ Cổng Dịch vụ công quốc gia để công khai trên Cổng Dịch vụ công và Hệ thống thông tin một cửa điện tử của tỉnh; xây dựng Quy trình nội bộ giải quyết thủ tục hành chính của tỉnh để cập nhật quy trình điện tử trên Cổng Dịch vụ công và Hệ thống thông tin một cửa điện tử của tỉnh.

Đối với việc xây dựng Chính phủ điện tử, cải cách hành chính, nâng cao hiệu quả quản lý điều hành, minh bạch hóa hoạt động của cơ quan nhà nước, phục vụ tốt hơn người dân, doanh nghiệp thì việc xây dựng các dịch vụ công trực tuyến đóng vai trò quan trọng. Cổng Dịch vụ công và Hệ thống thông tin một cửa điện tử tỉnh Hà Nam đi vào hoạt động đã cho phép người dân và doanh nghiệp dễ dàng nộp hồ sơ trực tuyến, tự tra cứu và biết được tình trạng giải quyết thủ tục hành chính của mình mà không phải đến tận nơi cơ quan giải quyết thủ tục hành chính. Đồng thời, người dân và doanh nghiệp có thể giám sát chất lượng các dịch vụ công một cách công khai, minh bạch, thông qua phản hồi, đánh giá quá trình giải quyết thủ tục hành chính của mình.

Ngoài ra, Cổng Dịch vụ công và Hệ thống thông tin một cửa điện tử của tỉnh còn giúp cải tiến, nâng cấp và đơn giản hóa quy trình giải quyết thủ tục hành chính, nhằm từng bước cải thiện sự phục vụ người dân và doanh nghiệp với chất lượng và hiệu quả tốt nhất; đồng thời tiết kiệm được chi phí do tập trung quản lý tại một hệ thống duy nhất.

UBND tỉnh Hà Nam đã ban hành Quy chế hoạt động của Cổng dịch vụ công và Hệ thống thông tin một cửa điện tử tỉnh (Quyết định số 30/2019/QĐ-UBND ngày 30/8/2019). Cổng Dịch vụ công và Hệ thống thông tin một cửa điện tử tỉnh Hà Nam đã kết nối thành công với Cổng Dịch vụ công quốc gia và khai trương vào ngày 09/12/2019.

Bên cạnh những kết quả mang lại, việc triển khai Cổng Dịch vụ công và Hệ thống thông tin một cửa điện tử còn có những khó khăn, tồn tại: Một số bộ, ngành trung ương đã có quyết định công bố nhưng chưa cập nhật đầy đủ các thủ tục hành chính của tỉnh, huyện, xã vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về thủ tục hành chính, do đó địa phương không thể lấy về để chuẩn hóa ở địa phương; số bộ hồ sơ trực tuyến phát sinh trong năm 2019 rất ít, chủ yếu là hồ sơ được cán bộ một cửa tiếp nhận bằng giấy và cập nhật vào hệ thống, tính đến ngày 06/12/2019, có 819 bộ hồ sơ trực tuyến; việc kết nối, tích hợp, chia sẻ giữa Cổng Dịch vụ công của tỉnh và các hệ thống thông tin khác còn khó khăn do Hà Nam chưa có trục liên thông nội bộ tỉnh (LGSP); quy định pháp lý về bộ hồ sơ trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 còn chưa đầy đủ.

Để khắc phục khó khăn, tồn tại nêu trên, trong thời gian tới các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố cần triển khai một số nhiệm vụ:

1. Thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 09/CT-UBND ngày 31/7/2018 của UBND tỉnh; Quy chế hoạt động của Cổng Dịch vụ công và Hệ thống thông tin một cửa điện tử tỉnh Hà Nam (ban hành kèm theo Quyết định số 30/2019/QĐ-UBND ngày 30/8/2019 của UBND tỉnh).

2. Tăng cường truyền thông và quảng bá hiệu quả về dịch vụ công trực tuyến của cơ quan để người dân, doanh nghiệp hiểu rõ hơn về lợi ích mang lại từ việc sử dụng dịch vụ công trực tuyến. Chú trọng đổi mới nội dung và hình thức tuyên truyền phù hợp với từng đối tượng thụ hưởng.

3. Chủ động phối hợp với Bưu điện tỉnh để đẩy mạnh việc tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính qua dịch vụ bưu chính công ích, kết hợp với việc hỗ trợ người dân đăng ký trực tuyến tại các điểm phục vụ bưu chính, điểm bưu điện văn hoá xã hoặc tại địa chỉ theo yêu cầu của tổ chức, cá nhân.

4. Thường xuyên rà soát các bộ thủ tục hành chính, điều chỉnh quy trình nội bộ giải quyết thủ tục hành chính khi có thay đổi, trình UBND tỉnh ban hành.

5. Thực hiện nghiêm túc theo quy trình nội bộ giải quyết thủ tục hành chính đã được UBND tỉnh ban hành, áp dụng vào quy trình điện tử trên Cổng Dịch vụ công và Hệ thống thông tin một cửa điện tử của tỉnh.

6. UBND các huyện, thành phố đẩy nhanh việc trang bị máy quét cho UBND các xã, phường, thị trấn nhằm phục vụ cho việc sử dụng Cổng Dịch vụ công và Hệ thống thông tin một cửa điện tử.

7. Văn phòng UBND tỉnh chỉ đạo Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh bố trí trang thiết bị cần thiết để phục vụ người dân và doanh nghiệp đăng ký trực tuyến khi đến nộp hồ sơ.

8. Sở Thông tin và Truyền thông tham mưu giải pháp chia sẻ, kết nối Cổng Dịch vụ công và Hệ thống thông tin một cửa điện tử tỉnh với các hệ thống thông tin khác để tạo cơ sở dữ liệu dùng chung duy nhất (trước mắt thực hiện chia sẻ, kết nối Cổng Dịch vụ công và Hệ thống thông tin một cửa điện tử tỉnh với phần mềm Quản lý văn bản và điều hành).

9. Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với Sở Nội vụ, Văn phòng UBND tỉnh tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá về chất lượng cung cấp dịch vụ công trực tuyến, số lượng hồ sơ nộp trực tuyến của từng cơ quan, hằng quý báo cáo UBND tỉnh./.​