Theo hồ sơ di tích đình Thượng, làng Thanh Nộn
trước đây thuộc tổng Quyển Sơn, trấn Phủ Lý, tỉnh Hà Nội. Tương Bình Đại Vương
(tên huý là Nguyễn Công Khôi) người con quê hương sinh ra, lớn lên trong hoàn
cảnh đất nước bị ngoại bang đô hộ.
Căm giận quân cướp nước, nghe tin ở châu Thái
Bình (nay thuộc Vĩnh Phúc, Phú Thọ và một phần phía tây Hà Nội) có bậc tuấn
kiệt Lý Bôn phất cờ khởi nghĩa, Nguyễn Công Khôi vui mừng tìm đến ra mắt, xin
tòng ngũ. Thấy Nguyễn Công Khôi tướng mạo hùng dũng, thông hiểu binh pháp, văn
võ kiêm toàn, Lý Bôn cả mừng thu nhận, phong làm tướng tiên phong.
Được trọng dụng, tin tưởng giao phó việc lớn
Nguyễn Công Khôi tận tâm phò Lý Bôn, cùng tướng lĩnh, nghĩa quân đánh đuổi giặc
Lương, rồi thừa thắng đánh tan quân Chiêm Thành đang quấy phá vùng biển Cửu
Chân (nay thuộc Thanh Hoá, Nghệ An).
Đình Thượng, làng Thanh Nộn, xã
Thanh Sơn (Kim Bảng).
Đất nước thanh bình, Lý Bôn lên ngôi vua, xưng
là Lý Nam Đế, đặt quốc hiệu là Vạn Xuân. Tướng tiên phong Nguyễn Công Khôi được
vua phong chức Tá Bộc Xạ. Dưới triều Lý Nam Đế, do có công lớn dẹp trừ giặc cỏ
ở Châu Ái, giúp dân an cư lạc nghiệp, lại tận tâm phò tá Lý Phật Tử lên ngôi
nên Nguyễn Công Khôi được hậu Lý Nam Đế phong chức “Tương Bình Đại Vương” xếp
vào hàng khai quốc công thần. Khi “Tương Bình Đại Vương” qua đời, để ghi nhớ
tài danh, công lao vị trung thần hết lòng vì nước, vua đương triều đã truy
phong là: “Tương Bình Đại Vương, Đương cảnh Thành hoàng”, chuẩn cho dân chúng
Thanh Nộn đời đời hương khói phụng thờ.
Ngôi từ đường thờ người anh hùng quê hương
trải qua nhiều lần trùng tu trở thành đình Thượng ngày nay, vẹn nguyên vẻ bề
thế, uy nghiêm với năm gian tiền đường, ba gian hậu cung, phía trước có tả vu,
hữu vu (thường gọi là hai dãy tảo xá).
Đình tọa trên nền đất cao, phong quang, trông
về hướng nam, có núi Ông Voi, dốc Cổ Ngựa từ xa chầu về, hội tụ sự mong cầu
sinh phúc, sinh lộc cho dân làng. Hằng năm, vào dịp đầu xuân, chức việc, dân
làng Thanh Nộn lại thành tâm chăm lo việc tế lễ, tưởng nhớ, tri ân công lao
đánh giặc cứu nước của người anh hùng quê hương.
Hội đình Thượng làng Thanh Nộn (ba năm một kỳ)
mở vào mùng 6 tháng mười một (nhân ngày khánh hạ - Ngày khánh thành ngôi từ
đường thờ Tương Bình Đại Vương).
Những năm mở hội, chức dịch cùng các cụ cao
niên đều thực hiện đầy đủ các nghi thức: lễ yết, mở cửa đình, khai hội, tổ chức
rước kiệu đón bài vị Hoàng Tràng Công chúa (một nữ tướng dưới thời nhà Trần) từ
ngôi đền cuối làng về đình Thượng rồi tiến hành đại tế kỳ phúc rất chu tất,
trọng hậu.
Lễ rước kiệu trong hội làng Thanh Nộn cũng có
những niêm luật rất quy củ, chặt chẽ và mang đậm sự thành kính trang nghiêm.
Trai thanh khiêng kiệu long đình (có bài vị Thành hoàng), gái lịch khiêng kiệu
song hành (có bài vị Hoàng Tràng Công chúa).
Cùng với phần tế lễ trang nghiêm, hội đình
Thượng có nhiều trò chơi, trò đấu rất vui hoạt, mang ý nghĩa sâu sắc, đáng chú
ý nhất là trò ném quần (tái hiện chiến công xưa của danh tướng Tương Bình Đại
Vương).
Để chơi trò này, người làng dựng hai cọc tre
cách nhau chừng vài chục mét ở hai đầu sân đình ngoài (sân không lát gạch). Mỗi
cọc đều sơn vòng tròn xanh, đỏ cách đều nhau. Cạnh cọc tre bên tả, bố trí sẵn
một đống gạch vài trăm viên. Đinh tráng của làng được chia làm hai toán, mỗi
toán hơn chục người.
Thể thức thi đấu là: bố trí đan xen cho mỗi
bên ném gạch ba lần. Toán bên tả ném trước, toán bên hữu ném sau. Khi quan viên
trọng tài phất cờ hiệu trò đấu bắt đầu, gạch ném rào rào. Tiếng hò reo cổ vũ
vang dội cho tới khi một bên thắng cuộc thì trò đấu mới kết thúc. Bên thắng
cuộc là bên ném được nhiều gạch trúng cột tre, không vỡ, không văng xa, có
nhiều gạch gối một đầu vào cột.
Bên thắng được trao thưởng (tiền hoặc lụa)
nhưng quan trọng hơn là tinh thần, người thắng cuộc rất hoan hỉ và luôn có niềm
tin rằng năm ấy họ sẽ gặp nhiều may mắn.
Cùng với trò ném quần, trò bịt mắt đập niêu
cũng rất hấp dẫn. Người chơi bịt mắt, cầm que, tiến về phía trước năm bước, đập
vào một trong ba cái niêu treo trên cao. Khi có hiệu lệnh, người chơi
phải định phương hướng ngầm, đi thẳng mấy bước, giơ que đập mạnh. Nếu que đập
phải niêu trấu, bụi bay mù mịt. Nếu que đập phải niêu đựng nước, người chơi bị
ướt lướt thướt dưới tiết trời rét, tạo nên một bầu không khí thật hồn nhiên,
tươi vui, sống động.
Nét độc đáo của Di tích lịch sử, văn hóa đình
Thượng cùng hội làng truyền thống Thanh Nộn từ bao đời nay được tiếp tục giữ
gìn, nối truyền trong thời mở cửa càng điểm tô thêm sự khởi sắc và sức thanh
xuân nơi vùng quê nông thôn mới Thanh Sơn đang hướng tới mục tiêu trở thành một
trong những điển hình nông thôn mới kiểu mẫu.