Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Ngày hội đọc sách ở Việt Nam nhìn từ thực tiễn cuộc sống

Tin theo lĩnh vực Ngày sách Việt Nam  
Ngày hội đọc sách ở Việt Nam nhìn từ thực tiễn cuộc sống
Dù những ngày hội đọc sách ở Việt Nam mới chỉ được hình thành và tổ chức cách đây chưa lâu, song có thể khẳng định rằng: Tất cả những gì mà chúng ta đã đạt được, những tình cảm và trách nhiệm của bạn đọc, của nhân dân, của nhiều tổ chức xã hội, cá nhân trong và ngoài nước đối với ngày hội đọc sách ở Việt Nam trong những năm tháng qua, luôn là một “nguồn sữa mẹ” trong lành nhất, bổ dưỡng nhất và quý giá nhất để góp phần nuôi dưỡng, duy trì, phát triển, tôn vinh văn hóa đọc ở Việt Nam.

20200417-l28.jpg
Ngày sách và văn hóa đọc ở nước ta đã nhận được sự tham gia, hưởng ứng của mại tầng lớp nhân dân. Ảnh minh họa​

Đọc sách luôn là một nhu cầu không thể thiếu trong đời sống xã hội loài người, trong tiến trình văn minh nhân loại. Bởi lẽ, sách cho ta tri thức, hiểu biết và kiến thức tổng hợp về mọi phương diện của đời sống, giúp con người có thêm kinh nghiệm sống, kinh nghiệm sản xuất, lao động, học tập và trau dồi tư tưởng, tình cảm, thẩm mỹ, tư duy. Tóm lại, sách góp phần giúp "con người sống người hơn" (Karl Marc) trong một xã hội luôn phức tạp và đầy biến động.

Trong dòng chảy của lịch sử văn minh nhân loại, ở nhiều nước trên thế giới, thư viện và việc tổ chức đọc sách báo cho các tầng lớp nhân dân đã xuất hiện từ nghìn năm nay. Khoảng hơn một trăm năm trở lại đây, ở châu Âu, châu Mỹ và châu Á... những ngày đọc sách, lễ hội đọc sách mang tầm vóc quốc gia đã xuất hiện như một biểu trưng về văn hóa, như lễ hội đọc sách, tuần lễ đọc sách ở các nước: Pháp, Đức, Italia, Nga, Mỹ, Nhật Bản, Xingapo... nhằm tôn vinh văn hóa đọc trong cộng đồng, đồng thời khẳng định giá trị và vai trò của văn hóa đọc, khuyến khích và đẩy mạnh phát triển sự nghiệp thư viện tại các nước đó.

Nhìn trên bình diện quốc tế, những lễ hội đọc sách, ngày hội đọc sách đã và đang mang lại những hiệu quả tích cực và giá trị to lớn. Hàng năm, hoạt động này đã thu hút và lôi kéo sự chú ý, quan tâm của hàng nghìn, hàng vạn, thậm chí hàng triệu người đọc, nhà văn, nhà nghiên cứu, nhà quản lý… ở mỗi quốc gia. Đặc biệt, trong bối cảnh bùng nổ thông tin, văn hóa nghe nhìn từ nhiều năm nay đã và đang lấn át văn hóa đọc, việc tổ chức các ngày hội đọc sách, lễ hội đọc sách đã góp phần khẳng định văn hóa đọc mãi mãi trường tồn và không có gì có thể thay thế được.

Ở Việt Nam, từ hơn mười năm nay, hưởng ứng Ngày sách và bản quyền thế giới (23/4) hằng năm, Vụ Thư viện, Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) đã phối hợp với Hội Thư viện Việt Nam tổ chức và phát động ngày hội đọc sách, dần trở thành nền nếp và đi vào cuộc sống, có sức lan tỏa rộng rãi từ Trung ương tới khắp các tỉnh, thành phố trong cả nước.

Không chỉ tôn vinh văn hóa đọc, khẳng định tầm quan trọng của sách, báo trong đời sống xã hội - một nét đẹp trong đời sống văn hóa tinh thần và truyền thống văn hiến của dân tộc Việt Nam - những ngày đọc sách ở Việt Nam còn mang một ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Đó là, bên cạnh việc tôn vinh văn hóa đọc bằng các hình thức phong phú, đa dạng như: triển lãm, trưng bày sách báo, giao lưu giữa tác giả với bạn đọc, tọa đàm, nói chuyện chuyên đề, tuyên truyền giới thiệu sách, vẽ tranh theo sách, v.v.. Ngày hội đọc sách ở nước ta đã huy động được sự đóng góp, hỗ trợ, tài trợ cả về vật chất và tinh thần cho các thư viện - nơi nuôi dưỡng văn hóa đọc. Công tác xã hội hóa hoạt động thư viện đã thu được nhiều kết quả to lớn. Đặc biệt, từ năm 2014, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định lấy ngày 21/4 hàng năm là Ngày Sách Việt Nam)Ngày sách và văn hóa đọc ở nước ta đã nhận được sự tham gia, hưởng ứng, sự quan tâm chú ý, tài trợ ngày càng tích cực của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước với hàng nghìn, hàng vạn cuốn sách và nhiều trang thiết bị, cơ sở vật chất có giá trị. Chỉ tính riêng tại Thư viện Quốc gia Việt Nam, từ năm 2010 đến năm 2016, mỗi năm thư viện đã nhận được hàng nghìn cuốn sách từ Cục Xuất bản, In và Phát hành; các nhà xuất bản lớn ở Trung ương; các tổ chức, cơ quan trong và ngoài nước ủng hộ với tổng giá trị lên tới vài trăm triệu đồng bằng sách và các trang thiết bị phục vụ công tác thư viện..., để giúp đỡ cho các thư viện và tủ sách ở các địa phương còn nhiều khó khăn như: Hòa Bình,  Sơn La, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Yên Bái, Lào Cai, Lai Châu, Nghệ An, Quảng Trị... Mặc dù chưa có được số liệu thống kê cụ thể về số người tham gia ngày hội đọc sách tại tất cả 63 thư viện tỉnh, thành cũng như số tiền, hiện vật và tư liệu sách, báo nhận được từ các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước cho việc duy trì và phát triển văn hoá đọc ở Việt Nam, nhưng có thể thấy rõ số lượng người tham gia rất lớn và số tiền, hiện vật, sách báo, tư liệu nhận được có thể ước lượng giá trị lên tới hàng tỷ đồng/năm. Đặc biệt, số sách báo quyên góp được thông qua ngày hội đọc sách ở các tỉnh khu vực: Tây Bắc, Tây Nam Bộ, Tây Nguyên đã nhanh chóng được đưa tới các điểm đọc sách báo, tủ sách, thư viện ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, nơi người dân đang “thiếu đói sách, báo" và “khát khao tri thức". Đây có thể coi là một kết quả khả quan, có ý nghĩa xã hội mà ngành thư viện Việt Nam nói chung, của Hội Thư viện Việt Nam nói riêng đã nỗ lực để thúc đẩy văn hóa đọc và công tác thư viện.

Để không ngừng nâng cao văn hóa đọc cho toàn dân, để những ngày hội đọc sách ở Việt Nam ngày càng thu hút đông đảo bạn đọc và để ngành thư viện nước ta ngày càng phát triển, tác giả đề xuất một số nội dung sau:

Một là, Hội Thư viện Việt Nam; Vụ Thư viện, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Thư viện Quốc gia Việt Nam cần có sự phối hợp chặt chẽ để duy trì và thúc đẩy văn hóa đọc trong nhân dân, nhất là các hoạt động trong trong khuôn khổ Ngày Sách Việt Nam (21/4) và Ngày Sách và bản quyền thế giới (23/4). Các thư viện trong cả nước cần chủ động phối kết hợp với các cơ quan hữu quan, tích cực quảng bá hoạt động này sâu rộng, đầy đủ và mạnh mẽ hơn, để trở thành một hoạt động xã hội mang biểu trưng văn hoá, có ý nghĩa xã hội và nhân văn sâu sắc.

Hai là, bên cạnh việc duy trì thường xuyên Ngày Sách Việt Nam, ngành thư viện cần phải thu hút sự quan tâm, đóng góp, hỗ trợ của các cơ quan, đoàn thể, doanh nghiệp và cá nhân có tâm huyết với văn hóa đọc, với ngành xuất bản và sự nghiệp thư viện nhiều hơn nữa, nhất là đối với các thư viện ở vùng sâu vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, biên giới, hải đảo còn nhiều khó khăn.

Dù những ngày hội đọc sách ở Việt Nam mới chỉ được hình thành và tổ chức cách đây chưa lâu, song có thể khẳng định rằng: Tất cả những gì mà chúng ta đã đạt được, những tình cảm và trách nhiệm của bạn đọc, của nhân dân, của nhiều tổ chức xã hội, cá nhân trong và ngoài nước đối với ngày hội đọc sách ở Việt Nam trong những năm tháng qua, luôn là một “nguồn sữa mẹ" trong lành nhất, bổ dưỡng nhất và quý giá nhất để góp phần nuôi dưỡng, duy trì, phát triển, tôn vinh văn hóa đọc ở Việt Nam.

http://mic.gov.vn/Pages/TinTuc/141307/Ngay-hoi-doc-sach-o-Viet-Nam-nhin-tu-thuc-tien-cuoc-song.html


Theo mic.gov.vn